Hào khí Nam Bộ
Năm 1945, ngay sau khi giành được chính quyền, cùng với cả nước, quân và dân Nam Bộ bắt tay xây dựng bộ máy chính quyền cách mạng nhằm tổ chức và bảo vệ thành quả vừa giành được.
Song, vừa giành được độc lập chưa đầy một tháng, nhân dân Nam Bộ đã phải đương đầu với cuộc xâm lăng lần thứ hai của thực dân Pháp. Thực dân Pháp đã từng bước thực hiện âm mưu quay lại tái chiếm Đông Dương, trước hết là Nam Bộ, biến vùng đất trù phú này trở lại thành thuộc địa của Pháp, để “từ đó ảnh hưởng của Pháp sẽ lan ra toàn cõi Đông Dương”.
Vào lúc 0 giờ ngày 23/9/1945, trong trang phục quân đội Anh, các toán quân Pháp nổ súng tập kích các cơ quan đầu não của chính quyền cách mạng và các điểm xung yếu khác. Quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn dũng cảm đánh trả, nhưng quân Pháp được trang bị vũ khí đầy đủ và đông gấp bội, nên từ 3 giờ sáng 23/9 đã lần lượt chiếm Sở Cảnh sát, trụ sở Quốc gia Tự vệ cuộc, Nhà đèn, Bưu điện, Đài Phát thanh, Kho bạc....
Suốt ngày 23/9, các đội Tự vệ chiến đấu, Thanh niên xung phong, Công đoàn xung phong... đã đánh trả quyết liệt các mũi tấn công của quân Pháp tại Dinh Đốc lý, trên các tuyến đường Verdun, đường Norodom. Đặc biệt, tiểu đội chiến sĩ bảo vệ cột cờ Thủ Ngữ, chỉ với súng săn, dao găm, lựu đạn đã chiến đấu ngoan cường chống lại một đại đội quân Anh cho đến người cuối cùng.
Dân quân cứu quốc Nam Bộ trong những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến, tháng 9/1945. Ảnh tư liệu |
Ở Sở cứu hỏa, một tiểu đội công nhân tự vệ, người trước ngã, người sau đỡ lá cờ đỏ sao vàng, quyết cắm cho được lá cờ lên đỉnh tháp quan sát, bốn chiến sĩ lần lượt hy sinh, nhưng quốc kỳ đã tung bay trên đỉnh tháp.
Công nhân hỏa xa đã nhanh chóng tháo gỡ những bộ phận quan trọng của đầu máy xe lửa, đem giấu mỗi bộ phận một nơi, rồi đốt cháy ba kho: khu kho xa xưởng, kho đề pô Chí Hòa, kho cơ điện; đục thủng kho dầu rồi phóng hỏa.
Trước việc Pháp công khai tiến hành chiến tranh xâm lược, ngay sáng 23/9/1945, tại căn cứ ở đường Cây Mai (nay là đường Nguyễn Trãi), Chợ Lớn, Xứ ủy và Ủy ban nhân dân Nam Bộ tổ chức một cuộc họp quan trọng để bàn về những công việc trước mắt của chính quyền cách mạng trong tình hình mới. Sau hai giờ bàn bạc, Hội nghị quyết định quyết tâm tổ chức kháng chiến chống lại quân Pháp xâm lược, đồng thời tìm cách điện báo gấp ra Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chiều 23/9/1945, Ủy ban kháng chiến Sài Gòn - Chợ Lớn được thành lập.
Ngoài mặt trận nội đô, Sài Gòn thành lập thêm 3 mặt trận “tiền tuyến vòng ngoài” gồm: Mặt trận tiền tuyến Sài Gòn - Gia Định còn gọi là mặt trận phía bắc; Mặt trận tiền tuyến Sài Gòn - Chợ Lớn, còn gọi là mặt trận phía nam, hay mặt trận số 4; Mặt trận tiền tuyến phía tây, Phú Lâm, Chợ Đệm án ngữ cửa ngõ ra quốc lộ Đông Dương về đồng bằng sông Cửu Long nhằm tiếp tục trong đánh ngoài vây, ngăn chặn bước tiến của quân Pháp ra khỏi thành phố. Một vành đai vây hãm địch đã hình thành.
Từ các chiến tuyến, các cuộc phá vây của quân Pháp đánh ra bị bẻ gãy; trong khi các mũi len lỏi từ ven đô thọc vào gắn bó với nội đô, liên tiếp gây tổn thất nặng nề cho quân địch. Các trạm chốt trên vành đai còn làm nhiệm vụ tiếp chuyển đồng bào trong thành phố tản cư ra ngoại ô, tiếp nhận hàng hóa tiếp tế từ các cơ sở nội thành gửi ra vành đai cho bộ đội và cơ quan. Sài Gòn - Gia Định đã tạo ra hình ảnh toàn dân đánh giặc trong một thành phố lớn, nơi kẻ địch lấy làm đầu não của chúng.
Ngày 25/9/1945, nghe tin giặc chiếm Khám Lớn, bắt giam nhiều nhân viên Chính phủ, đồng bào mài dao, búa, vót tầm vông chất thành đống. Các chiến sĩ dân quân dùng búa tạ đập tan cửa khám. Hầu hết thanh niên và tù chính trị ở đây kịp tung cửa chạy ra. Đặc biệt ngày 30/9, Trường Quân chính Gia Định tiến công chiếm kho gạo, vải, thu 10 súng.
Sau một tuần lễ nổ súng gây hấn, quân Pháp chỉ mới chiếm được một dải hẹp từ bờ rạch Bến Nghé qua chợ Bến Thành, đến chợ Tân Định. Trên thực tế, quân Pháp rơi vào thế bị động, phải ra sức chống đỡ, cố giữ nguyên trạng cho đến khi quân tăng viện kịp đến. Bị vây hãm, quân tăng viện chưa đến, Cédille lo sợ, phải nhờ Gracey lấy danh nghĩa “Đồng minh” đứng ra làm trung gian xin điều đình, ngừng bắn từ đầu tháng 10/1945 với lực lượng kháng chiến.
Biểu dương lòng yêu nước và tinh thần chiến đấu của quân, dân Nam Bộ, trong Thư gửi các chiến sĩ Nam Bộ và Nam phần Trung Bộ (12/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Tôi chắc và đồng bào Nam Bộ cũng chắc rằng Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp những chiến sĩ và nhân dân hiện đang hy sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập của nước nhà”. Người nêu rõ: “Trong cuộc chống xâm lăng này, các bạn đã là bức Vạn lý Trường thành vững chắc”. “Tôi càng tin chắc rằng: Với một nước đã có những người con hy sinh như thế, anh hùng như thế, đã có một khối toàn dân đoàn kết như thế, nước ta nhất định không bị mất lại một lần nữa”.
Phong trào ủng hộ Nam Bộ kháng chiến đã trở thành một phong trào quần chúng rộng lớn, thu hút sự tham gia của nhân dân cả nước, thể hiện rõ qua phong trào xung phong tòng quân vào Nam Bộ trực tiếp cùng nhân dân Nam Bộ kháng chiến (Nam tiến). Ngay từ những ngày đầu tháng 9/1945, khi tình hình Nam Bộ bắt đầu căng thẳng, tại các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đều lập ra các “Phòng Nam Bộ”, ghi tên những người tình nguyện vào Nam chiến đấu. Hàng chục vạn thanh niên, thiếu niên, phụ nữ, kể cả các bậc phụ lão thuộc đủ mọi tầng lớp công nhân, nông dân, thợ thủ công, sinh viên, học sinh... và cả nhiều nhà sư cũng ghi tên tình nguyện gia nhập hàng ngũ Giải phóng quân vào Nam cùng nhân dân Nam Bộ chiến đấu chống giặc Pháp xâm lược.
Mặc dù không đánh bại được kế hoạch mở rộng chiến tranh của Pháp, nhưng với tinh thần “ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm”, “mỗi tấc đất là một chiến hào”, thực hiện “trong đánh, ngoài vây”, quân và dân Sài Gòn đã bước đầu làm thất bại âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh của Pháp, vừa tôi luyện tốt nhất cho lực lượng chiến đấu của mình, vừa tạo điều kiện cho các nơi khác có thêm thời gian chuẩn bị cuộc chiến đấu lâu dài. Nét nổi bật trong toàn bộ phong trào cũng như trong xây dựng lực lượng vũ trang là từng bước xác lập được sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng trong kháng chiến và kiến quốc. Đảng đã huy động được lực lượng cơ bản, lực lượng chủ lực của cuộc kháng chiến là công nhân và nông dân, tập hợp mọi thành phần yêu nước khác, nhất là trong đấu tranh chính trị, vũ trang ở đô thị, vùng tạm chiếm. Đồng thời, để lại nhiều kinh nghiệm về tổ chức và chỉ đạo kháng chiến, về tiến hành chiến tranh du kích và xây dựng cơ sở chính trị ở vùng sau lưng địch.
Hào khí “Ngày Nam Bộ kháng chiến” nói riêng và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược của quân dân Nam Bộ trở thành biểu tượng sáng ngời của tinh thần yêu nước quật cường và ý chí chiến đấu anh dũng của dân tộc ta. Tháng 2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ tặng đồng bào miền Nam danh hiệu vẻ vang “Thành đồng Tổ quốc” nhằm để tôn vinh sứ mệnh thiêng liêng, tinh thần dũng cảm chiến đấu, với khí phách hiên ngang của quân và dân Nam Bộ.
TLTK:
Vùng đất Nam Bộ, Nxb Sự thật, H, 2017.
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011
Cẩm Trang
Ý kiến bạn đọc