Multimedia Đọc Báo in

Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Võ Văn Ngân (1902 - 2022): Người cộng sản kiên trung, mẫu mực

21:03, 26/09/2022

Với 13 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Võ Văn Ngân đã có những cống hiến to lớn cho Đảng và cách mạng Việt Nam. Đồng chí là tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của người cộng sản tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, suốt đời phấn đấu và sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Khái lược tiểu sử và quá trình hoạt động cách mạng

Đồng chí Võ Văn Ngân sinh năm 1902 ở ấp Bình Tả, làng Đức Hòa, quận Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An).

Những năm 20 của thế kỷ XX, đồng chí Võ Văn Ngân lên Sài Gòn gia nhập Hội kín Nguyễn An Ninh (tức Thanh niên Cao vọng Đảng), rồi vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập.

Năm 1929, đồng chí Võ Văn Ngân tham gia thành lập chi bộ An Nam Cộng sản Đảng đầu tiên ở làng Đức Hòa. Khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí là đảng viên Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở tỉnh Chợ Lớn.

Tháng 5/1930, đồng chí Võ Văn Ngân được bầu vào Quận ủy Đức Hòa. Ngày 4/6/1930, đồng chí phối hợp lãnh đạo cuộc biểu tình chống Pháp lớn nhất Nam kỳ diễn ra tại quận lỵ Đức Hòa. Sau cuộc biểu tình trên, đêm 22/9/1930, nhà cầm quyền Pháp điên cuồng ra lệnh truy lùng những người cộng sản, đồng chí Võ Văn Ngân phải lánh sang Hóc Môn - Gia Định để tiếp tục hoạt động.

Cuối năm 1931, đồng chí Võ Văn Ngân cùng anh trai Võ Văn Tần ra sức khôi phục lại các cơ sở Đảng, lần lượt lập lại quận ủy Gò Vấp, Hóc Môn, tái lập Tỉnh ủy Gia Định; được Xứ ủy chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Gia Định.

Năm 1932, đồng chí Võ Văn Ngân về làm Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn, góp công sức vào việc khôi phục tổ chức, củng cố cơ sở Đảng ở cả 2 tỉnh Chợ Lớn - Gia Định trong thời kỳ thoái trào 1931-1933.

Đầu năm 1933, đồng chí Võ Văn Ngân vừa là Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn, vừa là thành viên của Đặc ủy Vàm Cỏ Đông; đầu tháng 3/1935, đồng chí được tổ chức Đảng tín nhiệm bổ sung vào Xứ ủy, trực tiếp về phụ trách Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn và được cử đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ nhất.

Tháng 3/1935, đồng chí Võ Văn Ngân được bầu là một trong 9 ủy viên chính thức của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Năm 1936, đồng chí trực tiếp lãnh đạo nhiều cuộc mít tinh, biểu tình đòi quyền dân sinh, dân chủ tại Sài Gòn - Chợ Lớn.

Tháng 3/1937, đồng chí Võ Văn Ngân chuyển bệnh nặng. Năm 1938, đồng chí Võ Văn Ngân được chuyển về gia đình ở ấp Bình Tả, làng Đức Hòa chữa bệnh, nhưng do bệnh nặng nên đồng chí từ trần vào ngày 29/10/1938, khi mới 36 tuổi.

tt
Đồng chí Võ Văn Ngân.

Từ người thanh niên yêu nước trở thành một đảng viên thế hệ đầu tiên của Đảng

Cuối năm 1926 Võ Văn Ngân trở thành một trong những hội viên đầu tiên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Nam Kỳ nói chung và tỉnh Chợ Lớn nói riêng. Tham gia tổ chức này, Võ Văn Ngân đã chuyển biến từ lập trường yêu nước sang lập trường cách mạng vô sản.

Với những hoạt động tích cực, Võ Văn Ngân đã sớm xây dựng được các chi hội Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Đức Hòa, Mỹ Hạnh, Đức Lập, Hựu Thạnh. Qua đó, góp phần mở rộng quy mô và ảnh hưởng của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên không chỉ ở Đức Hòa, mà còn lan rộng cả vùng nông thôn rộng lớn của Sài Gòn, Chợ Lớn.

Sự kiện gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và hoạt động tích cực trong tổ chức Thanh niên, phát triển tổ chức ở tỉnh Chợ Lớn là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành về bản lĩnh chính trị, khả năng vận động, tổ chức và năng lực của Võ Văn Ngân.

Khi An Nam Cộng sản Đảng ra đời, Võ Văn Ngân đã nhanh chóng trở thành thành viên của tổ chức này; là một trong những người đầu tiên tham gia thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng ở Đức Hòa. Đây là Chi bộ cộng sản ra đời sớm nhất ở Đức Hòa.

Ngày 6/3/1930, Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng chuyển thành Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự ra đời từ rất sớm của Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở Đức Hòa đã phản ánh tình thế vận động cách mạng sôi nổi, trong đó có sự đóng góp quan trọng của đồng chí Võ Văn Ngân, một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Người cán bộ tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, thực dân Pháp dùng mọi kế sách, thủ đoạn khủng bố thâm độc hòng tiêu diệt các tổ chức cộng sản và lớp đảng viên đầu tiên của Đảng. Đồng chí Võ Văn Ngân đã nỗ lực vượt qua mọi gian khổ, bền bỉ vận động quần chúng cách mạng giữ vững niềm tin, kiên trì giác ngộ những người yêu nước tự nguyện đứng trong hàng ngũ của Đảng để xây dựng, phát triển Đảng. Đồng chí đã có đóng góp to lớn vào việc khôi phục tổ chức và mở rộng các hoạt động của Đảng ở Nam Bộ những năm từ 1930-1938.

- Trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy Gia Định:

Năm 1931, nhiều đồng chí lãnh đạo của Tỉnh ủy Gia Định sa vào tay địch, để tiếp tục duy trì phong trào, đồng chí Võ Văn Ngân đã tìm mọi cách móc nối, khôi phục lại các cơ sở đã bị phá vỡ, tổ chức tái lập lại Tỉnh ủy Gia Định. Giữa năm 1931, đồng chí được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Gia Định.

Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Võ Văn Ngân, Đảng bộ tỉnh Gia Định đã giương cao ngọn cờ chống khủng bố, áp bức bóc lột của đế quốc thực dân; ủng hộ, bênh vực những người lao động cần lao; xây dựng phát triển cơ sở Đảng…

- Trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn:

Cuối năm 1932 ở Nam Kỳ, hầu hết các địa phương không còn tổ chức đảng. Trong tình hình đó, đồng chí Võ Văn Ngân đã chắp nối, từng bước gây dựng phong trào và cơ sở cách mạng.

Đồng chí Võ Văn Ngân đã chỉ đạo hoạt động đưa cán bộ, đảng viên tham gia tranh cử Hội đồng thành phố Sài Gòn năm 1933. Theo đó, ngày 30/4/1933, ứng cử viên công nhân đã giành thắng lợi, một số người được vào Hội đồng thành phố, thuận lợi trong việc bênh vực người lao động, vạch mặt bọn lừa bịp của chính sách thực dân.

Nhờ đồng chí Võ Văn Ngân, phong trào cách mạng ở Chợ Lớn cuối năm 1934, đầu năm 1935 được khôi phục và phát triển. Hệ thống tổ chức đảng từ tỉnh xuống cơ sở được gây dựng, củng cố. Lực lượng cách mạng nhanh chóng phát triển cả số lượng và chất lượng.

Tài năng, tầm vóc và những đóng góp to lớn của đồng chí Võ Văn Ngân được thể hiện rõ trong việc tổ chức thành công Đại hội toàn quốc lần thứ nhất của Đảng (tháng 3/1935) và những đóng góp cho sự chuyển hướng chiến lược cách mạng đúng đắn của Đảng tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương (mở rộng) năm 1937-1938.

- Trên cương vị vai trò Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa I, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, từng bước xây dựng kiện toàn hệ thống tổ chức Đảng ở Nam Kỳ (1935-1936)

Chỉ trong hai năm 1934-1935, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Võ Văn Ngân, phong trào đấu tranh của công nhân và nông dân lao động đã có sự phát triển mạnh hơn thời kỳ trước, tiêu biểu là thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn.

Trung ương Đảng (mở rộng) họp từ ngày 25/8 đến ngày 04/9/1937, đồng chí Võ Văn Ngân là một trong 5 đồng chí được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Hội nghị tháng 3/1938, đồng chí Võ Văn Ngân được bầu Ban Chấp ủy Trung ương, cho thấy vai trò, cống hiến xuất sắc của đồng chí ở phương diện xây dựng, chỉ đạo lý luận và thực tiễn.

Qua thực tiễn lãnh đạo các phong trào cách mạng, đặc biệt là trên cương vị người đứng đầu tổ chức Đảng các cấp, đồng chí Võ Văn Ngân không chỉ là một trong những người tiên phong góp phần khôi phục, củng cố tổ chức của Đảng, mà còn là người lãnh đạo tài năng, luôn nỗ lực tổ chức thực hiện mọi nhiệm vụ đặt ra của cách mạng trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời

Với 13 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Võ Văn Ngân đã có những cống hiến rất to lớn cho Đảng và cách mạng nước ta, để lại tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của người cộng sản tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, suốt đời phấn đấu và sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Võ Văn Ngân (1902 - 2022) là dịp để chúng ta khẳng định, tri ân công lao to lớn, noi theo tấm gương kiên trung, phấn đấu, hy sinh của đồng chí. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về chủ nghĩa yêu nước, truyền thống cách mạng, tôn vinh sự đóng góp của các anh hùng liệt sĩ, các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, cách mạng Việt Nam.

Theo Tài liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.