Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng con người thực sự có văn hóa, phát triển toàn diện

08:46, 06/12/2022

Đại hội XIII của Đảng đã xác định một trong các nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam.

Trong đó, việc tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới là nhiệm vụ có vai trò đặc biệt quan trọng.

Mới đây, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Trên công trình điện gió Ea Nam (huyện Ea Hleo). Ảnh minh họa: Hữu Nguyên
Trên công trình điện gió Ea Nam (huyện Ea H'leo). Ảnh minh họa: Hữu Nguyên

Hội thảo đã tập trung làm sâu sắc hơn vai trò của từng hệ giá trị và mối quan hệ biện chứng giữa các giá trị trong xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Trong đó, nhấn mạnh lấy chuẩn mực xây dựng con người là trung tâm, hệ giá trị gia đình là cơ bản; hệ giá trị văn hóa là nền tảng; hệ giá trị quốc gia - dân tộc là mục tiêu cao cả, chi phối các hệ giá trị khác.

Có thể nói, với sự lãnh đạo của Đảng, một lối sống văn hóa và một nền đạo đức của lối sống mới ở nước ta đang trong quá trình hình thành, có sự biến đổi rất mạnh mẽ, với những biểu hiện tích cực rõ nét. Đó là nhiều nét mới trong các giá trị, chuẩn mực đạo đức được hình thành theo xu hướng ngày càng nhân văn, nhân bản hơn. Sự quan tâm của xã hội đến con người ngày càng trực tiếp, đích thực hơn, với mục đích vì tất cả hạnh phúc của nhân dân. Tinh thần yêu nước, tính tích cực công dân, năng động cá nhân được phát huy, không khí dân chủ được mở rộng, tăng lên. Những hoạt động hướng thiện trở thành những phong trào chung của xã hội như hướng về cội nguồn dân tộc, lịch sử cách mạng, đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo… và được xã hội đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ. Nhân dân ta có truyền thống đạo đức và lối sống tốt đẹp nên đã tích cực tham gia vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền văn hóa và lối sống mới vì hạnh phúc của cá nhân, cộng đồng.

Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận là đã xuất hiện nhiều vấn đề nổi cộm và hết sức phức tạp trong thực tiễn văn hóa đạo đức và lối sống hiện nay. Đó là tệ sùng bái nước ngoài, coi thường giá trị văn hóa dân tộc, chạy theo lối sống thực dụng, cá nhân vị kỷ… đang gây phương hại đến thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Không ít trường hợp vì đồng tiền, danh vị mà chà đạp lên tình nghĩa gia đình, quan hệ thầy trò, đồng chí, đồng nghiệp. Nghiêm trọng hơn là sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Nạn tham nhũng, lãng phí chưa được ngăn chặn, đẩy lùi hiệu quả. Tệ quan liêu, cửa quyền, sách nhiễu nhân dân, kèn cựa địa vị, cục bộ địa phương, bè phái, mất đoàn kết diễn ra khá phổ biến.

Đảng ta cũng đã nhận định, điều làm cho nhân dân còn nhiều bất bình, lo lắng, bức xúc nhất hiện nay là tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Kỷ cương phép nước trong nhiều việc, nhiều lúc chưa nghiêm, không đủ sức răn đe, tạo ra cách hành xử theo kiểu “nhờn luật”…

Vì vậy, việc xây dựng các hệ giá trị không phải là điều gì cao xa, trừu tượng mà trước hết cần phải hướng vào việc xây dựng con người Việt Nam thực sự có văn hóa, phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực, sáng tạo, có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái, khoan dung, tôn trọng tình nghĩa, quan hệ hài hòa trong gia đình và xã hội. Việc bồi dưỡng, giáo dục cần tránh hình thức, hô hào chung chung mà phải làm sao để mỗi người dân không chỉ tôn trọng mà còn phải tự hào với những truyền thống của dân tộc, của cha ông, gia đình, tạo nên phẩm chất thế hệ mới.

Giá trị tinh thần truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc cũng phải được vận động để thích ứng với xã hội, cuộc sống, bổ sung những phẩm chất tinh thần mới, hướng vào nhiệm vụ mới của dân tộc. Văn hóa cổ truyền có nhiều cái hay, cái đẹp đồng thời cũng có không ít cái lạc hậu, bảo thủ. Do đó, những thiếu hụt trong nền văn hóa cổ truyền cũng cần được bù đắp cho phù hợp với đời sống, tinh thần thời đại mới, nhưng phải loại bỏ những yếu tố bảo thủ, lạc hậu. Bên cạnh tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, của các quốc gia khác thì chúng ta cũng cần phải chống lại các ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài vào văn hóa dân tộc hiện nay.

Vấn đề đạo đức, lối sống và nhân cách đang là mối quan tâm chung của toàn nhân loại trong thời đại ngày nay. Ở nước ta, đây cũng là vấn đề cấp thiết đang đặt ra trước toàn Đảng và xã hội, có liên quan đến vận mệnh chế độ và sự phát triển của đất nước. Vì vậy, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách là nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tường Mạnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.