Để nêu gương là phẩm chất của người đảng viên
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu phải nêu gương, trước hết về đạo đức cho tất cả cán bộ, đảng viên: đối với mình là không được tự cao tự đại, tự mãn; đối với người phải yêu thương, khoan dung, độ lượng; đối với việc phải tận tâm, tận lực, có trách nhiệm, gương mẫu.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" sáng 12/6/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh đến việc "nêu gương" của mỗi cán bộ, đảng viên. Đồng chí chỉ rõ: "Nêu gương là thực hiện đồng thời, gắn kết việc học tập với làm theo Bác và nêu gương. Phát huy hiệu quả mối quan hệ giữa 3 nhiệm vụ này, trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm tiền phong, gương mẫu với nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị…”.
Trên tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Kết luận số 01-KL/TW, đặc biệt là phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các tổ chức đảng, đảng viên, hệ thống chính trị càng nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với yêu cầu sự nghiệp cách mạng Việt Nam trong tình hình mới. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức cách mạng; tự giác, gương mẫu trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành việc làm quan trọng, thường xuyên, liên tục trong mỗi tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn tặng Bằng khen cho các đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu biểu 5 năm liền (2017-2021). Ảnh: Nguyễn Xuân |
Có thể thấy, phong cách nêu gương của cán bộ, đảng viên có vai trò hết sức quan trọng trên mọi mặt đời sống xã hội, đặc biệt là đối với các phong trào thi đua rộng khắp của đất nước, điều đó không chỉ khẳng định qua lý luận mà còn được chứng minh qua thực tiễn của quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Vai trò ấy tiếp tục được đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đặc biệt nhấn mạnh và đề cao tại Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Kết luận 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Để việc học tập và làm theo Bác hiệu quả hơn, ngày một trở thành ý thức tự giác trong mỗi cán bộ, đảng viên, đồng chí yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo Kết luận 01, gắn với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, Kết luận 21 về "Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”", Quy định 37 về những điều đảng viên không được làm... Trong đó chú trọng, tập trung làm tốt hơn nữa 3 nội dung: Học tập Bác, làm theo Bác và nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Đảng ta đặc biệt chú trọng công tác xây dựng Đảng về đạo đức. Việc phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu trong học tập và làm theo Bác càng phải đi từ tự thân, tự giác, để nêu gương trở thành phẩm chất vốn quý của cán bộ, đảng viên. Bởi như Bác Hồ đã căn dặn: “Một trăm bài diễn thuyết hay không bằng một tấm gương sống” và “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc