Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng

08:20, 20/12/2022

Trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, từ quan điểm chỉ đạo, mục tiêu tổng quát, định hướng phát triển cho đến nhiệm vụ trọng tâm đều nhấn mạnh đến việc tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng. Đây là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng trong nhiều nhiệm kỳ, nhất là thực hiện theo đúng Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới” cũng đã thể hiện quyết tâm chính trị cao nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng.

Trong bản Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Các đại biểu tỉnh Đắk Lắk tham dự Hội nghị toàn quốc học tập, nghiên cứu  quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 6, khóa XIII. Ảnh Nguyễn Xuân
Các đại biểu tỉnh Đắk Lắk tham dự Hội nghị toàn quốc học tập, nghiên cứu quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 6, khóa XIII. Ảnh Nguyễn Xuân

Vấn đề “đảng cầm quyền” ở nước ta không những chỉ là đảng lãnh đạo chính quyền mà còn là đảng lãnh đạo hệ thống chính trị và lãnh đạo toàn xã hội. Điều đó đã được ghi trong Hiến pháp và còn được thể chế hóa bằng các văn bản của Nhà nước, nhất là được thể hiện trong thực tế. Trong vai trò của đảng cầm quyền, vấn đề Đảng lãnh đạo chính quyền được coi là một nguyên tắc để bảo đảm Nhà nước là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân và mang bản chất giai cấp công nhân. Đảng cầm quyền phải xây dựng chính quyền thật sự trong sạch, vững mạnh.

Một chức năng quan trọng của Đảng cầm quyền là lãnh đạo Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội. Sự nghiệp cách mạng không phải là sự nghiệp của vài người, của vài cá nhân nào mà là sự nghiệp của toàn dân, có tổ chức được tập hợp trong Mặt trận. Tổ chức Mặt trận là tổ chức liên minh chính trị, là tổ chức tự nguyện của các đoàn thể, các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp và tầng lớp xã hội, các dân tộc, tôn giáo. Với tư cách là tổ chức chính trị cầm quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam nêu ra đường lối, chủ trương và vận dụng, thuyết phục các tổ chức chính trị - xã hội tham gia các phong trào cách mạng, biến chủ trương, đường lối thành hiện thực.

Đảng lãnh đạo toàn xã hội bằng việc xác định đường lối xây dựng và bảo vệ đất nước; bằng việc tổ chức, triển khai thực hiện đường lối, chủ trương đưa đất nước phát triển, kết hợp độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Đảng lãnh đạo toàn xã hội bằng hệ thống tổ chức của mình trong hệ thống chính trị và bằng hành động thực tế tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên.

Quyền lực của Đảng không tự nhiên mà có. Quyền lực ấy là của nhân dân, ủy thác cho Đảng đứng ra lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội, đạt mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Cơ sở xã hội của Đảng không chỉ là giai cấp công nhân mà còn là toàn thể nhân dân lao động. Trong giai đoạn cầm quyền, các tổ chức đảng đóng vai trò lãnh đạo một cách toàn diện; cán bộ, đảng viên thường giữ chức vụ trong Đảng hoặc trong các tổ chức khác của hệ thống chính trị.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên chớ xa dân, chớ “vác mặt quan cách mạng” để làm hại dân. Trong quan hệ với dân, Đảng phải chú ý lắng nghe ý kiến của nhân dân, khiêm tốn học hỏi nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân để xây dựng chế độ mới. Đảng phải thường xuyên vận động nhân dân tham gia xây dựng Đảng. Đây là đòi hỏi sống còn của công tác xây dựng Đảng trong điều kiện xây dựng đất nước. Đảng không được theo đuôi quần chúng mà phải thường xuyên tuyên truyền giác ngộ quần chúng, làm cho nhân dân giác ngộ cách mạng, sẵn sàng đem sức mình thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng. Đảng phải xác định rõ trách nhiệm của mình: vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam có ý nghĩa rất lớn đối với sự nghiệp cách mạng nước ta. Những quan điểm của Người vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp đổi mới nói chung, với việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói riêng. Biểu hiện rõ nhất là Đảng luôn đổi mới phương thức lãnh đạo của mình đối với Nhà nước và các đoàn thể để vừa bảo đảm được sự lãnh đạo của Đảng cầm quyền trong hệ thống chính trị, vừa phát huy được vai trò quản lý của Nhà nước, quyền làm chủ của nhân dân.

Đặc biệt, Đảng đã đề ra được đường lối đúng đắn và tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối đó. Đường lối của Đảng dựa trên cơ sở những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời còn dựa trên cơ sở thực tiễn của đất nước trong từng thời kỳ và phải có khả năng thực thi. Tình hình thực tế luôn vô cùng phong phú, nhất là trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi Đảng ta phải luôn tổng kết để hoạch định đường lối một cách đúng đắn. Bằng hành động thực tế, Đảng ngày càng thể hiện vai trò cực kỳ quan trọng trong đời sống xã hội, đó là càng trong cơ chế thị trường, càng cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng. Bởi vì, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Tường Mạnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.