Multimedia Đọc Báo in

CADA - từ đồn điền của thực dân đến "địa chỉ đỏ" cách mạng

08:33, 01/09/2022

Có một địa danh ở Đắk Lắk sục sôi ý chí đấu tranh, làm bàn đạp vững chắc cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn tỉnh. Đó là CADA!

Là một trong những đồn điền ra đời sớm với quy mô rộng lớn, được viết tắt từ tên gọi Công ty Nông nghiệp Á Châu (COMPAGNIE AGRICOLE D’ASIE), đồn điền CADA do Pháp xây dựng vào năm 1922 để trồng cà phê, chè, mở đầu cho việc cướp đoạt đất đai để khai thác tài nguyên một cách quy mô. Quá trình khai thác mạnh nhất của thực dân Pháp tại đồn điền CADA là trong giai đoạn từ năm 1925 đến năm 1934, chúng bóc lột công nhân bằng đồng lương rẻ mạt và đối xử vô cùng tàn nhẫn. Chính trong giai đoạn này, giai cấp công nhân đã ra đời và phát triển mạnh mẽ.

Di tích CADA đã được quan tâm tôn tạo.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, CADA ghi dấu là nơi ra đời của Chi bộ đồn điền đầu tiên trong công nhân của tỉnh Đắk Lắk, nhằm tập hợp lực lượng của các tầng lớp nhân dân đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc.

Sau thời gian xây dựng cơ sở cách mạng, phát triển phong trào công nhân, Tỉnh bộ Việt Minh Đắk Lắk chủ trương tiến hành ngay cuộc khởi nghĩa ở đồn điền CADA. Nhận mệnh lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền, công nhân, tự vệ tham gia cuộc mít tinh đã tỏa về các địa điểm khác trong đồn điền và các buôn làng xung quanh.

Sáng 19/8/1945, đoàn cán bộ tăng cường cho Đắk Lắk đến CADA vừa được giải phóng, cờ cách mạng đỏ rực tung bay trên cột cờ giữa sân đồn điền trước trụ sở Ủy ban cách mạng lâm thời. CADA từ một đồn điền của thực dân Pháp đã trở thành nơi chính quyền cách mạng đầu tiên ở cấp cơ sở trong toàn tỉnh Đắk Lắk ra đời, huy động lực lượng công nhân tham gia vào cuộc tổng khởi nghĩa giải phóng dân tộc, góp phần vào thắng lợi chung của Cách mạng tháng Tám 1945.

Ban Chỉ huy mặt trận CADA năm 1946. Ảnh tư liệu của Bảo tàng Đắk Lắk

Với những giá trị quan trọng về lịch sử, nghệ thuật và văn hóa, Di tích lịch sử CADA đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích cấp quốc gia từ năm 1999. Một địa điểm quan trọng khác trong quần thể CADA là Miếu thờ CADA cũng đã được xếp hạng Di tích cấp quốc gia vào năm 2012. Cả hai di tích đều đã trải qua một số lần trùng tu, sửa chữa, tôn tạo cảnh quan.

Qua nhiều thăng trầm, biến đổi, quần thể di tích đồn điền CADA đã trở thành những chứng tích quan trọng, ghi dấu một chặng đường lịch sử hào hùng của mảnh đất Krông Pắc và cả tỉnh Đắk Lắk từ khi còn nằm dưới ách cai trị của thực dân Pháp đến lúc giành độc lập và từng bước xây dựng cuộc sống ấm no, giàu đẹp hôm nay.

Bên cạnh các hoạt động tín ngưỡng được người dân trong vùng duy trì tại Miếu thờ CADA, vào các ngày lễ lớn, Đảng bộ, chính quyền huyện Krông Pắc đã tổ chức dâng hương, dâng hoa, bày tỏ tấm lòng tri ân các cán bộ, chiến sĩ, công nhân khu vực đồn điền CADA đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nơi đây cũng là địa điểm tổ chức các hoạt động giáo dục lịch sử cho học sinh, tổ chức các lễ kết nạp đoàn viên mới của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Krông Pắc phối hợp với Bảo tàng Đắk Lắk tổ chức trưng bày chuyên đề "CADA - Địa chỉ đỏ của phong trào công nhân đồn điền Đắk Lắk" tại di tích CADA trong Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ I.

Trong dịp Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ I, Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Krông Pắc cũng đã tiến hành tiếp nhận và trưng bày các hiện vật của di tích CADA được bảo quản tại Bảo tàng Đắk Lắk, đưa nơi đây trở thành một điểm đến quan trọng của tour tham quan, tìm hiểu văn hóa, lịch sử địa phương tại lễ hội.

Ông Nguyễn Đình Hải, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Krông Pắc cho biết, huyện đang sưu tầm thêm các hiện vật liên quan đến di tích CADA, bố trí hướng dẫn viên thường xuyên, tạo điều kiện để người dân và du khách đến tham quan. Qua đó, tích cực phát huy các giá trị của di tích gắn với phát triển du lịch và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.