Trả lời kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV
LTS: Trước Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tổ chức để ĐBQH tiếp xúc cử tri, tổng hợp nội dung kiến nghị của cử tri, báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để báo cáo tại kỳ họp Quốc hội theo quy định; đồng thời chuyển đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét, giải quyết và trả lời cử tri. Theo đó, những nội dung kiến nghị của cử tri tỉnh Đắk Lắk trước Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV đã được các bộ, ban, ngành Trung ương xem xét, giải quyết. Báo Đắk Lắk xin giới thiệu trích lược nội dung trả lời kiến nghị của cử tri.
Lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT)
1. Cử tri kiến nghị, hiện nay tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm vẫn thường xuyên xảy ra trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk như: Bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) và bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò gây thiệt hại rất lớn cho người chăn nuôi và kinh phí chống dịch của Nhà nước. Tuy nhiên, về cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi có động vật bị mắc bệnh buộc phải tiêu hủy và kinh phí hỗ trợ cho lực lượng tham gia công tác phòng, chống dịch (đối với bệnh DTLCP) vẫn chưa được Chính phủ ban hành. Đề nghị xem xét, hướng dẫn cụ thể bằng văn bản để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện.
Bộ NN-PTNT trả lời: Từ cuối năm 2021 đến nay, Bộ NN-PTNT đã có nhiều văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề nghị Bộ Tài chính xem xét đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ thiệt hại do bệnh DTLCP và bệnh VDNC, trong đó có một số văn bản như sau:
- Ngày 8/6/2022, Bộ NN-PTNT ban hành công văn số 3646/BNN-TY gửi Bộ Tài chính về việc đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ thiệt hại do bệnh DTLCP và bệnh VDNC.
- Ngày 25/7/2022, Bộ Tài chính có công văn số 7217/BTC-NSNN thống nhất với đề nghị Bộ NN-PTNT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép áp dụng cơ chế, chính sách hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh tại Nghị định số 2/2017/NĐ-CP, ngày 1/1/2017 của Chính phủ để hỗ trợ cho người chăn nuôi có lợn phải tiêu hủy bắt buộc do mắc bệnh DTLCP và trâu, bò phải tiêu hủy do mắc bệnh VDNC trong năm 2021 và năm 2022.
- Ngày 3/8/2022, trên cơ sở ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ NN-PTNT đã ban hành công văn số 5064/BNN-TY báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ thiệt hại do bệnh DTLCP và VDNC.
- Ngày 31/10/2022, Bộ NN-PTNT tiếp tục có công văn số 7262/BNN-TY báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật.
- Ngày 10/12/2022, Văn phòng Chính phủ đã ban hành công văn số 8312/VPCP-NN về việc đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật để lấy ý kiến các Bộ: Tư pháp, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư.
Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT sẽ có văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ các hộ sản xuất có gia súc bị tiêu hủy bắt buộc do mắc bệnh DTLCP, bệnh VDNC và các bệnh khác (nếu có), đảm bảo thống nhất khi tổ chức thực hiện chính sách trên phạm vi cả nước.
Công trình Hồ chứa nước Ea H’leo 1 sắp được đưa vào sử dụng phục vụ nhu cầu nước tưới cho vùng dự án trên địa bàn huyện Ea H'leo. Ảnh minh họa: Minh Thuận |
2. Cử tri đề nghị Bộ NN-PTNT và các bộ, ngành Trung ương quan tâm đầu tư kinh phí cho tỉnh Đắk lắk xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa, công trình thủy lợi bị hư hỏng để đáp ứng nguồn nước phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân. Đắk Lắk là tỉnh miền núi, nguồn ngân sách của tỉnh còn khó khăn nên việc đầu tư kinh phí để sửa chữa các công trình thủy lợi bị hư hỏng rất hạn chế và không kịp thời.
Bộ NN-PTNT trả lời: Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 855 công trình thủy lợi, phục vụ tưới cho 92.400 ha đất nông nghiệp. Thời gian qua, các công trình thủy lợi đã phát huy hiệu quả phục vụ đa mục tiêu (cung cấp nguồn nước phục vụ phát triển, dân sinh và cắt giảm lũ cho hạ du…). Trải qua thời gian dài sử dụng, nhiều công trình thủy lợi đã bị hư hỏng, xuống cấp.
Trong những năm qua, Chính phủ đã quan tâm hỗ trợ địa phương đầu tư xây dựng mới, sửa chữa nâng cấp nhiều công trình thủy lợi với tổng kinh phí 6.471 tỷ đồng: Xây dựng mới hồ Ea H’leo (518 tỷ đồng), hồ Krông Pách thượng (4.431 tỷ đồng), hệ thống kênh hồ Ia Mơr giai đoạn 2 (1.058 tỷ đồng); sửa chữa, nâng cấp 28 hồ chứa bị hư hỏng, kinh phí 464 tỷ đồng (451 tỷ đồng cho 25 hồ trong dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8), 13 tỷ đồng cho 3 hồ hỗ trợ cấp bách năm 2019).
Ngoài ra, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025, Chính phủ tiếp tục hỗ trợ Đắk Lắk 2.370 tỷ đồng đầu tư: Hoàn thiện hệ thống kênh hồ Krông Pách thượng phục vụ tưới cho khoảng 11.000 ha đất nông nghiệp, tổng mức đầu tư dự kiến 1.120 tỷ đồng; hệ thống kênh hồ Ea H’leo phục vụ tưới cho 5.000 ha, tổng mức đầu tư dự kiến 640 tỷ đồng; hồ Ea Khal phục vụ tưới cho 7.200 ha, tổng mức đầu tư dự kiến 610 tỷ đồng.
Hệ thống kênh ở khu vực hạ du hồ chứa Krông Búk hạ (huyện Krông Pắc) bị bồi lắng, ảnh hưởng đến dòng chảy. Ảnh minh họa: Minh Thuận |
Bên cạnh đó, theo đề xuất của UBND tỉnh Đắk Lắk, Bộ NN-PTNT đã có văn bản số 948/BNN-KH ngày 17/2/2022 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý (tại văn bản số 450/TTg-KTTH ngày 20/5/2022) hỗ trợ tỉnh Đắk Lắk 123 tỷ đồng để sửa chữa nâng cấp 8 hồ chứa trong khuôn khổ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Đề nghị Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk sớm có ý kiến với UBND tỉnh: Chỉ đạo sử dụng kinh phí của dự án WB8, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để khẩn trương sửa chữa, nâng cấp các công trình hư hỏng, xuống cấp, phát huy hiệu quả đầu tư; phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ trong việc đầu tư xây dựng mới các công trình. Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục chỉ đạo rà soát, tổng hợp đề xuất để hỗ trợ địa phương khi có các nguồn vốn phù hợp.
(Còn nữa)
Lan Anh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc