Multimedia Đọc Báo in

Từ vùng đất khó... (Kỳ 2)

07:47, 21/09/2022

Kỳ 2: Để đất cằn nảy "mầm xanh"

Trên hành trình “ươm tạo” những “hạt giống đỏ” cho Đảng tại vùng đất khó luôn có những trăn trở, nỗi niềm của những người đứng đầu cấp ủy và lãnh đạo các tổ chức, đoàn thể. Giải pháp nào để "hạt giống" vẫn có thể nảy mầm tốt tươi trên những vùng đất cằn cỗi luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu hiện nay.

Chăm bồi lớp trẻ

Đối với thế hệ trẻ, tổ chức Đoàn Thanh niên chính là "mảnh đất tươi tốt" để tạo nên được những "hạt giống" chắc khỏe cho Đảng. Tuy nhiên, việc tổ chức những hoạt động của cơ sở Đoàn tại các địa phương vùng sâu, vùng xa của tỉnh hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn, trong đó có công tác tập hợp vận động thanh niên. Nhiều bạn trẻ rất thờ ơ với các hoạt động của tổ chức Đoàn, hội, thậm chí né tránh khi được vận động tham gia các phong trào. Mặt khác, nhiều bạn trẻ, tuy vào hàng ngũ Đoàn Thanh niên nhưng vẫn thiếu tinh thần xung kích… Theo Bí thư Huyện Đoàn M’Drắk Nông Anh Dũng, để giải quyết khó khăn này, Huyện Đoàn chủ động nghiên cứu, tìm ra giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương bằng việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, như: tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Đảng, về Đoàn; tổ chức hành trình về nguồn; triển khai học tập, nghiên cứu các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chủ trương của Đoàn cấp trên…  Bên cạnh đó, Huyện Đoàn M’Drắk còn triển khai nhiều chương trình, xây dựng các mô hình hỗ trợ đoàn viên thanh niên “lập thân, lập nghiệp” tại địa phương để phát huy được tinh thần xung kích và tiên phong của tuổi trẻ, xây dựng lớp thanh niên “vừa hồng, vừa chuyên”, có “tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn” tạo nguồn cho công tác phát triển Đảng tại cơ sở.

Các thôn, buôn trên địa bàn xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) ký kết phối hợp bảo vệ biên giới và các hoạt động khác, trong đó có nội dung sinh hoạt Đảng với lực lượng bộ đội biên phòng đứng chân trên địa bàn. 

Cũng đối mặt với nhiều khó khăn trong tạo nguồn phát triển Đảng trong lực lượng trẻ, tuy nhiên Đảng bộ xã vùng biên Krông Na (huyện Buôn Đôn) đã có nhiều nỗ lực trong công tác “gieo hạt” trên vùng đất khó. “Là địa bàn đặc thù, xã Krông Na có dân số ít, đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, đất đai khô cằn nên công tác phát triển Đảng gặp không ít thách thức. Tuy nhiên, Đảng ủy xã đã đề ra nhiều giải pháp trong công tác tạo nguồn, trong đó chú trọng vận động người trẻ tham gia các phong trào tại địa phương. Đặc biệt, xã còn liên kết với lực lượng bộ đội biên phòng đứng chân trên địa bàn để vận động, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng cho quần chúng nhân dân. Từ đó, phát hiện và bồi dưỡng được những "hạt giống" chắc khỏe cho Đảng”, Bí thư Đảng ủy xã Krông Na Nguyễn Sỹ Nghĩa chia sẻ.

Có thể thấy, ngoài nhận thức, tư tưởng thì gánh nặng mưu sinh là cái khó điển hình nhất trong tạo nguồn phát triển đảng viên trẻ ở những vùng đất khó. Đồng chí Y Ku Niê, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy M’Drắk cho rằng, để khắc phục tình trạng một bộ phận thanh niên “ly hương” đi làm kinh tế hay chưa được giác ngộ đầy đủ và có tâm lý “ngại” phấn đấu, rèn luyện đứng vào hàng ngũ của Đảng thì cần phải giải được bài toán về phát triển kinh tế, giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động địa phương, hạn chế sự dịch chuyển lao động.

Nỗ lực ươm tạo

Trước đây, Đảng bộ xã Cư M’ta ở huyện vùng sâu M’Drắk có một số chi bộ nhiều năm liền không tạo được nguồn để kết nạp đảng viên mới. Trong công tác tạo nguồn, chăm bồi phát triển đảng viên, xã gặp không ít khó khăn. Để thay đổi tình hình, Đảng ủy xã phải dày công tìm hiểu nguyên nhân khó khăn, vướng mắc của từng chi bộ. Sau khi tường tận “khó ở đâu, khó về cái gì” mới bắt tay vào kiến tạo các giải pháp sát với thực tế. Đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Đảng ủy xã Cư M’ta chia sẻ: “Để ươm được những “hạt giống đỏ” ở những chi bộ khó phát triển đảng viên, Đảng ủy xã đã rất vất vả. Xã đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về phát triển đảng viên và đưa ra chỉ tiêu, giải pháp cụ thể trong tạo nguồn. Trong đó, Đảng ủy xã giao cho các hội, đoàn thể, đặc biệt là Đoàn Thanh niên và Hội Phụ nữ mỗi năm giới thiệu cho Đảng ủy từ 1 - 2 quần chúng ưu tú; mỗi chi bộ trong một nhiệm kỳ phải tạo nguồn và kết nạp được ít nhất một đảng viên trở lên. Để thực hiện được chỉ tiêu trên, Đảng ủy xã phân công cán bộ, đảng viên xuống thôn, buôn xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng yếu kém”.

