Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

20:26, 10/11/2022

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, chiều 10/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đại biểu thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Qua thảo luận đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để khắc phục những bất cập, hạn chế của luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu hội nhập, sự phát triển của khoa học công nghệ và xu hướng phát triển các giao dịch thương mại điện tử; phù hợp với các cam kết quốc tế bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tuy nhiên, theo đại biểu, dự thảo Luật vẫn chưa quy định đầy đủ, cân đối và hài hòa giữa lợi ích của các chủ thể tham gia trong quan hệ quyền lợi người tiêu dùng. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát để quy định thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đáp ứng yêu cầu và mục đích đề ra.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Ảnh: Quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Ảnh: Quochoi.vn

Cho ý kiến về phạm vi điều chỉnh của Luật, đại biểu chỉ rõ, dự thảo Luật có sự thay đổi rất lớn về phạm vi điều chỉnh khi đã sửa đổi khái niệm người tiêu dùng. Theo đó, người tiêu dùng bây giờ trong dự thảo luật là chỉ bao gồm cá nhân mà không bao gồm tổ chức mua sắm hàng hóa và dịch vụ cho mục đích tiêu dùng của tổ chức. Cho rằng lý do của việc không điều chỉnh đối với tổ chức trong dự thảo Luật là chưa thuyết phục, không tán thành với sửa đổi này, đại biểu đề nghị cần phải điều chỉnh đối với tổ chức.

Đại biểu làm rõ, không phải khi nào thì người tiêu dùng là tổ chức cũng đủ có khả năng để đối mặt được với các hành vi vi phạm từ phía nhà sản xuất kinh doanh. Nếu Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không bảo vệ họ thì quyền lợi của nhóm đối tượng này có thể dễ bị xâm hại và gây thiệt hại chung cho xã hội. Kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này dù tương đối khác nhau song nhiều nước vẫn điều chỉnh cả cá nhân, tổ chức cũng như nhóm cá nhân.

Về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng và sử dụng thông tin của người tiêu dùng, đại biểu đề nghị tiếp tục nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm quốc tế để đưa ra phạm vi về thông tin của người tiêu dùng cho phù hợp; cần quy định chặt chẽ để bảo vệ khỏi bị lộ, lọt hoặc bị sử dụng thông tin trái phép.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk tham gia phiên làm việc. Ảnh: Quochoi.vn
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk tham gia phiên làm việc. Ảnh: Quochoi.vn

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị cần phải rà soát lại các quy định liên quan đến trách nhiệm của UBND các cấp để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật cũng như là tính khả thi của quy định trên thực tế.

Về hàng hóa có khuyết tật, đại biểu cho rằng, cần có sự rà soát các quy định về hàng hóa khuyết tật để có thể thu hồi hay có chế tài xử lý vi phạm. Đối với bán hàng trực tiếp, bán hàng đa cấp, đại biểu nêu quan điểm, cần có quy định chi tiết về loại hình này nhằm bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn.

Quan ngại trước tình trạng quảng cáo sai sự thật tràn lan, đặc biệt là quảng cáo thuốc, dược phẩm kém chất lượng với sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng, đại biểu đề nghị dự thảo Luật bổ sung quy định hành vi quảng cáo sai sự thật là hành vi cấm, các công ty, tổ chức phải chịu trách nhiệm về những thông tin quảng cáo của mình.

Đối với quy định về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng dễ bị tổn thương, đại biểu bày tỏ cơ bản thống nhất với quy định về ưu tiên bảo vệ người tiêu dùng thuộc nhóm đối tượng yếu thế tại dự thảo Luật; đồng thời cho rằng, những đối tượng yếu thế dễ bị kỳ thị, phân biệt đối xử trong hoạt động mua bán các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cần được mở rộng thêm các đối tượng là những người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, những người mắc các hội chứng suy giảm miễn dịch ở người HIV/AIDS… Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát, bổ sung thêm đối tượng người tiêu dùng nêu trên được ưu tiên bảo vệ để tạo sự bình đẳng trong quá trình mua bán, tiêu dùng.

Đại biểu tán thành thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu tán thành thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu cũng đề xuất xem xét bổ sung quy định về nghĩa vụ của người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trước những thông tin mình đưa ra và nếu để xảy ra thiệt hại đối với cá nhân, tổ chức kinh doanh từ việc đưa thông tin sai sự thật thì phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường. Quy định như vậy sẽ đảm bảo cho người tiêu dùng hiểu và thực hiện tốt trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với hoạt động mua bán và sử dụng hàng hóa sản phẩm, dịch vụ.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng tham gia nhiều ý kiến và các nhóm chính sách, nhiều điều khoản cụ thể như phạm vi, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, mối quan hệ và tính thống nhất với các luật liên quan, tính khả thi của một số điều khoản; hoạt động của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; bảo vệ thông tin và sử dụng thông tin của người tiêu dùng; giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh…

Cũng trong phiên làm việc chiều nay, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, với 465 đại biểu tán thành, chiếm 93,37%.

Lan Anh (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.