Multimedia Đọc Báo in

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 16 (mở rộng): Tập trung giải pháp tháo gỡ cho những mục tiêu khó

08:05, 05/12/2022

Trong chương trình làm việc của Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 16 (mở rộng) diễn ra trong hai ngày 1 và 2/12, các đại biểu đã thảo luận, chất vấn sôi nổi, trách nhiệm với 58 lượt ý kiến, trong đó tập trung vào Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.

Lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh đã giải trình, làm rõ các nội dung với giải pháp cụ thể, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.

Bảo đảm mục tiêu thu ngân sách trên 10.000 tỷ đồng

Khi thảo luận về mục tiêu thu ngân sách (NSNN) trên 10.000 tỷ đồng cho năm 2023, nhiều đại biểu cho rằng cần cân nhắc bởi năm nay có “đột biến” số thu từ đất đai.

Giải trình về kết quả thu NSNN năm 2022 và dự toán năm 2023, Giám đốc Sở Tài chính Bùi Văn Yên cho biết: ước thực hiện thu ngân sách năm 2022 đạt 9.152 tỷ đồng (tăng 11,6% so với dự toán HĐND tỉnh giao).

Dựa trên cơ sở này, tỉnh đề ra dự toán thu ngân sách năm 2023 là 10.100 tỷ đồng (tăng 10,3% so với ước thực hiện năm 2022), trong đó có 9.556 tỷ đồng từ nguồn thu nội địa và 544 tỷ đồng từ hoạt động xuất nhập khẩu. Tuy dự toán xây dựng ở mức “an toàn”, nhưng ngành tài chính cũng xác định đây là một trong những mục tiêu khó, để đạt mục tiêu đề ra, cần sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà điều hành thảo luận tại tổ thảo luận số 1.

Tập trung các giải pháp nâng tỷ lệ che phủ rừng

Đối với việc thực hiện chỉ tiêu tỷ lệ che phủ rừng đạt thấp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Hoài Dương giải trình: Trước đây, khi xây dựng nghị quyết, Sở NN-PTNT đề nghị mức độ che phủ rừng cho cả giai đoạn 2020 - 2025 là 38,6% trên cơ sở cân nhắc, tính toán các điều kiện, cơ chế, chính sách, nguồn lực tại địa phương. Tuy nhiên, Bộ Chính trị đã yêu cầu tỉnh Đắk Lắk tăng độ che phủ rừng lên 40 - 42%. Chính vì thế, việc thực hiện đạt tỷ lệ che phủ rừng như nghị quyết đề ra là một áp lực lớn, rất khó thực hiện.

Qua thống kê, đầu năm 2022, diện tích đất có rừng trong toàn tỉnh là 501.206 ha, diện tích đất chưa có rừng là 232.423 ha, tỷ lệ che phủ rừng là 38,35%. Trong năm 2022, toàn tỉnh giảm 12.500 ha diện tích rừng, trong đó có hơn 11.000 ha rừng tự nhiên do nguyên nhân rừng bị chặt phá trái phép, suy giảm rừng tự nhiên từ các năm trước nhưng địa phương chưa rà soát, báo cáo đầy đủ, kịp thời… Diện tích rừng tăng lên 12.490 ha, trong đó có 2.100 ha rừng được khoanh nuôi, bảo vệ, phát triển thành rừng và hơn 10.390 ha rừng trồng mới và trồng lại trên diện tích đã khai thác. Như vậy, về cơ bản diện tích rừng năm 2022 tương ứng với năm 2021. Tỷ lệ che phủ rừng vì vậy cũng không đạt mục tiêu đề ra là 38,63%. Nguyên nhân là do diện tích rừng tự nhiên vẫn tiếp tục suy giảm, chủ yếu là từ những năm trước đây nhưng được phát hiện, tổng hợp báo cáo trong năm 2022, trong khi đó diện tích rừng trồng có tăng nhưng không nhiều.