 

Gần gũi, sâu sát với quần chúng không phải là chuyện đơn giản, dễ làm. Hơn nữa, tạo được niềm tin, nhận được sự tín nhiệm của họ cũng rất khó. Chỉ có sự kiên trì, nỗ lực mới có thể tháo gỡ được cái khó trong phát triển đảng viên trẻ ở vùng đất khó".

 
Bí thư Đảng ủy xã Yang Mao Trần Thế Thành

Nhờ thực hiện những giải pháp quyết liệt trên mà nhiều chi bộ trên địa bàn xã Cư M’ta đã kết nạp được đảng viên mới. Đơn cử như Chi bộ buôn Leng, nhiều năm liền không kết nạp được đảng viên mới. Qua tìm hiểu nguyên nhân, ngoài việc hạn chế nguồn tại chỗ thì hạn chế về trình độ của cấp ủy là vấn đề chi bộ đang gặp phải. Trước thực trạng đó, Đảng ủy xã Cư M’ta đã tăng cường đồng chí Y Hùng Byă, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy xã về làm Bí thư Chi bộ của buôn Leng. Từ khi tiếp nhận nhiệm vụ mới, đồng chí Hùng luôn trăn trở tìm cách tháo gỡ khó khăn. Đồng chí Y Hùng cho biết: “Đối với những đảng viên trẻ, sự sâu sát, quan tâm bồi dưỡng của cấp ủy là hết sức quan trọng. Bởi nếu không thì nhiệt huyết và quyết tâm phấn đấu trở thành một đảng viên ưu tú của các em sẽ dễ bị ngắt quãng”. Nhờ vào sự nhanh nhạy, tâm huyết và không quản ngại vất vả để “gieo hạt” của đồng chí Y Hùng, trước kỳ Đại hội Chi bộ nhiệm kỳ 2022 – 2025, Chi bộ buôn Leng đã tổ chức lễ kết nạp đảng viên mới cho quần chúng ưu tú H’Bê Byă, nâng tổng số đảng viên của chi bộ lên 7 đảng viên. Và Chi bộ vẫn còn 2 quần chúng đang hoàn thiện hồ sơ để kết nạp Đảng.

Không chỉ nỗ lực giải quyết khó khăn về tạo nguồn mà các cấp ủy trên địa bàn tỉnh còn đẩy nhanh công tác hoàn thiện hồ sơ, lý lịch kết nạp Đảng. Tại thôn Tarkrung (xã Cư San, huyện M’Dắk), nơi hầu hết dân số là đồng bào Dao, Chi bộ chỉ có 5 đảng viên nhưng trong 7 năm liền không kết nạp được đảng viên nào. Qua tìm hiểu cho thấy có nguyên nhân một số quần chúng đã học xong lớp cảm tình Đảng nhưng việc triển khai viết hồ sơ lý lịch thẩm tra chậm trễ dẫn đến chán nản và không còn mặn mà với việc vào Đảng. Trước tình trạng đó, Bí thư Chi bộ thôn Tarkrung Nguyễn Thành Tâm thường xuyên quan tâm, động viên và tận tình hướng dẫn viết hồ sơ lý lịch, đẩy nhanh công tác xác minh kịp thời để sớm hoàn thiện các thủ tục làm lễ kết nạp. Nhờ đó, đến tháng 9/2021, Chi bộ thôn Tarkrung đã kết nạp thêm 2 đảng viên mới là người dân tộc Dao, nâng tổng số đảng viên lên 7 đồng chí.

Bí thư Đảng ủy xã Yang Mao (huyện Krông Bông) Trần Thế Thành (bìa trái) thường xuyên gần gũi, thăm hỏi quần chúng nhân dân.

Cũng đối mặt với nhiều khó khăn song Đảng bộ xã Yang Mao – xã xa nhất của huyện Krông Bông đã có nhiều nỗ lực trong công tác “gieo hạt” trên vùng đất khó. Là địa bàn đặc thù với đại đa số người dân là đồng bào dân tộc thiểu số nên nhận thức về công tác phát triển đảng viên còn nhiều hạn chế. Vì vậy, Đảng ủy xã đã đề ra nhiều giải pháp trong công tác tạo nguồn, trong đó đặc biệt quan tâm chất lượng đảng viên trẻ, đồng thời tăng cường chất lượng sinh hoạt chi bộ, chất lượng công tác kiểm tra, giám sát để uy tín của đảng viên trẻ ngày càng được nâng lên. Cùng với đó, xã còn tăng cường công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng cho quần chúng nhân dân.

Như vậy, bằng nhiều chủ trương, giải pháp đồng bộ, linh hoạt trong triển khai thực hiện, các địa phương vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh đã tìm được những cách gỡ khó phù hợp với đơn vị mình trong công tác "chăm bồi và ươm tạo". Từ đó tìm được nguồn phát triển Đảng, giữ chân đảng viên cũng như nâng cao chất lượng đảng viên trẻ, đảng viên người dân tộc thiểu số. Đây là một trong những biện pháp quan trọng để nâng cao năng lực lãnh đạo của các chi bộ đảng ở thôn, buôn; qua đó phát huy vai trò của đội ngũ đảng viên trẻ ở cơ sở trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

(Còn nữa)

Kỳ 3: Khi “mầm xanh” nở hoa...

 Khả Lê - Thùy Linh - Thúy An


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nỗ lực ngăn chặn “tín dụng đen” xâm nhập học đường
Mặc dù các lực lượng chức năng của tỉnh Đắk Lắk liên tục có các biện pháp trấn áp, truy quét, nhưng các ổ nhóm "tín dụng đen" vẫn có dấu hiệu hoạt động trái pháp luật. Hiện nay, học sinh là nạn nhân mà các đối tượng này hướng đến.