Trui rèn để xây dựng cán bộ có đạo đức, năng lực
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc sử dụng người tài. Người cũng luôn nhấn mạnh yếu tố đạo đức của người tài và coi đó là phần nổi trội. Đất nước muốn phát triển cần hội tụ và phát huy trí lực của người tài đức, tiêu biểu về phẩm chất và trí tuệ.
5 quan điểm của Đảng ta trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay đều nhấn mạnh hai yếu tố cần phải xây dựng: con người đạo đức và con người năng lực để trở thành con người toàn diện. Và cũng chỉ khi có đầy đủ hai yếu tố đó thì trước phong ba bão táp, trước mọi cám dỗ của vật chất, người đảng viên, cán bộ mới không bị sa ngã; đồng thời có đủ bản lĩnh và trách nhiệm để không rời bỏ vị trí, giữ nguyên “bánh lái”, đứng mũi chịu sào, góp phần chèo lái “con thuyền” đất nước phát triển.
Bài học về vụ án Trần Dụ Châu tham ô biển thủ công quỹ năm 1950 và vụ án Trương Việt Hùng tha hóa đạo đức lối sống năm 1964 vẫn là bài học cảnh tỉnh cho cán bộ, đảng viên về tính pháp trị và đức trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Càng thương dân, thương cán bộ, chiến sĩ bao nhiêu, Người càng thể hiện tính cương quyết bấy nhiêu mỗi khi phải xử lý những cán bộ có hành vi tham nhũng, tiêu cực và thoái hóa về đạo đức trên tinh thần “Thà chặt một cành sâu để cho cây xanh tốt”.
Các đại biểu tỉnh Đắk Lắk tham dự Hội nghị cán bộ toàn quốc về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng vào tháng 12/2021. Ảnh: Nguyễn Xuân |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định: “Mất cán bộ thật đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác! Tất cả là vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của nhân dân”. Thời gian gần đây, Đảng ta rất kiên quyết trong việc xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Nhiều vụ việc cán bộ thoái hóa, biến chất đã được đưa ra xét xử, trong đó có không ít cán bộ có chức vị cao, có học hàm - học vị... Đó là những cán bộ có tài nhưng thiếu đức và không đủ bản lĩnh để vượt qua sức hút của quyền lực kinh tế và tiền bạc. Nói cách khác là họ đã bị những “viên đạn bọc đường” xuyên thấu. Mất cán bộ là điều hết sức đáng tiếc, bởi tài năng của họ lẽ ra phải cống hiến và đóng góp nhiều hơn cho đất nước. Họ không thể đổ lỗi cho ai, càng không thể đổ lỗi do thiếu hiểu biết pháp luật hay do năng lực yếu kém không thể nhận biết đúng, sai… Nếu có một năng lực phản vệ để giữ mình thì hẳn họ không làm những điều pháp luật cấm. Năng lực “kháng thể” đó không phải tự nhiên mà có. Nó được hình thành và phải được trui rèn thường xuyên, tự thân trên hành trang trưởng thành của những người tài năng. Đó phải là quá trình tiếp nhận và tu dưỡng, thực hành đạo đức, thực hành văn hóa như một nền nếp, thói quen để tạo nên bản lĩnh sống có đạo lý, biết phân biệt trên – dưới, phải – trái, đúng – sai, thiện – ác.
Trong những năm qua, Đảng ta đã xây dựng rất nhiều “màng lọc” (xây dựng bộ tiêu chí về ủy viên Bộ Chính trị, bộ tiêu chí về ủy viên Trung ương) nhằm tránh chọn nhầm hoặc để lọt vào hàng ngũ cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước những cá nhân tham vọng, hám quyền lực, không đặt lợi ích dân tộc và nhân dân lên trên hết. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được Trung ương tiến hành liên tục thời gian qua đã mang lại kết quả hết sức đáng mừng, tạo được niềm tin trong xã hội. Kết luận số 12 của Bộ Chính trị ngày 12/4/2022 về “tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” là sự tiếp tục kiên trì thực hiện nhiệm vụ cấp bách mà Nghị quyết TW 4 khóa XI, XII, XIII đặt ra vừa cơ bản, lâu dài vừa tập trung trọng tâm, kịp thời và hợp lòng dân; với quan điểm nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, gắn chặt phòng ngừa với chủ động tiến công để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Về mặt phương pháp, có thể ví đây như là giai đoạn dần tạo lập lối suy nghĩ đúng đắn, phương pháp làm việc tích cực, thói quen hành động tốt cho đảng viên, cán bộ, suy rộng hơn, xa hơn là hình thành văn hóa chính trị trong Đảng (văn hóa Đảng). Đây là một khái niệm hết sức thiêng liêng đối với người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, là một trọng trách, vinh dự mà người đảng viên cần phải có. Văn hóa chính trị này sẽ thấm dần, thẩm thấu, lan tỏa vào các hoạt động chính trị của Đảng giúp thanh lọc và loại bỏ những cá nhân tham nhũng, tiêu cực, có biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống. Từ đó xây dựng một nền hành chính trong sạch, vững mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng, đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nguyễn Thị Vân Lam
(Trường Chính trị tỉnh)
Ý kiến bạn đọc