Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện Nghị quyết 16 HĐND tỉnh: Những trăn trở từ cơ sở (kỳ 1)

08:05, 22/08/2022

Qua 8 tháng triển khai thực hiện, Nghị quyết 16/2021/NQ-HĐND đã tạo bước chuyển biến mạnh mẽ ở cấp cơ sở, tuy nhiên quá trình triển khai thực hiện vẫn còn không ít khó khăn cần tháo gỡ.

 

Kỳ 1: Tinh gọn bộ máy, trẻ hóa nhân sự

Bắt đầu thực hiện từ ngày 1/1/2022, Nghị quyết 16/2021/NQ-HĐND do HĐND tỉnh ban hành quy định về chức danh, số lượng, mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách, mức bồi dưỡng người trực tiếp tham gia vào công việc của thôn, buôn, tổ dân phố; mức khoán kinh phí hoạt động đối với Ủy ban MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã và mức hỗ trợ thôi việc đối với người hoạt động không chuyên trách dôi dư trên địa bàn tỉnh đã đặt ra những yêu cầu cao hơn về mặt lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện mọi hoạt động tại các địa phương.

Người dân tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp tại buôn Tul A (xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn). Ảnh: Hoàng Ân

Chủ động vào cuộc

Xã Cư Suê (huyện Cư M’gar) hiện có 6 thôn, 4 buôn với 60% dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số. Từ trước khi Nghị quyết 16 được HĐND tỉnh chính thức ban hành, Đảng ủy, UBND xã đã chủ động phổ biến, định hướng sắp xếp về mặt nhân sự ở thôn, buôn theo đúng tinh thần của Nghị định 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản của cấp trên. Tại xã đã thực hiện sáp nhập thôn Ea Mô về thôn 5, đảm bảo quy mô dân số mỗi thôn, buôn từ 120 hộ trở lên. Ngay từ khâu quy hoạch nhân sự cho vị trí trưởng thôn, buôn nhiệm kỳ 2021 – 2023, cấp ủy, chính quyền xã đã “chọn mặt gửi vàng” những nhân tố đảng viên trẻ, có năng lực, có trình độ và nhiệt huyết với công tác cơ sở. Ngoài quy hoạch vào vị trí trưởng thôn, buôn, những người được tín nhiệm còn được quy hoạch tham gia đại biểu HĐND xã, được bồi dưỡng về bản lĩnh chính trị, nhận thức sâu sắc về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, sau đó mới giới thiệu về cơ sở để lấy phiếu bầu từ nhân dân.

 

Sau 3 đợt thực hiện sáp nhập (giai đoạn 2019 - 2021) toàn tỉnh đã giảm được 282 thôn, tổ dân phố và giảm 3.102 cán bộ không chuyên trách.

Chủ tịch UBND xã Đặng Văn Hoan cho biết, khi tinh gọn bộ máy, chắc chắn tần suất, áp lực công việc của 3 chức danh được nhận phụ cấp hằng tháng sẽ tăng lên, yêu cầu trẻ hóa là một xu hướng tất yếu để nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy ở cơ sở, nhất là đối với vị trí trưởng thôn, buôn. Tuy nhiên, nhiều người có bề dày kinh nghiệm thực hiện các nhiệm vụ ở vị trí trưởng thôn, buôn, có tiếng nói trong cộng đồng dân cư lại gặp hạn chế là đã lớn tuổi, khó tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, khó đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời đại 4.0. Chính vì vậy, Nghị định 34 của Chính phủ và được cụ thể hóa bằng Nghị quyết 16 của HĐND tỉnh đã tạo cơ sở quan trọng về mặt chính sách để cấp ủy, chính quyền xã vận động các trưởng thôn, buôn lớn tuổi “nhường” lại vị trí cho những người trẻ tuổi hơn và vẫn tích cực truyền đạt kinh nghiệm, góp tiếng nói và công sức cho những hoạt động của cộng đồng dân cư. Nhờ đó, khi Nghị quyết 16 chính triển khai thực hiện, bộ máy nhân sự chủ chốt tại các thôn, buôn của xã Cư Suê đã được kiện toàn và trẻ hóa, cơ bản đáp ứng tốt yêu cầu công việc mà điển hình là các nhiệm vụ như vận động toàn dân trong độ tuổi tiêm vắc xin phòng COVID-19, củng cố và hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới…

Vận dụng linh hoạt

Trong thời gian sắp xếp bộ máy tổ chức ở cơ sở vừa qua, xã Ea Rốk (huyện Ea Súp) có 6 thôn được sáp nhập thành 3 thôn. Với đặc thù xã vùng sâu, diện tích rộng, dân cư thưa thớt, Đảng ủy, chính quyền xã Ea Rốk đã chủ động vận dụng các chủ trương, quy định của các cấp trên, bám sát và đồng hành cùng các cấp ủy chi bộ cơ sở trong việc quy hoạch nhân sự cho vị trí trưởng các thôn, buôn trước khi bầu cử.

Xã Cư Suê (huyện Cư M'gar) đã ghi dấu nhiều đổi thay rõ nét từ hoat động của các thôn, buôn.

Khi Nghị quyết 16 được áp dụng, chỉ còn 3 chức danh được nhận phụ cấp hằng tháng, không tránh khỏi việc trưởng các tổ chức, đoàn thể tại thôn, buôn không còn mặn mà bởi không còn hưởng phụ cấp như trước. Chính vì vậy, Đảng ủy xã Ea Rốk đã đặt ra yêu cầu kiêm nhiệm chức danh ở các chi hội, tổ chức, đoàn thể đối với 3 chức danh người hoạt động không chuyên trách được hưởng phụ cấp từ ngân sách. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh số hóa, ứng dụng các phương tiện thông tin hiện đại để phổ biến các chủ trương, chính sách mới cũng như một số mặt chỉ đạo, điều hành từ xã đến thôn, buôn.

Đơn cử tại thôn 20, bí thư chi bộ hiện kiêm nhiệm thêm chi hội trưởng chi hội người cao tuổi; trưởng thôn kiêm nhiệm chi hội trưởng chi hội cựu chiến binh, chi hội nông dân, chi hội chữ thập đỏ; trưởng ban công tác Mặt trận kiêm nhiệm chi hội trưởng chi hội phụ nữ. Ông Cao Văn Ngữ, Bí thư Chi bộ thôn 20 chia sẻ: “Công việc chắc chắn tăng lên rất nhiều so với trước đây nhưng với tinh thần trách nhiệm, chúng tôi luôn nỗ lực hoàn thành nhanh chóng, kịp thời nhiệm vụ của từng chức danh. Hơn nữa, khi kiêm nhiệm chức danh, nhờ nắm bắt được chủ trương, yêu cầu của nhiệm vụ, việc thực hiện được triển khai nhanh chóng và có được sự thống nhất, đồng bộ cao hơn nên hiệu quả đạt được cũng có nhiều chuyển biến rõ nét”.

Bí thư Đảng ủy xã Ea Rốk Lê Thanh Cư cho hay, để không làm ảnh hưởng đến các hoạt động tại cơ sở, Đảng ủy xã chỉ đạo UBND xã căn cứ kế hoạch hoạt động đã được phê duyệt của thôn, buôn, kịp thời chi trả tiền bồi dưỡng theo ngày công, kinh phí tổ chức hoạt động từ nguồn hỗ trợ hằng năm theo Nghị quyết 16. Bên cạnh đó, việc phổ biến, hướng dẫn, trao đổi nhiều nhiệm vụ cũng được thực hiện trên các nhóm Zalo, giúp giảm bớt thời gian đi lại, tần suất tham gia họp trực tiếp cho người hoạt động không chuyên trách ở các thôn, buôn. Đây cũng là một trong những công cụ hiệu quả làm giảm áp lực công việc, tăng tính chủ động của đội ngũ nhân lực cơ sở.

(Còn nữa)

Kỳ 2: Bài toán nhân lực

Đinh Nga

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.