Multimedia Đọc Báo in

Thấm nhuần, lan tỏa, triển khai hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII

09:09, 25/07/2022

Các nghị quyết được ban hành tại Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII có nhiều vấn đề mới, nội dung rất cơ bản, hệ trọng, liên quan mật thiết, tác động nhiều chiều đến quá trình phát triển của đất nước. Việc nghiên cứu, học tập, quán triệt đi đôi với cụ thể hóa trong triển khai thực hiện, góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực về mọi mặt.

Nhiều nội dung mới, cốt lõi

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Võ Văn Thưởng khẳng định, trong số 4 nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 thì Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” và Nghị quyết số 21-NQ/TW về “Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới” có nhiều vấn đề rất mới, cốt lõi, nếu thực hiện tốt sẽ tạo ra những chuyển biến rất tích cực.

Nghị quyết số 18 đã đề ra mục tiêu tổng quát và cụ thể: đến năm 2023 hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất; hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông; giải quyết cơ bản những tồn tại, vướng mắc có liên quan đến quản lý và sử dụng đất; nguồn lực đất đai cần được tiếp tục quản lý, khai thác, sử dụng bảo đảm tiết kiệm, bền vững, đạt hiệu quả cao nhất...

Cấp ủy, ban tự quản buôn Ju (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) tìm hiểu tình hình đời sống, sản xuất của người dân.

Nội dung mới, cốt lõi của Nghị quyết số 18 là hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cơ chế xác định giá đất. Theo đó, việc thu hồi đất chỉ được thực hiện sau khi phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt; trường hợp thu hồi đất mà phải bố trí tái định cư thì phải hoàn thành bố trí tái định cư trước khi thu hồi đất. Bỏ quy định về khung giá đất; có cơ chế, phương pháp xác định khung giá đất theo giá thị trường; HĐND cấp tỉnh quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá đất. Điều nay sẽ khắc phục được tình trạng hai giá trong thời gian vừa qua. Theo đồng chí Võ Văn Thưởng, nếu làm tốt những vấn đề được Trung ương nêu ra chắc chắn về mặt chính trị - xã hội sẽ có chuyển biến tốt; khiếu kiện, khiếu nại của người dân về đất đai sẽ giảm, cán bộ bị xử lý liên quan tới đất đai sẽ giảm.

Nghị quyết số 21-NQ/TW nhấn mạnh đến việc đội ngũ đảng viên là nhân tố quyết định năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Thường xuyên rà soát, sàng lọc, kiên quyết đưa đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng. Phấn đấu đến năm 2030, hằng năm có trên 90% tổ chức cơ sở đảng, đảng viên được đánh giá, xếp loại từ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; phấn đấu 100% thôn, bản, tổ dân phố có chi bộ. Tỷ lệ kết nạp đảng viên mới hằng năm trong giai đoạn 2025 - 2030 đạt từ 3 - 4% tổng số đảng viên.

 

Cần khắc phục tối đa việc “đẻ” ra phiên bản của nghị quyết, xây dựng kế hoạch thực hiện nhưng không suy nghĩ, giải quyết vấn đề, viết một chương trình, kế hoạch hành động na ná như nghị quyết nhưng không phân định rõ ràng ai làm, bao giờ xong, thước đo như thế nào; tránh tối đa để 5 và 10 năm sau khi sơ kết, tổng kết mới xem lại nghị quyết”.

 
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng

Nghị quyết cũng chỉ rõ nhiệm vụ, giải pháp thực hiện là củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên.

Đồng chí Võ Văn Thưởng đánh giá việc xây dựng tổ chức cơ sở đảng là vấn đề hệ trọng, cần có đột phá một số khâu trong xây dựng tổ chức đảng và đảng viên; phải tạo ra sự đột phá trong đánh giá, xếp loại đối với tổ chức đảng, đảng viên một cách thực chất, phản ánh đúng hiện thực khách quan.

Thực hiện hiệu quả nghị quyết trong thực tiễn sinh động

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng khẳng định: Các nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 là những nội dung rất cơ bản, hệ trọng, liên quan mật thiết, tác động nhiều chiều đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đời sống của nhân dân, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, đủ năng lực, trình độ, uy tín lãnh đạo đất nước.

Vì vậy, cùng với công tác nghiên cứu, quán triệt, học tập, tuyên truyền nghị quyết, khâu tổ chức thực hiện đóng vai trò quan trọng, là yếu tố có tính chất quyết định. Quá trình tổ chức thực hiện đòi hỏi phải có sự quyết tâm, năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, địa phương.

Để nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống, các cấp ủy, tổ chức đảng khẩn trương nghiên cứu, cụ thể hóa nội dung các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 thành kế hoạch, chương trình, đề án cụ thể, có sự phân công, phân nhiệm và lộ trình thực hiện rõ ràng, sát thực tiễn, khả thi, hiệu quả.

Các bộ, ban, ngành liên quan sớm chỉ đạo, phối hợp cụ thể hóa nội dung các văn kiện, hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở, hành lang pháp lý bảo đảm đồng bộ, thống nhất. Đồng thời, chú trọng chỉ đạo điểm, xây dựng mô hình thực hiện nghị quyết, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm, nhân rộng; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời điều chỉnh chương trình, kế hoạch thực hiện cho phù hợp; nhắc nhở, phê bình, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân thực hiện không nghiêm túc, không hiệu quả.

Cơ sở hạ tầng Khu tái định cư số 1 (xã Cư Elang, huyện Ea Kar) thuộc Dự án Hồ chứa nước Krông Pách Thượng ngày càng hoàn thiện.

Tin tưởng rằng, với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của toàn Đảng, hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng lòng của mọi người dân, các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 sẽ sớm đi vào cuộc sống, đạt được nhiều kết quả, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, “đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

 

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.