Multimedia Đọc Báo in

“Chìa khóa” khơi sức dân ở Ea Kar

08:00, 02/12/2022

Đặt người dân ở vị trí trung tâm, chú trọng phát huy vai trò, tiếng nói, quyền làm chủ của nhân dân trong các công việc của địa phương là cách mà cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể huyện Ea Kar đã và đang thực hiện nhằm huy động sức dân góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Từ nghị quyết chuyên đề của Đảng bộ xã về xây dựng Cư Huê trở thành phường trước năm 2025, Chi bộ thôn Tứ Xuân đã họp, thảo luận đưa ra các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể trong công tác huy động nhân dân đóng góp xây dựng hạ tầng cơ sở.

Cấp ủy, ban tự quản cùng các đoàn thể tổ chức họp để người dân cho ý kiến về cách làm, mức đóng góp và được sự đồng thuận cao. Gần 60 hộ sống dọc tuyến đường đã nhất trí đóng góp mỗi hộ 5 triệu đồng, tự nguyện tháo dỡ, phá bỏ trên 800 m tường rào, cổng kiên cố, cây và hoa màu trên đất để mở rộng đường từ 4,5 m lên 8 m và bê tông hóa gần 1 km đường thôn.

Anh Nguyễn Ngọc Thép, một người dân trong thôn cho biết: “Người dân được bàn bạc, tham gia kiểm tra, giám sát và hưởng lợi trên chính con đường mình đóng góp cùng Nhà nước xây dựng nên rất phấn khởi. Riêng gia đình tôi đã hiến hơn 100 m đất mặt đường, đóng góp 10 triệu đồng, gấp đôi các hộ khác để làm đường”.

Người dân thôn Tứ Xuân (xã Cư Huê) tự nguyện dỡ bỏ hàng rào, hiến đất mở rộng đường theo tiêu chí nông thôn mới nâng cao.

Với cách làm tương tự, nhân dân các thôn, buôn trên địa bàn xã Cư Huê đều tự nguyện giải phóng mặt bằng, mở rộng đường theo tiêu chí đô thị. Mỗi hộ trong xã còn đóng góp 500 nghìn đồng để lắp đặt 3,1 km đường điện năng lượng mặt trời chiếu sáng tại các khu vực trung tâm.

 

Trong năm 2022, huyện Ea Kar đã huy động người dân đóng góp trên 18,3 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới; tiếp nhận và xử lý 32.928 hồ sơ, không phải gửi văn bản xin lỗi đối với các trường hợp quá hạn; tiếp 74 lượt công dân; tiếp nhận và xử lý 56 đơn khiếu nại, kiến nghị, phản ánh...

Theo Bí thư Đảng ủy xã Cư Huê Phạm Duy Hùng, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở theo Pháp lệnh 34 với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”, phát huy vai trò, tiếng nói của đội ngũ già làng, người có uy tín, chức sắc tôn giáo... trong công tác tuyên truyền, vận động, xã đã giải quyết được một việc rất khó là vận động đồng bào buôn M’Ar di dời 200 ngôi mộ qua nghĩa trang của xã ở buôn M’Hăng để có quỹ đất xây dựng Nhà văn hóa, sân vận động xã theo tiêu chí nông thôn mới.

Còn tại thị trấn Ea Knốp, việc phục vụ nhân dân được coi là thước đo trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. UBND thị trấn đẩy mạnh cải cách hành chính, không để hồ sơ tồn đọng. Thị trấn xây dựng hòm thư góp ý, công khai số điện thoại đường dây nóng để người dân phản ánh về thái độ làm việc, tiếp dân của cán bộ, công chức tại trụ sở UBND, đồng thời tổ chức các hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Người dân được bàn, quyết định trực tiếp về chủ trương, mức đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng. Cùng với đó, quy chế dân chủ cơ sở cũng được cụ thể hóa bằng hương ước, quy ước ở các khu dân cư và thực sự đi vào đời sống của nhân dân.

Người dân đến giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND huyện Ea Kar.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ea Kar Vương Tấn Thành khẳng định, những thông tin nhân dân cần biết và được biết đều phải được cập nhật, rõ ràng, cụ thể, nhất là các quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các chính sách, thủ tục hành chính, phương án đền bù, giải phóng mặt bằng. Ý kiến, phản ánh, kiến nghị của người dân luôn được tôn trọng và lắng nghe thông qua các cuộc họp, tiếp công dân, giải quyết đơn thư, hòa giải cơ sở... Quy chế dân chủ cơ sở được phát huy, gắn với nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị đã góp phần khơi nguồn lực trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Yến Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.