Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV:

Cần có chính sách ưu đãi đặc thù cho cán bộ y tế vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn

16:12, 13/06/2022

Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 3, sáng 13/6 dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Góp ý vào Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đa số đại biểu đều cơ bản đồng tình với Dự thảo và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội. Đại biểu khẳng định, Luật Khám, chữa bệnh được Quốc hội thông qua ngày 23 tháng 11 năm 2009 đã góp phần nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, khả năng tiếp cận với dịch vụ và chuẩn hóa chất lượng của hoạt động khám, chữa bệnh, góp phần làm tăng tuổi thọ trung bình của người Việt Nam cao hơn tuổi thọ trung bình của dân số thế giới. Tuy nhiên, luật cũng bộc lộ một số nội dung cần thiết phải sửa đổi, bổ sung như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội đã nêu.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung phiên họp. (Ảnh: Quochoi.vn)
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung phiên họp. (Ảnh: Quochoi.vn)

Đại biểu kiến nghị dự thảo Luật lần này bổ sung thêm ba chương việc khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và điều chỉnh các nội dung quan trọng khác. Tuy nhiên, vấn đề y đức trong thời gian qua chỉ được điều chỉnh thông qua quy định riêng của Bộ Y tế. Đại biểu thấy rằng, đây là vấn đề hết sức quan trọng cần phải được đưa vào vào luật dành một chương riêng cho vấn đề này.

Về nội dung đánh giá năng lực người hành nghề - một trong những điểm mới nhất của dự thảo Luật lần này, các đại biểu cho rằng, đây là kỳ sát hạch không có tính cạnh tranh nhưng cần đảm bảo chất lượng, tránh hình thức, tránh quá tải cho Hội đồng Y khoa quốc gia và các cơ sở y tế. Đại biểu đề nghị lộ trình đánh giá năng lực người hành nghề trước năm 2035 chỉ nên tập trung đánh giá năng lực hành nghề 3 chức danh gồm bác sĩ, điều dưỡng và hộ sinh, vì ba chức danh này chiếm khoảng 80% tổng số nhân lực trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và đáp ứng hầu hết nhu cầu khám, chữa bệnh cơ bản của người dân.

Về mô hình phòng khám bác sĩ gia đình, các đại biểu đề nghị ngành y tế cần có đánh giá, tổng kết cụ thể, xác định phạm vi, quy mô, chức năng, nhiệm vụ của phòng khám bác sĩ gia đình và các điều kiện bảo đảm hoạt động như: giá dịch vụ phòng khám, cơ chế chuyển tuyến, cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế. Đồng thời cần có những hỗ trợ về chính sách để nhân rộng mô hình bác sĩ gia đình trên toàn quốc nhằm tăng nhân sự y học gia đình trong khoa khám bệnh, ngoại trú. Cần quan tâm đến vấn đề hành lang pháp lý và được luật hóa, có thể đưa vào một điều luật cụ thể về nội dung này trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Quang cảnh phiên làm việc. Ảnh: Quochoi.vn

Bên cạnh đó, để đảm bảo thể chế hóa đầy đủ, toàn diện chính sách bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, làm rõ thêm chính sách ưu tiên của Nhà nước đối với công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Đại biểu cũng đề nghị cần nghiên cứu bổ sung trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc đảm bảo kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nguồn lực y tế và chế độ chính sách đặc thù cho cán bộ và nhân viên y tế phục vụ tại vùng này.

Các đại biểu chỉ ra rằng, điều kiện cơ sở vật chất các cơ sở y tế hiện nay chưa đảm bảo đáp ứng yêu cầu công tác khám bệnh, chữa bệnh, trong khi đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu công tác khám bệnh, chữa bệnh còn thiếu cả về số lượng và yếu về chất lượng. Với chủ trương việc khám bệnh, chữa bệnh trong thời gian tới sẽ triển khai toàn diện tuyến cơ sở, cấp huyện, cấp xã trừ trường hợp bệnh mắc bệnh hiểm nghèo mới chuyển lên tuyến trên, nếu không đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, nguồn nhân lực phù hợp thì chủ trương này sẽ không khả thi.

Song song đó, cũng cần đặc biệt chú trọng chính sách thu hút, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, tạo việc làm trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời có chính sách ưu đãi đặc thù cho cán bộ y tế tại vùng này nhằm tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ y tế yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho nhân dân địa phương…

Lan Anh (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.