Multimedia Đọc Báo in

Phát huy giá trị những “địa chỉ đỏ”

10:43, 25/08/2022

Những năm qua, mặc dù công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo thực hiện, tuy nhiên phần lớn các “địa chỉ đỏ” này vẫn chưa tạo được sức hút lớn với khách tham quan…

Thưa vắng khách tham quan

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 41 di tích đã được cấp có thẩm quyền xếp hạng di tích; trong đó có 20 di tích lịch sử (2 di tích quốc gia đặc biệt, 7 di tích quốc gia và 11 di tích cấp tỉnh).

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức hằng năm tại Di tích lịch sử quốc gia Đình Lạc Giao.

Mỗi di tích mang một ý nghĩa riêng, gắn với một thời kỳ, sự kiện lịch sử; là minh chứng cho các phong trào cách mạng của Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân các dân tộc trong tỉnh; là kho tư liệu quý cần bảo tồn, phát huy giá trị vào thực tiễn cuộc sống. Song trên thực tế, phần lớn các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh vẫn chưa phát huy được hết giá trị. Trong số 20 di tích lịch sử trên thì chỉ có một số địa điểm thường xuyên có khách tham quan như: Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột (trung bình mỗi năm đón trên 14.000 lượt khách); Di tích lịch sử quốc gia số 04 Nguyễn Du (trên 11.000 lượt khách); Di tích lịch sử quốc gia Đình Lạc Giao (trên 1.600 lượt khách). Số còn lại chủ yếu chỉ đón các đoàn khách trong những dịp kỷ niệm, ngày lễ lớn của đất nước; các khoảng thời gian khác đều rơi vào cảnh thưa vắng khách.

Lý giải cho thực trạng này, ông Đinh Một, Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk cho rằng: Các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh chủ yếu nằm ở vùng sâu, vùng xa, trong rừng, đường sá đi lại khó khăn, giao thông không thuận tiện; một phần nữa là do việc thu thập tư liệu, hiện vật còn khó khăn nên việc trưng bày chưa phong phú, ấn tượng; một số di tích đã xuống cấp; việc đầu tư nghiên cứu và khai thác di tích thời gian qua chưa ngang tầm tiềm năng vốn có. Bên cạnh đó, hoạt động quảng bá cũng còn nhiều hạn chế; các ấn phẩm giới thiệu di tích chủ yếu mới dựa vào hồ sơ di tích; số lượng tài liệu ít, phạm vi phát hành hạn hẹp, rất khó cho khách du lịch khi muốn tìm hiểu cụ thể hơn về di tích…

Học sinh trên địa bàn tỉnh tham quan Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột. (Ảnh Bảo tàng Đắk Lắk cung cấp)

Để di tích lịch sử không bị “ngủ quên”

Nói về những khó khăn trong công tác quản lý, khai thác, phát huy giá trị của các di tích nói chung và di tích lịch sử nói riêng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Thụy Phương Hiếu cho biết: Hiện nay một số hạng mục công trình của di tích lịch sử qua thời gian, chịu sự tác động của môi trường tự nhiên đã xuống cấp, hư hỏng do chưa bố trí nguồn kinh phí kịp thời để trùng tu, tu bổ, bảo vệ; một số di tích khoanh vùng các khu vực bảo vệ quá rộng. Nguồn nhân lực phục vụ công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích ở các cấp còn mỏng, yếu và thiếu; năng lực chuyên môn của đội ngũ làm công tác quản lý, hướng dẫn, thuyết minh tại di tích còn hạn chế (chưa được đào tạo chuyên sâu). Thêm vào đó, một số địa phương chưa quan tâm đến việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về di sản văn hóa và công tác quản lý, bảo vệ các di tích. Sự tham gia của người dân trong việc bảo vệ, phát huy di sản văn hóa chưa cao. Tình trạng lấn chiếm đất đai của di tích để làm nhà cửa, trồng trọt vẫn còn diễn ra… Những điều này đã gây khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ, tôn tạo, phát huy giá trị của các di tích trên địa bàn.

Để di tích lịch sử thực sự là những trang sử sống động, giáo dục thế hệ trẻ truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng, thời gian tới, ngành văn hóa, thể thao và du lịch sẽ tích cực phối hợp với các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh tổ chức nhiều hoạt động “về nguồn”, tuyên truyền di sản văn hóa trong các trường học, tổ chức học tập ngoại khóa tại di tích lịch sử; tổ chức các chương trình du lịch nhằm giới thiệu các di tích với du khách tham quan; thực hiện dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi một số di tích lịch sử. Bên cạnh đó, sẽ tập trung nâng cao chất lượng các tour du lịch gắn với các di tích lịch sử - văn hóa quan trọng trên địa bàn tỉnh; kết nối các điểm di tích, điểm tham quan để xây dựng các tour, tuyến du lịch mới; đồng thời mời gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư cùng liên kết hợp tác, hình thành các địa chỉ du lịch hấp dẫn gắn với di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh…

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.