Multimedia Đọc Báo in

Nhà ngục Đắk Mil - “địa chỉ đỏ” ở Đắk Nông

09:12, 17/07/2022

Nhà ngục Đắk Mil được thực dân Pháp xây dựng đầu năm 1940 - là một “biệt giam” thuộc Nhà đày Buôn Ma Thuột, trong một khu rừng già (nay thuộc thôn 9, xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) với mục đích là giam giữ, đày ải những chiến sĩ cách mạng cốt cán, không thu phục được đang giam cầm tại Nhà đày Buôn Ma Thuột.

Nguyên bản Nhà ngục Đắk Mil được thiết kế theo kiểu nhà dài (nhà sàn) của đồng bào Êđê gồm 9 gian bằng gỗ, mái lợp tranh. Bên ngoài là hàng rào gỗ bao quanh, được chèn chặt bằng dây thép gai, bốn góc của nhà ngục có chòi canh gác 24/24 giờ.

Năm 1941, đoàn tù đầu tiên bị đày tới ngục Đắk Mil gồm 45 tù nhân, sau đó tăng lên tới 120 người. Tại đây, thực dân Pháp đã thi hành một chế độ nhà tù hết sức khắc nghiệt và tàn bạo. Nhưng, chính sách tàn bạo của thực dân chỉ khắc ghi thêm tội ác dã man của chúng đối với dân tộc ta, chỉ có thể giam giữ được thể xác chứ không khuất phục được tinh thần của các chiến sĩ cách mạng. Ngay sau khi bị đày tới ngục Đắk Mil, các tù nhân đã lựa chọn và bầu ra Ban cán sự để lãnh đạo tù nhân đấu tranh chống lại chế độ ngục tù. Ban cán sự đầu tiên của nhà ngục gồm các đồng chí Trần Văn Quang, Nguyễn Tạo, Kinh, Hòa, Trinh, Bửu, Toàn... Ban cán sự đề ra chủ trương trong giai đoạn này là nhanh chóng chuẩn bị đấu tranh chống đàn áp, bảo vệ quyền lợi tù nhân, tổ chức vượt ngục.

Tái hiện cảnh vượt ngục của các chiến sĩ cách mạng ở Nhà ngục Đắk Mil.

Theo đó, đầu năm 1942, tù nhân đấu tranh giành thắng lợi, được nghỉ 3 ngày Tết tại nhà ngục. Cuối tháng 6/1942, tù nhân tổ chức thành công việc phá lò gạch của địch, góp phần phá vỡ kế hoạch mở rộng nhà ngục. Đêm mùng 4, rạng sáng 5/12/1942, các đồng chí Nguyễn Tạo, Trương Vân Lĩnh, Chu Huệ, Trần Doanh tổ chức vượt ngục Đắk Mil thành công. Đây là cuộc vượt ngục đầu tiên được tổ chức của tù chính trị trong Nhà ngục Đắk Mil, đó là một thành công lớn, đánh dấu một bước tiến mới trong việc tổ chức bộ máy lãnh đạo của các chiến sĩ cộng sản trong nhà tù thực dân, khích lệ tinh thần đấu tranh và để lại những kinh nghiệm cho những cuộc đấu tranh và vượt ngục sau này của các chiến sĩ cách mạng trong chốn lao tù của kẻ thù.

Cuộc vượt ngục Đắk Mil lần thứ hai diễn ra ngày 8/2/1943, gồm các đồng chí Nguyễn Khải, Trần Tống, Võ Nhân. Lợi dụng sơ hở của địch, Ban cán sự nhà ngục bố trí cho ba đồng chí vượt ngục ra ngoài bằng cách trốn vào bồ đi lấy nước và theo kế hoạch định sẵn, ba đồng chí trốn thoát vào rừng. Tuy nhiên, địch đã bắt và bắn chết bốn tù nhân đẩy xe đi lấy nước để khủng bố tinh thần tù nhân, nhằm ngăn chặn các vụ vượt ngục tiếp theo. Mặc dù cuộc vượt ngục thứ hai không thành công nhưng tinh thần đấu tranh kiên cường, dũng cảm của các chiến sĩ cách mạng nơi đây đã có tác động rộng lớn, sâu sắc đến tinh thần đấu tranh của đông đảo tù nhân và binh lính ở Nhà đày Buôn Ma Thuột.

Xích chân, còng tay, ổ khóa cục đá trong là những dụng cụ để giam cầm các tù chính trị tại Nhà ngục Đắk Mil. 

Bị thất bại liên tiếp trong việc cai quản, đày ải và lợi dụng công sức của tù chính trị vào xây dựng Đại lý Đắk Mil, cuối tháng 3/1943, thực dân Pháp đã chuyển toàn bộ số tù nhân ở đây về Nhà đày Buôn Ma Thuột và cho phá hủy Nhà ngục Đắk Mil. Âm mưu thâm độc của thực dân Pháp là đày ải những tù nhân cộng sản lên những nhà tù ở miền núi, cao nguyên nhằm cô lập những người cách mạng, cộng với khí hậu nơi rừng thiêng nước độc để giết dần, giết mòn những chiến sĩ cộng sản đã thất bại. Chính việc thực dân Pháp tăng cường đày ải tù chính trị cộng sản lên Tây Nguyên nói chung, Đắk Nông nói riêng đã đưa những người có tư tưởng cộng sản đến với mảnh đất, với quần chúng chưa giác ngộ cách mạng, đưa phong trào cách mạng của Đắk Nông sánh bước cùng phong trào cách mạng giải phóng dân tộc do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo.

Để lưu giữ giá trị của Nhà ngục Đắk Mil đối với việc giáo dục truyền thống lịch sử, truyền thống đấu tranh của các thế hệ, năm 2004 sau khi tỉnh Đắk Nông được tái lập, ngành văn hóa tỉnh đã sưu tầm hàng trăm tài liệu, hiện vật lịch sử để xây dựng hồ sơ khoa học cho di tích. Ngày 17/3/2005, Nhà ngục Đắk Mil đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Qua đó, tỉnh Đắk Nông tiến hành xây dựng, tu bổ di tích theo nguyên trạng ban đầu. Sau gần 7 năm triển khai phục dựng, ngày 31/12/2011, Nhà ngục Đắk Mil hoàn thành và đi vào hoạt động, trở thành địa điểm du lịch "về nguồn" hết sức ý nghĩa, là “địa chỉ đỏ” cho các thế hệ học sinh, sinh viên trong và ngoài tỉnh đến tham quan, nghiên cứu và học tập.

Cẩm Trang


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.