Multimedia Đọc Báo in

"4 không, 4 dám": Đảng mạnh dân tin (Kỳ 3)

07:51, 29/09/2022

Kỳ 3: “Biệt dược” chữa “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực

Đội ngũ đảng viên là nhân tố quyết định năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Trước thực trạng có “một bộ phận không nhỏ” là những cán bộ khi được giao chức, giao quyền, họ đã trượt dài xuống "vũng bùn" của chủ nghĩa cá nhân, đánh mất những phẩm chất đạo đức tốt đẹp mà họ đã được tôi luyện, Đại hội XIII của Đảng đặc biệt coi trọng việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Trong đó, xây dựng đội ngũ cán bộ được xác định là nhiệm vụ "then chốt của then chốt".

"Một bộ phận không nhỏ”: Từ nhận diện đến không nhân nhượng

Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện kết luận và quy định của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng do Bộ Chính trị tổ chức vào tháng 12/2021, khi nói về thực trạng “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái, biến chất, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đau xót: Nhiệm kỳ 2016 - 2020, có hơn 25.000 đảng viên suy thoái hoặc có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” (0,5% tổng số đảng viên) bị xử lý kỷ luật. Cũng trong nhiệm kỳ này, có 664 tổ chức cơ sở đảng bị thi hành kỷ luật (khiển trách 503 tổ chức, cảnh cáo 161 tổ chức), tăng 114 tổ chức so với nhiệm kỳ 2010 - 2015, trung bình thi hành kỷ luật hơn 100 tổ chức (khoảng 0,2%). Tuy nói 0,2% là thấp trong hơn 50.000 tổ chức cơ sở đảng nhưng không thể xem thường. Mỗi một nơi, tổ chức cơ sở đảng bị kỷ luật thì ở đó lòng tin của nhân dân bị giảm sút.

Từ Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, Đảng ta đã chỉ rõ một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Trong đó, chỉ ra một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, tham nhũng, lãng phí... Hội nghị cũng xác định trọng trách của Đảng là phải chỉ tên để lôi “bộ phận không nhỏ” ấy ra ánh sáng. Nhìn thẳng sự thật, tồn tại, thách thức nhưng đồng thời dũng cảm chiến đấu cắt bỏ “ung nhọt” bằng hành động, bằng chế tài cụ thể, bằng sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra…

Đến Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, Đảng đã thẳng thắn chỉ ra một cách hệ thống 27 biểu hiện cụ thể của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và tiến hành một cuộc “tầm soát”, “thanh lọc” đội ngũ, chỉnh đốn lại tổ chức ở quy mô lớn, từ Trung ương tới cơ sở. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được triển khai nghiêm túc, toàn diện, đồng bộ, thống nhất, thực sự đi vào cuộc sống, có nhiều bước đột phá quan trọng, nâng cao niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Lễ kết nạp đảng viên của Chi bộ Trường THPT Quang Trung (huyện Krông Pắc).
 

Cần sự đột phá một số khâu trong công tác xây dựng tổ chức đảng, đảng viên. Vấn đề rất quan trọng của đảng viên là nhận thức tư tưởng chính trị, bản lĩnh chính trị, mục tiêu lý tưởng nhưng những cái đó lại không hiện lên trán mỗi người. Như vậy, phải tạo ra sự đột phá trong đánh giá, xếp loại đối với tổ chức đảng sao cho thực chất, phản ánh đúng hiện thực khách quan. Chúng ta phải trăn trở với câu hỏi vì sao nhiều cán bộ bị kỷ luật, thậm chí ra tòa trước đó đều được xếp loại hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ!”.

 

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng

 

Chia sẻ về những bước tiến cả về nhận thức và hành động của Đảng từ Hội nghị Trung ương 4 khóa XI đến khóa XIII trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, nhất là đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn khẳng định: Kế thừa, bổ sung, phát triển nhiều nội dung quan trọng của các nghị quyết Trung ương trước đây, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII khẳng định tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và nhấn mạnh một số nội dung mới đó là: Mở rộng phạm vi không chỉ xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả xây dựng hệ thống chính trị; cùng với ngăn chặn, đẩy lùi thì phải chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực; bổ sung, làm rõ hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", "tiêu cực" sát hợp tình hình mới. Cùng với việc tiếp tục đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, Đảng ta còn nhấn mạnh đến việc xử lý nghiêm những cán bộ sai phạm, kiên quyết lôi ra ánh sáng “một bộ phận không nhỏ” làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII đã tạo bước chuyển biến mới trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đó là chuyển trạng thái từ “phòng ngừa” sang “tấn công” với một quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, triệt để, hiệu quả hơn.

Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, giữ vững lời thề với Đảng

Trong bài viết về “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” đầu năm 1969, đăng trên Báo Nhân Dân vào dịp toàn Đảng, toàn quân, toàn dân chuẩn bị kỷ niệm 39 năm Ngày thành lập Đảng (3/2/1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gọi chủ nghĩa cá nhân là giặc nội xâm, kẻ địch ở bên trong.

Hiện nay, những tật bệnh bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân vẫn đang tồn tại trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, làm giảm sút niềm tin của nhân dân. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn khẳng định, để quét sạch chủ nghĩa cá nhân, đấu tranh với những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thì Kết luận số 21-KL/TW của Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII chính là “biệt dược”. Với việc tiếp tục tiến hành đồng bộ và quyết liệt 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Hội nghị Trung ương 4, khóa XII đã đề ra, đồng thời bổ sung, nhấn mạnh thêm 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm”, Kết luận 21 đã cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là đưa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng lên tầm cao mới, gắn với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Hiện thực hóa mục tiêu này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đang tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy các cấp ở địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tăng cường công tác giáo dục, rèn luyện, quản lý đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng; phát huy vai trò giám sát của nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là người đứng đầu phải gương mẫu, tự giác, nêu gương; nghiêm túc tự phê bình, kiểm điểm, tự soi, tự sửa chính mình, cơ quan, đơn vị, tổ chức mình.

Cán bộ Ban Dân vận Huyện ủy Ea Kar tìm hiểu tình hình phát triển kinh tế của người dân các buôn dân tộc thiểu số xã Cư Huê.

Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương “về những điều đảng viên không được làm” là văn bản quan trọng để đảng viên nhìn nhận, soi xét lại mình, tự sửa mình trong công tác, cuộc sống, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Kết luận 21 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, lối sống, trách nhiệm nêu gương của đảng viên, chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc. Đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt hơn, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Như khẳng định của Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai: Đảng mong muốn một người đã đi với Đảng là suốt đời, một người được đề bạt, bổ nhiệm thì phải tiếp tục phát triển. Đảng luôn tạo môi trường để đảng viên rèn luyện, phấn đấu, phát triển thì đảng viên phải luôn tự ý thức học tập, rèn luyện nhân cách, đạo đức, phong cách, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, tiên phong, gương mẫu, thực hiện nghiêm các nguyên tắc của Đảng và giữ vững lời thề khi vào Đảng.

(Còn nữa)

Kỳ cuối: "Mở đường" khuyến khích cán bộ sáng tạo, đột phá

Lê Hương - Nguyễn  Xuân - Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.