Multimedia Đọc Báo in

“Địa chỉ đỏ” trong mùa thu cách mạng

08:19, 02/09/2021

Buôn Ma Thuột với những “địa chỉ đỏ” như ngôi nhà 57 (nay là 71- Lý Thường Kiệt), Nhà đày Buôn Ma Thuột và Đồn điền CADA là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, quyết định thắng lợi cuộc khởi nghĩa ở Đắk Lắk trong mùa thu tháng 8-1945.

Theo tài liệu “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk”, giai đoạn 1930 -1945, những địa chỉ trên là “chiếc nôi” của cách mạng, là nơi nuôi giấu, tập hợp và che chở cho những người yêu nước đứng lên đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc từ những năm tiền khởi nghĩa. Trong số hàng nghìn người yêu nước đó, có không ít chiến sĩ được giác ngộ, đi theo Đảng và đóng vai trò hạt nhân đoàn kết toàn dân tham gia vào những sự kiện lịch sử diễn ra trong giai đoạn trên, đặc biệt là cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8-1945.

Theo tài liệu của Bảo tàng Đắk Lắk, từ ngày 13 đến ngày 24-8-1945, không khí chuẩn bị khởi nghĩa ở Đắk Lắk trở nên sôi sục, lan rộng khắp nơi. Tại ngôi nhà 57 - Lý Thường Kiệt, Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Đắk Lắk được thành lập với đông đủ đại diện lực lượng Việt Minh trên địa bàn tham gia. Từ địa chỉ này, ngày 14-8-1945, Ban lãnh đạo lâm thời triệu tập Hội nghị đánh giá tình hình và nhận định thời cơ khởi nghĩa đã đến; quyết định phân công thêm người tuyên truyền, tiếp tục phát triển cơ sở cách mạng trong quần chúng nhân dân, cũng như lực lượng lính bảo an ở Buôn Ma Thuột và các vùng phụ cận nhằm phối hợp hành động.

Di tích lịch sử Nhà 57 - Lý Thường Kiệt. Ảnh: Tư liệu Bảo tàng Đắk Lắk

Những chiến sĩ cách mạng trong Nhà đày Buôn Ma Thuột cũng đã liên lạc với Ủy ban khởi nghĩa. Lực lượng này, sau khi thoát ra khỏi Nhà đày đã nhanh chóng tỏa đi khắp địa bàn Đắk Lắk để kêu gọi, tập hợp toàn dân chuẩn bị khởi nghĩa, giành chính quyền khi thời cơ đến. Mở đầu cho cuộc tổng khởi nghĩa toàn tỉnh, hàng nghìn công nhân, người lao động Đồn điền CADA (Phước An - huyện Krông Pắc ngày nay) đã nổi dậy biểu tình vào ngày 17 và 18-8-1945 dưới sự chỉ đạo, hỗ trợ của những chiến sĩ cách mạng Nhà đày và Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Đắk Lắk.

Tối 19-8-1945, tại ngôi nhà số 57 - Lý Thường Kiệt, Ban lãnh đạo lâm thời tỉnh triệu tập Hội nghị khẩn cấp để nghe thông báo tình hình ở các tỉnh bạn và quyết định thời điểm giành chính quyền trên địa bàn tỉnh. Hội nghị quyết định: Chớp thời cơ phá tan cuộc chào cờ (sáng ngày 20-8-1945) của chính quyền bù nhìn, đồng thời biểu dương lực lượng Việt Minh, phát động quần chúng khởi nghĩa giành chính quyền tại Buôn Ma Thuột vào ngày 22-8-1945 và thành lập UBND Cách mạng lâm thời tỉnh Đắk Lắk trước sự ủng hộ, cổ vũ của toàn dân.

Du khách thăm Nhà đày Buôn Ma Thuột. Ảnh: H.Hùng

Đến nay, những “địa chỉ đỏ” trên được gìn giữ, bảo tồn nguyên vẹn và đã được cấp thẩm quyền công nhận, xếp hạng di tích lịch sử các cấp. Trước đây, trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc, những địa chỉ này là nơi thắp lên ngọn lửa yêu nước, tinh thần bất khuất đấu tranh vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của nhiều lớp chiến sĩ cách mạng; hiện là điểm đến tham quan, phục vụ du khách, nhất là thế hệ trẻ hôm nay trải nghiệm, tìm hiểu và ý thức sâu sắc về tinh thần và khát vọng ấy.

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.