Multimedia Đọc Báo in

Đảng bộ, quân dân Đắk Lắk đánh thắng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”

08:14, 13/01/2023

Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ là từng bước rút quân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, giữ nguyên chính quyền ngụy, tiến hành đồng thời chiến tranh giành dân, bóp nghẹt và hủy diệt, thực hiện chính sách ngoại giao xảo quyệt để chống phá cách mạng Việt Nam.

Theo đó, đế quốc Mỹ huy động hàng vạn quân ngụy Sài Gòn mở cuộc tấn công sang Campuchia, nhằm cắt đứt con đường hậu cần của ta trên hướng Campuchia chi viện cho chiến trường miền Nam.

Hưởng ứng lời kêu gọi “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đoàn kết một lòng, cùng nhau quyết tâm kháng chiến chống Mỹ xâm lược. Trong cuộc kháng chiến ấy, có sự đóng góp về sức người, sức của của quân dân và đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk.

Ngày 29/10/1969, trên chiến trường Nam Tây Nguyên, bộ đội chủ lực nổ súng tấn công cứ điểm Kate, mở màn cho chiến dịch Bu Prăng - Đức Lập. Đây là trận đánh công sự vững chắc đầu tiên của bộ đội chủ lực ta trên chiến trường Tây Nguyên. Sau khi san bằng căn cứ Kate, bộ binh, pháo binh và lực lượng tinh nhuệ của ta tiến công dồn dập vào hàng loạt vị trí còn lại của địch suốt từ Bu Prăng đến Đức Lập, chặn đánh một đoàn xe địch chở quân từ Buôn Ma Thuột đến giải tỏa cho Đức Lập tại phía nam cầu Sêrêpốk, gây cho chúng nhiều thiệt hại nặng nề.

Lực lượng xe tăng của Mặt trận Tây Nguyên tham gia chiến dịch năm 1972.

Bước vào xuân - hè năm 1971, trên chiến trường toàn miền, bộ đội Việt Nam phối hợp với nhân dân Lào đã đập tan cuộc hành quân mang tên “Lam Sơn – 719” chiếm giữ Đường 9 - Nam Lào của 4,5 vạn quân Mỹ và quân đội Sài Gòn, giữ vững hành lang chiến lược cách mạng Đông Dương. Do vậy, Mỹ - ngụy điên cuồng tìm mọi cách chống phá cách mạng. Ở miền núi, địch tổ chức nhiều cuộc hành quân quy mô lớn với lực lượng hỗn hợp quân Mỹ ngụy, Nam Triều Tiên, có sự hỗ trợ của các loại máy bay, kể cả máy bay chiến lược B-52, thả bom bi, bom phá, bom hơi độc, hóa chất độc gây căng thẳng trong vùng căn cứ.

Năm 1971, mặt trận Tây Nguyên đưa các trung đoàn chủ lực đến Đắk Lắk để hoạt động phối hợp với chiến trường Bắc Tây Nguyên. Để phối hợp chiến trường chung, tỉnh Đắk Lắk mở đợt hoạt động xuân - hè (mật danh là B81) giành thắng lợi. Tháng 10/1971, Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ V được triệu tập tại buôn Ngô, vùng căn cứ phía Nam của tỉnh bàn phương hướng, nhiệm vụ chống “Việt Nam hóa chiến tranh”, chống bình định lấn chiếm và chuẩn bị cho đợt hoạt động năm 1972.

Cuối năm 1971, Thường vụ Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 quyết định chuẩn bị cho cao trào tấn công và nổi dậy năm 1972. Tháng 11/1971, Tỉnh ủy Đắk Lắk họp bàn kế hoạch chuẩn bị phối hợp với chiến trường chung, mở các đợt tấn công nổi dậy ở địa phương, tập trung vào hai trọng điểm ở đông Cheo Reo dọc đường số 7 và ở Buôn Hồ, H5 và bắc thị xã. Theo đó, nhiều đoàn cán bộ của tỉnh được phái về các huyện giáo dục, phát động quần chúng chuẩn bị cho các đợt hoạt động. Tỉnh đội mở các lớp tập huấn ngắn ngày cho cán bộ huyện đội, xã đội, chuẩn bị mở chiến tranh du kích trên toàn địa bàn tỉnh. Nhưng khó khăn của tỉnh lúc này là lương thực và vũ khí, đạn dược thiếu, đường hành lang vận chuyển từ B3 về thường bị địch đánh phá, ngăn chặn. Do đó, Tỉnh ủy vừa động viên đẩy mạnh phong trào sản xuất, đảm bảo vừa phục vụ đời sống và kháng chiến.

