Multimedia Đọc Báo in

Phát huy vai trò cựu chiến binh người dân tộc thiểu số

08:09, 04/05/2022

Với uy tín và trách nhiệm của mình, nhiều cựu chiến binh (CCB) người dân tộc thiểu số đã có những đóng góp thiết thực, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương.

Rời quân ngũ năm 1980, CCB Y Sinh Niê (SN 1958) về quê hương ở buôn Drah 1, xã Cư Né (huyện Krông Búk) sinh sống. Trải qua thời gian dài làm thuê và mướn đất canh tác, CCB Y Sinh từng bước tích lũy được vốn để mua rẫy vườn, xây dựng mái ấm hạnh phúc. Ông Y Sinh tâm sự, giai đoạn mới lập nghiệp vất vả trăm bề. Tuy vậy, bản thân ông không ngừng nỗ lực, nhanh nhạy bắt nhịp thị trường, từ 4 ha đất sản xuất, ông từng bước đưa kinh tế gia đình vươn lên khá giả.

Theo đó, năm 2012 ông Y Sinh đã đầu tư thêm các loại giống cây tiêu, bơ, sầu riêng trồng xen trong rẫy cà phê, góp phần tăng thu nhập trên cùng một diện tích đất. Năm 2016, khi các loại cây trồng bước vào giai đoạn kinh doanh, ông tiếp tục mua 8 con bò giống sinh sản về nuôi nhốt tập trung nhằm tận dụng tối đa nguồn thức ăn là cỏ, lá cây sẵn có trong vườn. Cần cù, chịu khó, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, từ năm 2017 đến nay, mỗi năm gia đình ông Y Sinh thu nhập trên 400 triệu đồng (sau khi trừ chi phí), xây được nhà mái Thái khang trang.

Ông Y Sinh Niê ở buôn Drah 1, xã Cư Né, huyện Krông Búk (bìa trái) giới thiệu về vườn cà phê xen canh cây ăn trái của gia đình.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, nhiều năm nay, ông Y Sinh còn được tín nhiệm làm Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận, Chi hội trưởng Chi hội CCB buôn Drah 1. Với vai trò, trọng trách được giao, trong mỗi buổi sinh hoạt cộng đồng, ông Y Sinh luôn tiếp thu ý kiến của bà con, từ đó kiến nghị lên cấp trên giải quyết. Đồng thời, ông còn tích cực tuyên truyền để người dân trong buôn thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển mô hình kinh tế phù hợp. Thấy mô hình sản xuất của gia đình ông Y Sinh hiệu quả, nhiều hộ dân trong buôn cũng mạnh dạn làm theo, mang lại thu nhập khá.

Năm 1993, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về buôn làng, ông Y Tuyên Bkrông (SN 1971, ở buôn Drai H’Ling, xã Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội CCB của buôn. Nhờ tích cực tham gia công tác xã hội, gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động, phong trào địa phương, từ năm 2015 đến nay, ông tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng buôn. Trước đây, khi nhắc đến buôn Drai H’Ling người ta thường nghĩ đến vùng quê nghèo với nhiều tập tục lạc hậu. Việc cưới hỏi, ma chay thường tổ chức rình rang nhiều ngày, gây tốn kém; người bị ốm thì mời thầy cúng về “chữa bệnh”… Bằng sự nhiệt tình và uy tín của mình, ông Y Tuyên đã cùng cấp ủy, ban tự quản thường xuyên đến từng hộ dân để trò chuyện, nắm bắt nguyện vọng, tâm tư và giải thích, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, loại bỏ các tập tục lạc hậu ra khỏi đời sống cộng đồng. Nhờ đó, đến nay, việc cưới hỏi, ma chay trong buôn đã được tổ chức tinh gọn; người ốm đau đều đến các cơ sở y tế thăm khám…

Ông Y Tuyên Bkrông (buôn Drai H’Ling, xã Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) chăm sóc cà phê.

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nhờ sự vận động của Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng buôn Y Tuyên, từ năm 2015 đến nay, người dân trong buôn đã tự nguyện đóng góp trên 200 triệu đồng và hàng trăm ngày công lao động để bê tông hóa gần 2 km đường nội buôn. Đến nay, toàn buôn có 90% số hộ đạt gia đình văn hóa, tình trạng sinh con thứ ba giảm đáng kể, buôn chỉ còn 2 hộ nghèo.

Trở về cuộc sống đời thường sau những năm tháng cống hiến tuổi xuân, sức trẻ cho nền độc lập dân tộc, các thế hệ CCB trong tỉnh hôm nay vẫn luôn giữ vững bản lĩnh trên mặt trận phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cuộc sống mới. Toàn tỉnh hiện có 50.983 hội viên CCB (trong đó, hội viên người dân tộc thiểu số chiếm khoảng 30%), đang sinh hoạt tại 275 hội cơ sở.

Theo ông Nguyễn Như Ẩm, Trưởng Ban Tổ chức - Chính sách (Hội CCB tỉnh), thời gian qua, các cấp hội CCB trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động, phong trào gắn với thực tiễn đời sống và từng địa bàn cơ sở, trong đó có việc thực hiện phong trào thi đua “CCB gương mẫu”. Từ phong trào này đã góp phần khích lệ tinh thần để hội viên hăng hái tham gia các chương trình, hoạt động ở cơ sở như: phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; phòng, chống dịch COVID-19; giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi… Qua thực tế hoạt động của các hội viên CCB là người uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số luôn gương mẫu đi đầu trên mọi mặt công tác, từ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo đến giáo dục con cháu; vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, đóng góp xây dựng nông thôn mới...

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.