Theo Giám đốc Sở NN- PTNT, cùng với việc xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, tập thể để xảy ra sai phạm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, thì tỉnh cần phải quan tâm bố trí, bảo đảm các điều kiện, nguồn lực cho lực lượng liên quan trong thực thi nhiệm vụ. Trước mắt, để tăng tỷ lệ che phủ rừng cần tăng cường công tác tuyên truyền, trách nhiệm quản lý nhà nước, trách nhiệm của người đứng đầu, huy động nguồn lực của doanh nghiệp, người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; quan tâm bố trí ngân sách của tỉnh cho phát triển rừng; tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện, kiên quyết xử lý các vụ việc phá rừng… Giám đốc Sở NN-PTNT cũng đề nghị cần đánh giá lại đầy đủ theo đúng điều kiện thực tế làm cơ sở để đề ra chỉ tiêu khả thi về tỷ lệ che phủ rừng.

Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Hoài Dương giải trình về tỷ lệ che phủ rừng.

Xây dựng quy chế phối hợp giữa bệnh viện công và bệnh viện tư

Vấn đề các đại biểu đề cập về hiện trạng đội ngũ y tế, số lượng giường bệnh phục vụ người dân hiện nay rất thiếu, tác động và ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đã được Giám đốc Sở Y tế Nay Phi La làm rõ. Theo đó, ngành y tế hiện đang quản lý 37 cơ sở y tế, trong đó có 31 bệnh viện, trung tâm, các đơn vị trực thuộc và CDC. Ngoài ra còn có 6 đơn vị tư nhân và Bệnh viện Đại học Tây Nguyên với tổng số 120 giường bệnh. Tổng nhân lực toàn ngành là hơn 7.000 người, trong đó, khu vực công là 6.570 người, tư nhân là 500 người; tổng số giường bệnh là 5.500 giường. Như vậy, tỷ lệ giường bệnh và tỷ lệ bác sĩ trên 1 vạn dân đạt thấp. Với tầm nhìn đến năm 2030 và quy mô dân số khoảng 2 triệu người thì cần 6.600 giường bệnh, vậy tỉnh còn thiếu 1.100 giường bệnh; thiếu 1.500 biên chế, trong đó riêng bác sĩ là 300 người. Trong năm 2022, ngành y tế có 159 công chức, viên chức xin nghỉ việc, trong đó bác sĩ là 83 người, chủ yếu là bác sĩ chuyên khoa có tay nghề cao.

Từ thực tế về tỷ lệ giường bệnh, bác sĩ và nhân lực nghỉ việc, ngành y tế đã triển khai các giải pháp gồm: tổ chức xét tuyển 300 bác sĩ và 800 điều dưỡng theo đề án vị trí việc làm; tăng cường bác sĩ về tuyến cơ sở theo Đề án 1816 của Bộ Y tế. Ngành y tế sẽ đề xuất, tham mưu cho UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh về xây dựng đề án hỗ trợ kinh phí cho bác sĩ khi tham gia khám chữa bệnh cũng như thực hiện các ca mổ tại các bệnh viện công trên địa bàn tỉnh ngoài các quy định của Bộ Y tế; xây dựng quy chế thi đua của ngành y tế, không phân biệt giữa bác sĩ công và bác sĩ tư. Giám đốc Sở Y tế khẳng định, tuy có hiện tượng đội ngũ bác sĩ nghỉ việc nhưng không phải là “chảy máu chất xám” mà chỉ dịch chuyển từ bệnh viện công sang bệnh viện tư. Để giải quyết vấn đề này, ngành y tế sẽ đề xuất xây dựng quy chế phối hợp chuyên môn, tức là bác sĩ ở bệnh viện tư có thể tham gia khám chữa bệnh, mổ tại các tuyến bệnh viện công, nhằm tạo môi trường làm việc cho bác sĩ, bệnh nhân được hưởng lợi về chuyên môn và bác sĩ tuyến dưới sẽ được “cầm tay chỉ việc”, nâng cao tay nghề.. 

Nguyễn Xuân - Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.