Multimedia Đọc Báo in

Xa hoa, lãng phí cũng là “căn bệnh”

09:10, 12/09/2022

Có một thực tế đáng buồn lâu nay là tình trạng xa hoa, lãng phí vẫn tồn tại như là điều bình thường. Nhưng có thể nói, điều bình thường ấy đã trở thành “căn bệnh”. “Bệnh” ấy không chỉ làm hao mòn, hủy hoại mỗi cá nhân mà còn đem đến những hệ lụy cho cộng đồng, xã hội.

Trước hết xin nói về sự lãng phí. Hiện tượng này tồn tại không chỉ cấp độ cá nhân, gia đình, mà còn phổ biến ở các cấp, các ngành, xã hội. Biểu hiện rõ ràng nhất là thói quen sử dụng điện, nước một cách "xả láng" hay những bữa ăn thừa mứa trên bàn. Ở góc độ gia đình, lãng phí dẫn đến sự hao tổn tiền bạc không đáng có. Ở cấp độ quốc gia, tình trạng lãng phí có những hình thức, biểu hiện phức tạp, tính chất và quy mô khác nhau làm thất thoát nguồn lực quốc gia, kìm hãm sự phát triển của đất nước. Thậm chí, lãng phí còn được nhìn nhận là nguy hại hơn cả tham ô, tham nhũng, ảnh hưởng đến niềm tin của cá nhân vào xã hội. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm sỉ là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh, tiến bộ”.

Tình trạng lãng phí thực phẩm có thể thấy ở nhiều nơi. Ảnh: M.Chi
Tình trạng lãng phí thực phẩm có thể thấy ở nhiều nơi. Ảnh: M.Chi

Ở một cấp độ khác của sự lãng phí là sự xa hoa. Đó là thói khoe khoang, hình thức, muốn thể hiện "đẳng cấp" của một số người. Căn bệnh này không chỉ là lãng phí mà còn gây phản cảm, biểu hiện của thiếu văn hóa, thậm chí làm thui chột đạo đức, nhân cách. Đơn cử như thông tin, hình ảnh về “tiệc nghỉ hưu” liên quan đến vị nguyên Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Quảng Ninh vừa qua đã khiến dư luận "dậy sóng". Bữa tiệc hào nhoáng, sang trọng đã gây sự phản cảm và nhiều đàm tiếu trong xã hội. Thậm chí, nhiều người còn thể hiện thái độ bất bình vì sự hưởng thụ này diễn ra trong bối cảnh ngành y tế vừa trải qua bao gian khổ vì dịch bệnh COVID-19, nhiều bệnh viện đang thiếu thuốc, nhiều bệnh nhân nghèo chưa có điều kiện chữa bệnh.

Số liệu qua giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021” chỉ ra rằng, giai đoạn này có 3.845 cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách lãng phí, sai chế độ với số tiền hơn 883 tỷ đồng, hơn 650 triệu m2 đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa. Đó là chưa kể những con số rất lớn về những đại án tham nhũng, những công trình, dự án tiền tỷ đầu tư xong nhưng không mang lại hiệu quả. Hẳn nhiều người sẽ buồn khi đọc những con số này rồi nghĩ đến những ngôi trường tạm bợ ở vùng sâu, vùng xa hay những trẻ em nghèo hồn nhiên vui vẻ đến trường trong ngày khai giảng với đôi dép đứt hay bộ đồ không lành lặn. Thử hình dung xem, chỉ cần 1 chai rượu trong bữa tiệc sang trọng ấy là đủ cho một em nhỏ có sách vở, quần áo mới đến trường; chỉ cần số tiền nhỏ trong những vụ án tham nhũng là có thể góp phần xây được những công trình điện, đường, trường, trạm ở những nơi nghèo khó; chỉ cần một phần trong số hàng trăm triệu mét vuông đất sử dụng có hiệu quả thì sẽ đem lại nhiều nguồn lợi cho cộng đồng, đất nước.

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022 tổ chức tại Hà Nội tháng 6/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, tham nhũng, lãng phí là “thói hư tật xấu”. Đồng chí Tổng Bí thư lưu ý, phải gắn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; gắn phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên; của nhân dân, cơ quan truyền thông và báo chí, doanh nghiệp, doanh nhân trong phòng, chống tham nhũng. Phải quán triệt sâu sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Dân là gốc"; dựa vào dân, lắng nghe dân, lắng nghe dư luận để chọn lọc, tiếp thu cái đúng, nhưng không đơn giản "theo đuôi", chạy theo dư luận…

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.