Multimedia Đọc Báo in

Những "điểm tựa" của buôn làng

08:01, 28/12/2022

Phát huy vai trò trong cộng đồng, tích cực tham gia các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện chính sách dân tộc ở địa phương, đội ngũ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã trở thành “điểm tựa” vững chắc của buôn làng.

 thôn Cư Blang (xã Pơng Drang, huyện Krông Búk) già làng Y Hai Ayun là người có uy tín. Mọi việc trong thôn đều được già gương mẫu đi đầu, làm để dân tin, nói dân hiểu và nghe theo.

Già Y Hai chia sẻ: Trước đây, do tập quán canh tác lạc hậu nên năng suất cây trồng của người dân trong thôn không hiệu quả. Năm 2010, già Y Hai mạnh dạn mua giống tiêu, sầu riêng, bơ về trồng xen trong 2 ha cà phê và lắp đặt hệ thống tưới tự động trong rẫy. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên từ năm 2014 đến nay, năng suất cây trồng dần được cải thiện, mỗi năm gia đình ông có dư khoảng 200 triệu đồng.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, già Y Hai còn tuyên truyền vận người dân trong thôn thay đổi tập quán canh tác; chia sẻ kinh nghiệm để mọi người cùng thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Học theo già làng, đến nay các hộ trong thôn đều áp dụng cách trồng xen các giống cây trồng có năng suất, giá trị trong rẫy cà phê. Nếu như năm 2017, toàn thôn có 40 hộ nghèo thì nay còn 8 hộ...

Già làng Y Hai Ayun, người có uy tín ở thôn Cư Blang (xã Pơng Drang, huyện Krông Búk) kiểm tra vườn tiêu của gia đình.

Dẫn chúng tôi đi trên con đường bê tông sạch đẹp, ông Y Bhem Knul - người có uy tín của buôn Jắt B (xã Ea Hiu, huyện Krông Pắc) phấn khởi nói: Bây giờ, buôn Jắt B đã khác nhiều rồi, đường bê tông sạch đẹp, điện kéo về từng nhà, đời sống người dân khởi sắc từng ngày. Nhớ lại những ngày đầu triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều người còn e ngại, chần chừ và có tư tưởng trông chờ Nhà nước. Nắm bắt được tâm lý đó, ông Y Bhem đã cùng với các đảng viên, ban tự quản và hội viên đoàn thể trong buôn đến từng nhà dân để vận động, phân tích giúp người dân hiểu về lợi ích thiết thực từ việc làm đường. Mặt khác, gia đình ông cũng tự nguyện hiến 500 m2 đất để xây nhà văn hóa cộng đồng buôn. Thấy vậy, người dân đã đồng tình hiến đất và ngày công để bê tông hóa hầu hết các tuyến đường trong buôn.

Nhiều năm nay, ông Y Tuyên Bkrông - người có uy tín của buôn Drai H’ling (xã Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) đã phát huy vai trò gương mẫu, đầu tàu trong tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Hằng ngày, ngoài việc nương rẫy, chăm lo cuộc sống gia đình, ông Y Tuyên còn tranh thủ cùng với các thành viên trong tổ dân vận, ban tự quản buôn đến từng hộ dân để trò chuyện, khéo léo lồng ghép việc tuyên truyền, vận động để người dân đề cao cảnh giác, không nghe theo những âm mưu, thủ đoạn của kẻ xấu lôi kéo, gây rối an ninh trật tự; động viên lớp trẻ thực hiện nếp sống văn minh, không uống rượu, bia, gây gổ đánh nhau... Nhờ vào uy tín và sự nhiệt tình của ông Y Tuyên, nhiều năm qua buôn Drai H’ling không có người nghiện ma túy; an ninh trật tự luôn ổn định; người dân cùng đoàn kết, gắn bó xây dựng buôn làng ngày một giàu đẹp.

Ông Y Tuyên Bkrông ở buôn Drai H’ling (xã Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) không chỉ có uy tín trong công tác xã hội mà còn làm kinh tế giỏi.

Theo Ban Dân tộc tỉnh, toàn tỉnh hiện có 942 người có uy tín trong đồng bào DTTS được UBND tỉnh công nhận. Đây được xem là lực lượng nòng cốt, “cánh tay nối dài” của chính quyền các cấp và ngành chức năng đến với nhân dân trong phát triển kinh tế, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống… Người có uy tín trong tỉnh luôn có ý thức, trách nhiệm xây dựng cộng đồng, là "cầu nối" quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với người dân địa phương. Qua đó, góp phần củng cố niềm tin của đồng bào DTTS đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của địa phương.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.