Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV: Chủ động phòng, chống, ứng phó hiệu quả với các thảm họa, sự cố

19:18, 26/10/2022

Chiều 26/10, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các đại biểu đã Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng thủ dân sự (PTDS); Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Tập trung nguồn lực cho công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố

Thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình dự án Luật PTDS, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định, việc xây dựng Luật PTDS là rất cần thiết, nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho việc chủ động phòng, chống, ứng phó hiệu quả với các thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm an ninh, an toàn cho đất nước khi có tình huống xảy ra.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang trình bày
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang trình bày tờ trình dự án Luật Phòng thủ dân sự. Ảnh: Quochoi.vn

Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh, thực tiễn công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thời gian qua đã cho thấy cần phải có các biện pháp, hoạt động khi xã hội chuyển sang tình trạng khẩn cấp. Các biện pháp này cần được luật hoá để có cơ sở pháp lý và được thực hiện thống nhất, đồng bộ.

Dự thảo luật quy định Chiến lược quốc gia PTDS được xây dựng theo chu kỳ 10 năm, tầm nhìn 20 năm và được cập nhật, điều chỉnh định kỳ 5 năm hoặc khi có thảm họa, chiến tranh. Các dạng thảm họa, sự cố, gồm: Thảm họa, sự cố trong chiến tranh; Thảm họa, sự cố do thiên nhiên, con người gây ra và các dạng thảm hoạ, sự cố khác theo quy định pháp luật. Luật hiện quy định 4 cấp độ PTDS và thẩm quyền ban bố, bãi bỏ phòng thủ dân sự theo từng cấp.

Trình bày báo cáo thẩm tra về dự thảo luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật rộng, nhiều nội dung liên quan đến các luật chuyên ngành.

Một số ý kiến băn khoăn về tính khả thi của luật, bởi một số nội dung cần phân định rõ với những quy định có liên quan về PTDS tại các luật chuyên ngành; do đó cần tiếp tục rà soát kỹ các luật và hệ thống văn bản có liên quan, tránh chồng chéo trong hệ thống pháp luật và bảo đảm tính khả thi.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát, làm rõ cơ sở lý luận, pháp luật, thực tiễn và khoa học, quy định cả phạm vi xảy ra thảm họa, sự cố và hậu quả thiệt hại do các tình huống này gây ra để xác định cấp độ PTDS cho phù hợp, khi cần thiết sẽ vận hành, kích hoạt được ngay các biện pháp PTDS tương ứng, có tính khả thi.

Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cho biết, một số ý kiến băn khoăn về tính khả thi và hợp lý của việc hình thành Quỹ PTDS. Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí cần quy định thống nhất về việc quản lý, sử dụng các loại quỹ hiện có để phát huy hiệu quả, tập trung nguồn lực cho công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố. Tuy nhiên, cần đánh giá rõ hơn về hiệu quả hoạt động của các loại quỹ này trong thời gian vừa qua để thiết kế mô hình quản lý quỹ PTDS cho phù hợp.

Người bạo lực gia đình có thể phải lao động phục vụ cộng đồng

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết: Khi thảo luận, một số đại biểu đề nghị bổ sung biện pháp xử phạt lao động vì lợi ích cộng đồng vào dự thảo luật, rà soát để đảm bảo tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Thường vụ Quốc hội thấy rằng, bổ sung biện pháp mang tính xã hội nhằm phục vụ lợi ích cộng đồng là cần thiết để xử lý hành vi bạo lực gia đình chưa đến mức xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, dự án Luật đã được sửa theo hướng nêu trên, đồng thời bỏ quy định thời gian thực hiện công việc phục vụ cộng đồng mỗi lần không quá 20 giờ và không quá 4 giờ mỗi ngày.

Đại biểu tham dự phiên thảo luận tại hội trường. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu tham dự phiên thảo luận tại hội trường. Ảnh: Quochoi.vn

Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đa số các ý kiến đại biểu nhất trí với nhiều nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo này.

Đại biểu cho rằng quy định người bạo lực gia đình phải lao động phục vụ cộng đồng là điểm mới, có tính răn đe, giáo dục cao. Tuy nhiên, điều khoản này cần thiết kế khoa học, chặt chẽ, tránh phát sinh thêm thủ tục hành chính, các cơ quan cũng cần làm rõ tính tự nguyện lao động vì cộng đồng.

Đại biểu cũng đề nghị cần xem lại quy định người bạo lực gia đình phải bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả, bởi phần lớn người bị bạo lực và người bạo lực cùng gia đình, nên việc thực thi sẽ khó khăn.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về các nội dung: nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình; việc góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư đối với người có hành vi bạo lực gia đình; Quỹ phòng, chống bạo lực gia đình; quyền và trách nhiệm của cá nhân trong phòng, chống bạo lực gia đình; biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình; bảo vệ người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình và người báo tin, tố giác vụ việc bạo lực gia đình…

Lan Anh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.