Multimedia Đọc Báo in

Khát vọng biên cương... (Kỳ 4)

07:58, 07/09/2022

Kỳ 4: Bên dòng Sêrêpốk…

Xây dựng vùng biên giới Ea Súp, Buôn Đôn, không chỉ có những câu chuyện về sự cống hiến, hy sinh, góp sức của lớp lớp cán bộ, đảng viên, bộ đội biên phòng trong xóa FULRO, xóa đói giảm nghèo phát triển kinh tế mà dải đất phên giậu này thêm vững vàng bởi nghĩa tình bền chặt với nước bạn Campuchia.

Đường biên hòa bình

Suốt chiều dài lịch sử, hai nước Việt Nam – Campuchia luôn nỗ lực triển khai công tác phân giới cắm mốc với mục tiêu xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Đến nay, hai nước đã hoàn thành phân giới cắm mốc khoảng 84% trên đất liền tại 1.554 vị trí với 2.048 cột mốc biên giới. Trên đoạn biên giới hai tỉnh Đắk Lắk – Mondulkiri thực hiện 7 vị trí với 11 cột mốc. Kết quả này ghi dấu hàng chục năm không quản gian nguy, thử thách và cả những nỗ lực, thiện chí giữa hai lực lượng.

Trang nghiêm trước cột mốc chủ quyền biên giới.

Lần giở hồi ức, Đại tá Phạm Quang Hùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh bộc bạch: Đi qua nhiều thăng trầm, đến năm 2005, công tác phân giới cắm mốc trên đoạn biên giới Đắk Lắk – Mondulkiri mới thực hiện. Trải qua nhiều đợt khảo sát, hội đàm, tháng 6/2007, cột mốc đầu tiên – mốc đôi 45 đã được đánh dấu mở màn, làm cơ sở cho quá trình phân giới cắm mốc trên đoạn biên giới dài gần 72 km.

Không để sai lệch đường biên, dù chỉ một cen-ti-mét, nên có những thời điểm tranh luận nảy lửa như đợt xây dựng cột mốc số 44. Sau rất nhiều phương án, cuối cùng hai bên quyết định thực hiện cột mốc nằm ngay giữa lòng suối Không Tên. Để xây dựng cột mốc giữa vùng ngập lụt, bảo đảm tính bền vững ngàn năm, lực lượng làm nhiệm vụ phải mất rất nhiều thời gian tìm cách ngăn dòng chảy, thiết kế đế và móng cột mốc với hàng nghìn tấn bê tông. Gần cả năm trời bám đường biên, hai bên đã hoàn thành xong mốc 44 trong xúc cảm thiêng liêng đặc biệt.

Mang trong mình những câu chuyện, mỗi cột mốc sừng sững giữa biên thùy như tạc vào tâm khảm cán bộ, nhân viên thực hiện nhiệm vụ lúc bấy giờ. Có thời điểm để kịp tiến độ, hai bên phải làm việc thông tầm, tranh thủ những bữa cơm vội giữa rừng, giữa suối, rồi lại tập trung chuyên môn hiệu quả nhất; có khi đốt đuốc, kéo máy phát điện xuyên đêm kiểm tra, bám nắm tình hình; có những chiến sĩ không màng hiểm nguy, dũng cảm băng mình giữa dòng chảy xiết làm tròn nhiệm vụ được giao; lại có ngày, gần như chỉ tranh luận, thậm chí rất gay gắt vì không tìm được tiếng nói chung trên thực địa… Khó khăn chất chồng, thậm chí tính mạng bị ảnh hưởng, nhưng ta vẫn nhất quán phương châm “Đất mình không thể mất, đất bạn mình không lấy”, quyết nỗ lực vì mục tiêu xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển…

Thấm thía sự thiêng liêng của cột mốc chủ quyền nên quá trình tuần tra, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh thường xuyên kiểm tra tính nguyên vẹn của cột mốc, dấu hiệu đường biên mốc giới. Thượng úy Cao Minh Tuấn, Đội trưởng Đội Vũ trang (Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk) rành rọt giới thiệu, khu vực đơn vị quản lý có hai mốc chính là mốc đơn 44 và mốc đôi 45, đều được xây dựng từ năm 2007.

7 năm khoác lên mình màu áo xanh, Thượng úy Cao Minh Tuấn thuộc lòng những cung đường tuần tra bởi trí nhớ đã ghim sâu, bồi đắp mỗi ngày. Tuy vậy, xúc cảm mỗi lần nghiêm trang chào cột mốc, được chạm vào một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc vẫn vẹn nguyên trong anh. Ở biên giới xa xôi, cột mốc không khô cứng là những khối cốt thép bê tông, mà luôn nhắc nhớ để bước chân tuần tra của người lính biên phòng thêm dẻo dai, trái tim thêm nóng, tinh thần trách nhiệm với Tổ quốc luôn thường trực.

“Tối lửa tắt đèn” có nhau

Khăng khít và bền chặt, hai nước Việt Nam – Campuchia đã cùng sát cánh, kề vai, đi qua những thăng trầm lịch sử. Khi đất nước Campuchia đứng trước họa diệt chủng Pôn Pốt, Việt Nam sẵn sàng giúp đỡ bằng xương máu để cứu bạn thoát thảm họa, hồi sinh đất nước, dân tộc.

Đường điện do tỉnh Đắk Lắk hỗ trợ Đồn Cảnh sát bảo vệ biên giới Cô Ban Đom Rây (tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia).

Chỉ tính riêng Đắk Lắk, dằng dặc 10 năm liền (1979 - 1989) hơn 300 chuyên gia, quân tình nguyện đã gửi lại tuổi trẻ, thậm chí là máu xương của mình để dốc lòng cùng Mondulkiri vượt qua những năm tháng cam go nhất của lịch sử Campuchia. Và ngay cả hiện tại, nghĩa tình hai dân tộc luôn được vun đắp bằng những điều bình dị, chân thành.

Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê (Đắk Lắk) cách đơn vị bạn Đồn Cảnh sát bảo vệ biên giới Ô Rô khoảng 1 km. Cùng với duy trì việc hội đàm, tuần tra song phương, Đồn Đắk Ruê còn thường xuyên hỗ trợ bạn lương thực, thực phẩm, thuốc men, khám chữa bệnh và cả cứu người. Năm 2016, đơn vị nhận được đề nghị hỗ trợ từ bạn, anh Kim Cươn (Đồn phó Đồn Cảnh sát bảo vệ biên giới Ô Rô) bị rắn độc cắn. Lập tức, Đồn báo tin về Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và nhận được chỉ đạo: Phải cố gắng cứu bạn bằng mọi giá!

Tiếp nhận bạn trong tình trạng vết thương đã tím màu, cán bộ quân y Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê nhanh chóng ga-rô, sơ cứu ban đầu và chuyển lên tuyến trên điều trị. Anh Kim Cươn được Bệnh viện Đa khoa tỉnh khi ấy (nay là Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) thay 4 lít máu và theo dõi sức khỏe gần cả tháng liền. Để tiện cho việc thăm nuôi, vợ con anh cũng được đưa qua Đắk Lắk và hỗ trợ ăn nghỉ miễn phí. Từng trực tiếp chăm sóc bạn, Thiếu tá Nguyễn Hữu Nghị, cán bộ Quân y Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê bồi hồi nhớ: “Đi qua lằn ranh sinh tử, nên khi bạn hồi phục và khỏe lại, cả gia đình bạn rất xúc động, vui mừng trước sự giúp đỡ của bộ đội Việt Nam”…

Hứng chịu thiên tai thường xuyên, mỗi mùa mưa lũ kéo về, không ít lần, các đồn, chốt của lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn Campuchia ngập chìm trong biển nước. Khi tài sản, tính mạng của bạn bị đe dọa, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh luôn kịp thời có mặt, giúp đỡ tận tình, không màng nguy khó.

Gần ba năm trước, lũ cuồn cuộn dâng khiến Đồn Cảnh sát Mê Ruch của bạn bị ngập tới nóc, tính mạng 8 quân dân (6 sĩ quan, binh sĩ và 2 người dân) mong manh trước con nước hung hãn đục ngầu.

Nhận được đề nghị cứu hộ từ bạn, Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk nhanh chóng triển khai người và phương tiện để ứng cứu xuyên trưa. Hai đơn vị chỉ cách nhau hơn chừng cây số, nhưng trước sức mạnh đáng sợ của thiên nhiên, chiếc thuyền nhỏ của bộ đội Việt Nam phải mất hơn một giờ, gồng mình nhích từng chút, tiến về phía bạn. Thượng tá Lê Hải Thanh, Trưởng Ban Bảo vệ an ninh quân đội (Phòng Chính trị, Bộ đội Biên phòng tỉnh) khi ấy là Chính trị viên Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk nhớ lại: “Có những đoạn nước xiết mạnh đến bật rễ cả cụm le rừng. Men theo con đường mòn mênh mông nước, nhiều đoạn thuyền không thể chạy máy, bộ đội đơn vị thay nhau ngâm mình hàng tiếng để buộc dây vào cây rừng rồi ra sức kéo, đẩy thuyền. Cứ thế, anh em căng sức cứu hộ, quên cả mọi mệt nhọc, nguy hiểm”.

Sau khi ra khỏi vùng ngập, Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk tiếp tục tận tình chăm sóc sức khỏe ban đầu, bố trí nơi ăn nghỉ chu đáo nhiều ngày liền; đồng thời phối hợp giúp bạn gây dựng lại nơi ở, sinh hoạt, hỗ trợ thêm lương thực, thực phẩm…

Một điều chưa bao giờ thay đổi…

Tháng 7/2022. Mùa mưa, con suối Đắk Đam vốn hiền hòa trở nên đục ngầu, cuồn cuộn chảy. Chiếc đò nhỏ chòng chành trên dòng nước, chầm chậm hướng về Đồn Cảnh sát bảo vệ biên giới Cô Ban Đom Rây. Đại tá Đào Viết Hùng, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh nhắc nhở các cán bộ đi cùng cẩn thận, để lương thực, thực phẩm tặng bạn lên khu vực cao, tránh ướt.

Đại tá Đào Viết Hùng, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk (thứ hai từ trái sang) tặng quà Đồn Cảnh sát bảo vệ biên giới Cô Ban Đom Rây (tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia).
 
Hơn cả những hỗ trợ về vật chất là những ân tình, sự chân thành của Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk dành cho lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn Campuchia. Chúng tôi luôn mong muốn mối quan hệ giữa hai lực lượng, hai đất nước, dân tộc sẽ mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”
 
Đại tá Đào Viết Hùng, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh

Bên kia suối, cuộc sống đầy khó khăn, thiếu thốn của cán bộ, chiến sĩ nước bạn dần hiện hữu trên khu nhà ẩm thấp, nơi sinh hoạt tạm bợ. Tiếp đón Đoàn công tác Đắk Lắk, Trung úy Cung Chôm Nang và Thiếu úy Mon Tha, Đồn phó tay bắt mặt mừng. Biết tiếng Khmer, Đại tá Đào Viết Hùng trực tiếp chuyện trò cùng bạn khiến không khí thêm thân tình, ấm áp. Những trao đổi về nghiệp vụ, tình hình dịch bệnh, đời sống tinh thần giúp hai bên thêm bám nắm mọi tình hình.

20 năm, Trung úy Cung Chôm Nang đã dành cả tuổi trẻ cho nhiệm vụ bảo vệ biên giới trên đất nước Campuchia. Những thăng trầm, ngọt bùi nơi đây anh gần như đều đã nếm trải, nhưng anh cứ nhắc đi nhắc lại một điều chưa bao giờ thay đổi, đó là tình cảm bộ đội biên phòng Đắk Lắk dành cho lực lượng, đơn vị của anh.

Anh cho hay, từ đường điện thắp sáng, lương thực, thực phẩm, thuốc men, đến lúc ốm đau, khi gặp bão lũ… đều được bộ đội Đắk Lắk kề vai sát cánh. Không khí cuộc gặp mặt giữa đoàn Đắk Lắk và cán bộ, chiến sĩ Đồn Cảnh sát bảo vệ biên giới Cô Ban Đom Rây thêm thân mật khi Trung úy Cung Chôm Nang khoe anh càng thêm yêu mến đất nước Việt Nam, bởi trái tim đã dành trọn cho người con gái tỉnh Đắk Nông. Có tình cảm với nhau từ năm 2014, hai người họ đi đến hôn nhân và sinh được một người con mang hai dòng máu. Vợ chồng anh luôn cố gắng dạy cả tiếng Việt và tiếng Khmer để con có thể thông thạo hai ngôn ngữ, hiểu rõ và tự hào về cả đất nước của bố, của mẹ.

Chia tay những người bạn, Đại tá Đào Viết Hùng cứ nhắc đi nhắc lại việc di chuyển qua suối nhất là mùa mưa phải luôn cẩn trọng và giữ mối liên hệ, trao đổi thường xuyên giữa các đơn vị để giúp đỡ, hỗ trợ nhau kịp thời.

(Còn nữa)

Kỳ cuối: Biên giới ở lòng dân

Đàm Thuần - Quỳnh Anh - Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc