Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV
Thảo luận tại tổ về hai dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)
Sáng 2/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận ở tổ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nền kinh tế số
Thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), các đại biểu cho rằng việc sửa đổi Luật lần này sẽ khắc phục những vấn đề hạn chế, bất cập hiện hành, đồng thời để kịp thời nắm bắt và cập nhật theo kịp những diễn biến mới của thị trường như thị trường giao dịch điện tử hiện nay.
Một số ý kiến đề nghị xem xét bổ sung quy định cụ thể để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch mua bán trên sàn thương mại điện tử, mua bán qua mạng cho phù hợp với tình hình thực tế cũng như đề nghị xem xét bổ sung quy định đảm bảo nguồn lực cho các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đại biểu tham gia thảo luận tại Tổ 1. Ảnh: Quochoi.vn |
Đại biểu đề nghị rà soát lại các giao dịch đặc thù thì ngoài việc căn cứ vào cách thức để giao dịch cũng rà soát lại những phương thức, cách thức giao dịch khác, đặc biệt là trách nhiệm của bên thứ ba có liên quan trong xu hướng giao dịch thương mại điện tử ngày càng phổ biến. Đại biểu bày tỏ mong muốn các quy định về hợp tác quốc tế trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được cụ thể và rõ ràng hơn trong bối cảnh ngày càng nhiều giao dịch có yếu tố nước ngoài, nhiều hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam và người tiêu dùng Việt Nam cũng sử dụng các sản phẩm này.
Phân tích dự thảo Luật có thiết kế Điều 7 về "bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương", đại biểu cho rằng đây là một quy định cần thiết vì người tiêu dùng dễ bị tổn thương là nhóm người có đặc điểm và hoàn cảnh khiến họ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi về sức khỏe, tài sản trong quá trình mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Trong việc thực hiện các giao dịch mua bán, những người vùng sâu, vùng xa, những người yếu thế, người già sẽ thực hiện rất khó khăn. Tuy nhiên vẫn cần làm rõ một số nội dung về xác định đối tượng dễ bị tổn thương…
Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng đánh giá những quy định về trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng là quy định rất cần thiết, việc thu thập, quản lý, sử dụng thông tin người tiêu dùng rất quan trọng, tránh việc lấy thông tin này để làm việc không chính đáng khác. Tuy nhiên, theo các đại biểu, những nội dung này quy định chưa tập trung từ Điều 8 đến Điều 13; có thể thiết kế thành Chương riêng hoặc Mục riêng để đảm bảo tính logic, chặt chẽ, khoa học.
Quan tâm đến chính sách của Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và chính sách của Nhà nước về sản xuất và tiêu dùng bền vững, đại biểu chỉ ra rằng, cần đảm bảo tính khả thi của những chính sách này, nhiều chính sách còn quy định chung chung, mang tính phiến diện. Do đó, đề nghị rà soát, cần có chính sách rõ ràng hơn, đột phá hơn trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Về giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và cá nhân, tổ chức kinh doanh, một số đại biểu cho rằng rằng dự thảo Luật đã khắc phục được một số khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và cá nhân, tổ chức kinh doanh; đảm bảo áp dụng thủ tục của trọng tài thương mại, áp dụng thủ tục rút gọn trong Bộ luật Tố tụng dân sự, tổ chức xã hội đại diện người tiêu dùng khởi kiện hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng không phải nộp tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án... Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát để tăng tính khả thi của các phương thức giải quyết tranh chấp, đặc biệt là phương thức Tòa án và Trọng tài…
Sửa đổi toàn diện, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số
Cũng tại phiên họp, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Đa số các ý kiến đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Giao dịch điện tử (GDĐT) năm 2005. Đồng thời, nhấn mạnh, việc sửa đổi toàn diện Luật lần này nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ số, Internet và không gian mạng, góp phần ngăn chặn kịp thời tác động tiêu cực về kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên không gian mạng.
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 2. Ảnh: Quochoi.vn |
Phân tích về dịch vụ tin cậy, Khoản 3, Điều 29 dự thảo Luật quy định “Đối với dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử trong thương mại thực hiện theo pháp luật về thương mại điện tử”, đại biểu cho biết, theo quy định tại Điều 7, Luật Đầu tư năm 2020 và Điều 13 của Nghị định số 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư đã thiết lập cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, với 5 điều kiện về mặt hồ sơ. Tuy nhiên, trong báo cáo đánh giá tác động lại chưa thể hiện rõ, chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định của Luật Đầu tư và Nghị định 31. Do đó, đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo bổ sung các hồ sơ bảo đảm đánh giá tác động đầy đủ về điều kiện cung cấp dịch vụ tin cậy (điều kiện kinh doanh).
Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho biết, hiện nay trong quy định của dự thảo Luật mới chỉ quy định giao cho Chính phủ quy định toàn bộ các điều kiện cấp giấy phép chi tiết. Do đó nên bổ sung ngay trong dự thảo Luật các điều kiện kinh doanh, điều kiện cấp giấy phép chi tiết hơn đối với dịch vụ tin cậy. Bởi, nếu không bổ sung thì không đánh giá được tác động.
Ngoài ra, các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật GDĐT (sửa đổi) cũng cần bổ sung thêm nguyên tắc bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức trong giao dịch điện tử; rà soát lại các quy định về điều kiện kinh doanh đảm bảo phù hợp với các quy định của Luật Đầu tư 2020; đồng thời quy định rõ ràng hơn đối với các giao dịch với cơ quan nhà nước...
Lan Anh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc