Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV

Hoàn thiện hành lang pháp lý, phát huy sức mạnh toàn dân trong phòng thủ dân sự

19:05, 09/11/2022

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, chiều 9/11 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các đại biểu thảo luận dự án Luật Phòng thủ dân sự.

Theo đó, đa số các đại biểu đồng tình về Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội về dự thảo Luật Phòng thủ dân sự. Đại biểu cho rằng, nước ta bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, thực tế thời gian qua xảy ra nhiều sự cố thiên tai, dịch bệnh, từ đó đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với công tác phòng thủ dân sự.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành nội dung thảo luận về dự án Luật Phòng thủ dân sự. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành nội dung thảo luận về dự án Luật Phòng thủ dân sự. Ảnh: Quochoi.vn

Do đó, việc xây dựng và triển khai thực hiện Luật Phòng thủ dân sự trong tình hình hiện nay là hết sức cần thiết nhằm cụ thể hóa đường lối, quan điểm của Đảng, pháp luật hóa Hiến pháp năm 2013, tăng cường nhiệm vụ quốc phòng, an ninh quốc gia, hoàn thiện hành lang pháp lý, phát huy sức mạnh toàn dân, chủ động phòng, chống, ứng phó hiệu quả với các thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo an ninh, an toàn cho đất nước, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Đại biểu cũng ghi nhận thời gian qua, công tác phòng thủ dân sự đã đáp ứng được yêu cầu phòng chống, ứng phó khắc phục hậu quả thảm họa sự cố thiên tai, dịch bệnh, góp phần bảo vệ an ninh, tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân. Tuy nhiên, phạm vi áp dụng bị chi phối bởi nhiều luật khác nhau như Luật Quốc phòng, Luật Phòng chống thiên tai, Luật An ninh quốc gia, Luật Phòng cháy chữa cháy...

Đại biểu nhấn mạnh việc thực tiễn trong công tác ứng phó, khắc phục thiên tai do các luật khác bị chi phối rất nhiều; có nhiều Ban Chỉ đạo, chỉ huy đôi lúc thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ. Do đó, cần phải có sự thống nhất chung trong tổ chức, thực hiện để mang lại hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Cho ý kiến về chính sách Nhà nước trong phòng thủ dân sự, đại biểu cho rằng dự thảo Luật còn quy định quá chung chung. Do đó, đề nghị cần quy định cụ thể từng chính sách cụ thể trong từng lĩnh vực để dễ thực hiện.

Về cấp độ phòng thủ dân sự, đại biểu cho rằng dự thảo quy định gồm 4 cấp và tương ứng mỗi cấp quy định trách nhiệm của chính quyền là cần thiết. Tuy nhiên, đề nghị mỗi cấp độ phải thực hiện nhiệm vụ cần quy định cụ thể để tránh bỏ sót; đồng thời cần rõ hơn trách nhiệm của mỗi cấp chính quyền.

Về thẩm quyền ban bố, bãi bỏ các phòng thủ dân sự, dự thảo quy định giao UBND cấp huyện, tỉnh ban bố bãi bỏ tình trạng khẩn cấp 1 - 2 trên địa bàn quản lý, đại biểu đề nghị cân nhắc rà soát với các luật có liên quan để áp dụng tránh chồng chéo. Thực tế các luật chuyên ngành đã quy định cụ thể thẩm quyền của chủ thể quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực và từng cấp độ khác nhau.

Về thẩm quyền điều động, huy động lực lượng, phương tiện, đại biểu đề nghị cần có chế tài trong trường hợp không chấp hành hoặc có những thực hiện nửa vời. Đại biểu cũng chỉ rõ quy định về huy động phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp còn chồng chéo với Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp. Do đó đề nghị dẫn chiếu, rà soát để tránh chồng chéo nhau.

Đại biểu bấm nút biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu bấm nút biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Ảnh: Quochoi.vn

Về nội dung các hành vi nghiêm cấm, đại biểu cho rằng, xuất phát từ thực tiễn, trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền trong phòng thủ dân sự có ý nghĩa quan trọng. Nếu như thiếu tinh thần trách nhiệm sẽ dẫn đến việc chỉ đạo, chỉ huy thực hiện nhiệm vụ cứu không sâu sát, không kịp thời, không huy động được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng; có thái độ thờ ơ, vô cảm trước sự nguy hiểm, đặc biệt là trong các sự cố thiên tai. Điều này sẽ dẫn tới nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng trong việc cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả. Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung thêm hành vi nghiêm cấm là thiếu tinh thần trách nhiệm chỉ đạo, chỉ huy cơ quan, người có thẩm quyền và trách nhiệm trong phòng thủ dân sự.

Về quy định kinh phí hỗ trợ bảo hiểm được đảm bảo từ nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và quỹ phòng thủ dân sự, đại biểu cho rằng, quy định hỗ trợ phí bảo hiểm như dự án Luật chưa cụ thể, không khả thi với nguồn quỹ với nguồn quỹ có hạn, trong khi đây là phí bảo hiểm nên sẽ cần phải có nguồn kinh phí rất lớn. Do đó, cần phải quy định quy định một cách cụ thể trong trường hợp nào thì được hỗ trợ bảo hiểm do thảm họa sự cố.

Theo đại biểu, nếu chỉ quy định phí bảo hiểm chung chung cho tất cả các đối tượng như dự án Luật thì không đủ nguồn lực để thực hiện và đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật nên quy định hỗ trợ bảo hiểm cho các đối tượng khu vực thường xuyên xảy ra thảm họa, sự cố từ cấp 3 trở lên; như vậy sẽ đảm bảo tính kinh phí hỗ trợ, đảm bảo chính sách an sinh xã hội theo quy định liên quan đến nguồn kinh phí hỗ trợ đảm bảo cho các đối tượng…

Cũng trong phiên làm việc, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Tham gia biểu quyết tại Hội trường, có 444 đại biểu biểu quyết tán thành, chiếm tỷ lệ 89,16%.

Lan Anh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc