Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV

Khắc phục sai phạm, tiêu cực trong quá trình thanh tra

14:06, 05/11/2022

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, sáng 5/11, dưới sự điều hành của Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội, các đại biểu tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực nội vụ, đồng thời tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực thanh tra.

Chất vấn về lĩnh vực thanh tra, đại biểu đề nghị làm rõ một số tồn tại, vướng mắc cũng như giải pháp cho các vấn đề: trách nhiệm trong công tác thanh tra ngân hàng; hoạt động thanh tra đột xuất trong ngành thanh tra; giải pháp khắc phục tham nhũng trên một số lĩnh vực; kết quả xử lý đối với tập thể, cá nhân vi phạm sau thanh tra; nguyên nhân, giải pháp thiết thực, cụ thể nhằm tháo gỡ tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra; khắc phục sai phạm, tiêu cực trong quá trình thanh tra…

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên làm việc. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên làm việc. Ảnh: Quochoi.vn

Trả lời chất vấn của các đại biểu về công tác thanh tra ngân hàng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với Bộ, ngành địa phương, Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ công tác thanh tra, trong đó có một số công tác trọng tâm đối với lĩnh vực ngân hàng như tiền tệ, cấp tín dụng, xử lý nợ xấu, phòng chống rửa tiền…

Đồng thời, Thanh tra Chính phủ chỉ đạo hướng dẫn thanh tra ngân hàng giám sát, thanh tra việc thu, chi các ngân hàng. Tiến hành thanh tra tại Ngân hàng Nhà nước và 4 Ngân hàng thương mại. Sau thanh tra đã phát hiện nhiều bấp cập cần chấn chỉnh và xử lý nghiêm.

Trả lời đại biểu về việc chỉ đạo thanh tra đột xuất, phòng chống tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, trong thời gian vừa qua đã có nhiều cuộc thanh tra đột xuất có tính phức tạp, quy mô lớn, có nhiều sai phạm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.

Năm 2022, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra đột xuất về mua sắm thiết bị phòng, chống COVID-19, quản lý xăng dầu, quy hoạch các công trình trọng điểm quốc gia, thị trường chứng khoán… Qua kết quả thanh tra đã kiến nghị xử lý và chuyển cơ quan điều tra để xử lý theo pháp luật. Các cuộc thanh tra đột xuất này đều được tiến hành với tinh thần khẩn trương và trách nhiệm cao nhất để kết luận và báo cáo Ban Chỉ đạo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Về thực trạng ngăn chặn xử lý, thu hồi tài sản tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong chia sẻ đây là một trong những nhiệm vụ khó khăn, vướng mắc, phức tạp. Thời gian qua, các cơ quan theo chức năng đã là thực hiện tốt những công việc về thu hồi tài sản tham nhũng và đạt tỷ lệ năm sau cao hơn năm trước. Kết quả 9 tháng đầu năm 2022, đã thu hồi được hơn 1.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 60% và gấp đôi so với năm 2021.

Tuy nhiên, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng vẫn còn thấp. Do đó, trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ tập trung giải pháp khắc phục như hoàn thiện quy định pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng; tăng cường xử lý sau thanh tra, thi hành án về thu hồi tài sản nhũng. Trong quá trình điều tra và phát hiện dấu hiệu tội phạm phải chủ động có biện pháp kê biên, phong tỏa, tạm giữ tài sản để đảm bảo xử lý… 

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trả lời chất vấn của các đại biểu. Ảnh: Quochoi.vn
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trả lời chất vấn của các đại biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Về xử lý chồng chéo, trùng lắp giữa hoạt động thanh tra, kiểm toán, Tổng Thanh tra Chính phủ nêu rõ, các cơ quan thanh tra, kiểm toán đã phối hợp với nhau để từng bước khắc phục, xử lý chồng chéo. Cơ quan thanh tra và cơ quan kiểm toán đã ban hành quy chế phối hợp triển khai, xử lý chồng chéo từ khâu xây dựng kế hoạch thanh tra cũng như tổ chức thực hiện thanh tra. Trong quá trình tổ chức thanh tra nếu phát hiện ra sự chồng chéo thì giữa hai cơ quan có sự bàn bạc, trường hợp không xử lý được sẽ báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ và Tổng Kiểm toán nhà nước để trực tiếp trao đổi, thống nhất xử lý.

Tổng Thanh tra Chính phủ cũng cho biết thêm trong thời gian tới, sẽ sửa đổi Luật Thanh tra để có quy định về xử lý chồng chéo. Đồng thời, Thanh tra Chính phủ sẽ chủ trì với bộ, ngành, địa phương xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về các cuộc thanh tra nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo dõi, phát hiện và xử lý chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Về lâu dài, Thanh tra Chính phủ kiến nghị cấp có thẩm quyền nghiên cứu hoàn thiện pháp luật thanh tra, kiểm toán theo hướng quy định rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan. 

Về xử lý tập thể, cá nhân, nhất là nơi để xảy ra vi phạm pháp luật nghiêm trọng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2022, qua theo dõi đôn đốc, kiểm tra thực hiện xử lý sau thanh tra của ngành thanh tra thì các cơ quan đã xử lý hành chính 1.714 tổ chức, 4.841 cá nhân và chuyển cơ quan điều tra là 76 vụ, 93 đối tượng.

Về chậm ban hành kết luận thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra do nhiều nguyên nhân, chủ quan, khách quan. Trong đó, cuộc thanh tra có vi phạm quy mô lớn, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều đối tượng có tính chất phức tạp. Một số quy định pháp luật còn bất cập, đặc biệt là về vấn đề quy định, thời gian báo cáo và dự thảo kết luận thanh tra. Khối lượng công việc nhiều nhưng lực lượng thanh tra, nhất là Thanh tra Chính phủ rất mỏng và ý thức trách nhiệm của một số thành viên, kỹ năng, năng lực còn hạn chế hay chưa hết trách nhiệm.

Quang cảnh phiên làm việc. Ảnh: Quochoi.vn
Quang cảnh phiên làm việc. Ảnh: Quochoi.vn

Về chất lượng đội ngũ, đạo đức công vụ, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, thời gian qua cán bộ thanh tra cơ bản chấp hành tốt các quy định, tuy nhiên có một số trường hợp còn xảy ra vi phạm. Tới đây, sẽ có quy định cụ thể về những việc cán bộ thanh tra không được làm, không bỏ lọt, bỏ sót đối tượng vi phạm để chuyển cơ quan điều tra.

Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, sẽ có quy chế tổ chức hoạt động các đoàn thanh tra, đồng thời đề nghị các bộ, ngành, địa phương, toàn thể người dân phối hợp giám sát để hạn chế tình trạng vi phạm trong hoạt động thanh tra. Về việc phòng chống tham nhũng trong các đoàn thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, cần thực hiện đồng bộ các biện pháp để nêu cao đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức ngành thanh tra, các thành viên trong các đoàn thanh tra…

Tại phiên chất vấn, các đại biểu cũng đề cập, yêu cầu làm rõ các vấn đề: thanh tra đột xuất việc cung ứng xăng dầu; giải pháp tách bạch giữa hoạt động thanh tra và kiểm tra; tính độc lập của cơ quan thanh tra; đánh giá về đạo đức công vụ ngành thanh tra…

Các vấn đề đại biểu quan tâm đã được Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong giải trình, làm rõ; cùng với đó Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng đã tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

* Chiều nay, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Theo đó, Tổng Thanh tra Chính phủ và các thành viên Chính phủ liên quan, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước tiếp tục trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực thanh tra. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Lan Anh (tổng hợp)


 


Ý kiến bạn đọc