Multimedia Đọc Báo in

Không thể phủ nhận thành quả vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười Nga

09:42, 27/11/2022

Ngày 7/11/1917, tức ngày 25 tháng 10 theo lịch Nga, dưới sự lãnh đạo của Đảng Bônsêvích, đứng đầu là V.I.Lênin, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga đã nổi dậy lật đổ chính quyền tư sản, thành lập chính quyền Xô viết.

Đây là cuộc cách mạng vô sản thắng lợi đầu tiên trên thế giới. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”.

Xét trên bình diện lịch sử thế giới, Cách mạng Tháng Mười Nga, như Lênin khẳng định, đã “mở đầu một thời đại mới trong lịch sử thế giới, thời đại thống trị của một giai cấp mới, giai cấp bị áp bức trong tất cả các nước tư bản và ở khắp nơi đều đang tiến tới một cuộc đời mới, tới chỗ chiến thắng giai cấp tư sản, tới chỗ thành lập chuyên chính vô sản, tới chỗ giải phóng nhân loại khỏi ách tư bản, khỏi những cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa”. Lần đầu tiên trong lịch sử, cuộc cách mạng ở nước Nga đã lật đổ chế độ bóc lột của các giai cấp địa chủ quý tộc và tư sản, lập nên chính quyền của những người lao động nghèo khổ.

Không thể phủ nhận một sự thật là Liên Xô - thành quả vĩ đại, con đẻ của Cách mạng Tháng Mười, từ một nước tư bản trung bình sau một thời gian xây dựng đã trở thành một siêu cường trên thế giới; đã huy động được lực lượng vật chất và tinh thần đánh thắng liên minh các thế lực đế quốc trong Chiến tranh thế giới thứ nhất; là lực lượng chủ yếu nhất đã cứu nhân loại thoát khỏi thảm họa của chủ nghĩa phát xít trong Chiến tranh thế giới thứ hai, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Sau Cách mạng Tháng Mười, một loạt nước Đông Âu và châu Á, sau đó là Tây bán cầu tiến hành thắng lợi cách mạng giải phóng và tiến lên chủ nghĩa xã hội (CNXH).

Lãnh tụ Vladimir Ilyich Lenin phát biểu trước người dân tại Petrograd năm 1917. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)
Lãnh tụ Vladimir Ilyich Lenin phát biểu trước người dân tại Petrograd năm 1917. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Trong hơn 70 năm xây dựng CNXH, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác đã đạt được sự phát triển mạnh mẽ, bảo đảm ngày càng tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Với sự lớn mạnh toàn diện, CNXH có ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống chính trị thế giới, đóng vai trò quan trọng đối với sự sụp đổ hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và thời đại quá độ lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới. Chính CNXH và cuộc đấu tranh rộng lớn, mạnh mẽ của nhân dân lao động là động lực to lớn buộc các thế lực thực dân, đế quốc phải thừa nhận quyền độc lập, tự do của các dân tộc thuộc địa; chính quyền các nước tư bản có những cải cách xã hội để cải thiện đời sống của người lao động.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười đã phá vỡ một mảng của thế giới tư bản chủ nghĩa, đã mở ra thời kỳ sụp đổ của chủ nghĩa thực dân, tạo điều kiện cho hàng trăm quốc gia vốn là thuộc địa đã giành được độc lập dân tộc và một số quốc gia từ đó đi lên CNXH nhằm thực hiện lý tưởng giải phóng đông đảo quần chúng lao động bị áp bức, xóa bỏ tình trạng người bóc lột người.

Chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu không còn tồn tại, điều đó không có nghĩa là chủ nghĩa Mác - Lênin đã “hết thời”, mà đó chỉ là sự sụp đổ của một mô hình CNXH hiện thực vì những lý do chủ quan và khách quan của nó. Điều đó cũng không có nghĩa là con đường đi tới CNXH đã bị chặn lại. Trên phạm vi toàn thế giới, nhiều quốc gia, nhiều dân tộc vẫn phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều đó cho phép chúng ta khẳng định rằng đi tới CNXH là quy luật tất yếu của xã hội loài người mà Cách mạng Tháng Mười Nga là mốc son đánh dấu thời đại. 

Cách mạng Tháng Mười Nga có ảnh hưởng rất lớn đến cách mạng Việt Nam và nhận thức chính trị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong quá trình tìm đường cứu nước và dẫn dắt cách mạng Việt Nam. Chính Người đã khẳng định con đường cứu nước và giải phóng dân tộc của Việt Nam là con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga, “Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mác và Lênin”. Bởi lẽ đó, ngay từ khi mới ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin; đi lên chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng và dân tộc Việt Nam, là yêu cầu khách quan, con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam.

Hơn một thế kỷ đã trôi qua, thế giới đã trải qua nhiều biến động, nhưng những giá trị cao cả của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn ngời sáng và ý nghĩa thời sự vẫn còn nóng hổi. Qua đó, chúng ta tiếp tục khẳng định tầm vóc, ý nghĩa và giá trị lịch sử to lớn của Cách mạng Tháng Mười Nga; đồng thời là dịp để chúng ta khẳng định sức sống của CNXH, khẳng định Đảng ta luôn luôn nhất quán, kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Cẩm Trang


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.