Lễ ký Hiệp định Paris ngày 27/1/1973 tại Trung tâm các hội nghị quốc tế ở thủ đô Paris, Pháp.

Ngày 24/3/1972, Đắk Lắk nổ súng mở màn đợt hoạt động xuân - hè, bộ đội tỉnh cùng với bộ đội huyện diệt chốt dân vệ ở ấp Đức An, phá kích vào chốt bảo an ở Cà Lui, vây ép địch ở hai ấp Đức An, Đức Lộc, phát động quần chúng, đưa 400 dân trở về làng cũ ở bờ nam sông Ba. Địch đưa hai liên đội bảo an từ Cẩm Ga và Cheo Reo xuống phản kích giải tỏa. Ngày 2/4/1972, lực lượng tỉnh đánh địch ở khu vực Marôk phá ấp giành dân ở khu vực này. Cuộc tranh chấp giành dân giữa ta và địch diễn ra rất quyết liệt, trong 10 ngày đầu của đợt phát động, ta mở ra được 5 ấp nhưng địch đã lấn chiếm lại 3 ấp.

Kết thúc đợt hoạt động xuân - hè 1972, ở trọng điểm phía Bắc, lực lượng vũ trang Đắk Lắk đã loại khỏi vòng chiến đấu trên 1.800 tên địch, buộc địch rút bỏ 7 điểm chốt, thu 145 khẩu súng. Ở phía nam, bộ đội tỉnh cùng với bộ đội xung kích thị xã đánh vào thị xã Buôn Ma Thuột và vùng ven diệt một số địch; ta còn pháo kích vào quận lỵ Buôn Hồ, đánh địch ở Buôn Đôn, Ea Súp, du kích bám đánh địch liên tục trên đường 21. Ở Bắc Tây Nguyên, quân chủ lực đánh diệt địch ở Đắk Tô - Tân Cảnh, giải phóng bắc Kon Tum với trên 25.000 dân. Trên các chiến trường khu 5 từ Quảng Nam đến Bình Định, đẩy mạnh tiêu diệt địch, giành dân, mở rộng vùng giải phóng.

Với khí thế tiến công, ngày 30/3/1972, ta mở cuộc tiến công chiến lược đánh vào Quảng Trị, lấy Quảng Trị làm hướng tiến công chủ yếu, rồi phát triển rộng khắp chiến trường miền Nam. Chọc thủng ba phòng tuyến mạnh nhất của địch là Quảng Trị, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ. Sự kiện này giáng một đòn nặng nề vào chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, buộc Mỹ phải tuyên bố “Mỹ hóa” trở lại chiến tranh xâm lược (thừa nhận thất bại của chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh").

Tháng 7/1972, bộ đội tỉnh mở đợt tấn công. Lực lượng của tỉnh cùng với bộ đội H4, H5 tấn công địch ở Buôn Hồ, đánh giao thông trên đường 14, 21 và đường số 8. Kết thúc năm 1972, qua hai đợt tấn công xuân - hè và thu, quân và dân Đắk Lắk đánh 620 trận, tiêu diệt trên 2.000 tên địch, diệt 3 trung đội, đánh thiệt hại 9 đại đội, đánh phá 145 xe quân sự.

Trong những năm tháng chống chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ, quân và dân Đắk Lắk đã vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, cùng với quân và dân miền Nam liên tục tấn công địch, chống phá kế hoạch bình định của địch, giữ vững và phát triển phong trào, góp phần làm thất bại chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của Mỹ. Những thắng lợi to lớn của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam từ năm 1969 - 1972 cùng với thắng lợi của trận “Điện Biên Phủ trên không” ở miền Bắc đã buộc đế quốc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam, rút hết quân Mỹ và chư hầu về nước, chấm dứt sự dính líu về quân sự và can thiệp vào nội bộ miền Nam Việt Nam, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân ta tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Cẩm Trang


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.