Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV: Nhiều ý kiến thảo luận về Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi)

19:11, 24/10/2022

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, chiều 24/10 Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Dự thảo Nghị quyết về áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Nâng cao chất lượng tranh luận tại các kỳ họp

Góp ý vào Dự thảo Nghị quyết ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, thời gian qua cử tri rất quan tâm đến hoạt động của Quốc hội. Vì vậy, việc sửa đổi là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu, tình hình mới. Tại dự thảo Nghị quyết này có 31 nhóm vấn đề mới được đại biểu Quốc hội quan tâm, như cách thức tiến hành kỳ họp, tổ chức liên tục, tổ chức thành 2 hay nhiều đợt; trách nhiệm của Đại biểu Quốc hội, quy định về vắng mặt tại kỳ họp; chương trình kỳ họp, nội dung thảo luận tại tổ, tại đoàn; quy trình xử lý nếu đại biểu nhận được thông tin xấu độc…

Theo các đại biểu, quy định phải đảm bảo tăng tính dân chủ, pháp quyền, tính chuyên nghiệp, chủ động trong hoạt động của Quốc hội, phân định rõ thẩm quyền, đề cao trách nhiệm của các chủ thể tham gia kỳ họp Quốc hội, nhất là vai trò trung tâm của các vị đại biểu Quốc hội.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 7. Ảnh: Quochoi.vn
Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 7. Ảnh: Quochoi.vn

Một số đại biểu đề nghị nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia, theo đó bên cạnh quy định cứng số liệu kỳ họp, có thể tổ chức kỳ họp thành các đợt nhằm tạo điều kiện cho cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. Liên quan đến quy định này, một số đại biểu đề nghị không nên chỉ quy định hình thức kỳ họp trực tuyến kết hợp trực tiếp mà cần linh hoạt các hình thức tổ chức kỳ họp.

Góp ý về cách thức thông báo vắng mặt, đại biểu cho rằng cần quy định cụ thể hơn về quy trình để đại biểu thực hiện quy củ, nhưng cũng cần có quy định linh hoạt trong trường hợp đại biểu vắng mặt với lý do đột xuất. Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, mặc dù trong dự thảo Nghị quyết có quy định công dân tham gia dự thính các kỳ họp Quốc hội, tuy nhiên cần quy định trình tự, thủ tục rõ ràng hơn để tạo thuận lợi cho quá trình tổ chức thực hiện, đồng thời cần quy định cụ thể để phần tranh luận của đại biểu Quốc hội đúng với tính chất tranh luận, tránh tình trạng sử dụng quyền tranh luận để phát biểu, khiến chất lượng tranh luận không được nâng cao…

Xây dựng khung pháp lý để quản lý tiền số, tài sản số

Cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), các đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật hiện hành, nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước; đáp ứng yêu cầu hội nhập, thực hiện các điều ước, cam kết quốc tế, khắc phục những bất cập của luật hiện hành; bảo đảm an ninh, an toàn tài chính, tiền tệ quốc gia; góp phần đẩy mạnh và tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; khắc phục thiếu hụt về cơ chế phòng, chống rửa tiền (PCRT).

Các đại biểu cũng nhấn mạnh đến 7 thủ đoạn hình thức phổ biến rửa tiền hiện nay như: thành lập công ty làm vỏ bọc để mua bán, công khai hàng hóa; núp bóng gây quỹ từ thiện, đi du lịch, chữa bệnh, các đối tượng nhờ người thân mua, chuyển nhượng hoặc sang tên bất động sản, lợi dụng tiền ảo để rửa tiền… Đại biểu cho rằng, nếu không tính toán kỹ hành lang pháp lý chặt chẽ thì sẽ rất khó.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh Văn Thị Bạch Tuyết chủ trì nội dung thảo luận tổ.
Đại biểu đóng góp ý kiến thảo luận tại Tổ 2. Ảnh: Quochoi.vn

Cho rằng Dự án Luật PCRT (sửa đổi) tác động đến hoạt động kinh tế - xã hội, đại biểu đề nghị tham khảo thêm ý kiến của các cơ quan chức năng, tính toán sao cho chặt chẽ, đảm bảo không chồng lấn, các chế tài xử phạt hành chính và hình sự cần được làm rõ ranh giới giữa hai chế tài này.

Nhấn mạnh, vấn đề tiền số, tài sản số có nguy cơ bị lạm dụng để thực hiện các hoạt động phi pháp, các đại biểu đề nghị, cần thiết phải nghiên cứu và xây dựng khung pháp lý để quản lý tiền số, tài sản số để ngăn chặn rủi ro. Bên cạnh đó, cũng cần phải mở rộng phạm vi đối tượng báo cáo là tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản số để tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan có thẩm quyền quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động này.

Đảm bảo sự đồng bộ về thời hiệu xử lý kỷ luật

Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận tổ về dự thảo Nghị quyết về áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, các đại biểu đa số đều tán thành với Tờ trình của Chính phủ.

Đồng thời cho rằng, việc Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức tại kỳ họp thứ 4 theo trình tự, thủ tục rút gọn là cần thiết, bảo đảm sự đồng bộ về thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính với thời hiệu kỷ luật theo quy định của Đảng, giải quyết vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, bảo đảm cơ sở pháp lý chặt chẽ để thực hiện thống nhất các quy định về nội dung này.

Lan Anh (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.