Multimedia Đọc Báo in

Trả lời kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV (tiếp theo và hết)

08:20, 16/02/2023

Lĩnh vực an ninh – trật tự

1. Cử tri kiến nghị, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 1.467 hộ, 6.896 nhân khẩu là dân di cư tự do chưa đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú bởi chưa có chỗ ở hợp pháp do làm nhà, sinh sống trên đất rừng, đất lâm nghiệp, đất sang nhượng trái phép… Đề nghị Chính phủ quan tâm hướng dẫn thủ tục pháp lý, giúp họ có đủ điều kiện về chỗ ở hợp pháp để đăng ký thường trú ổn định cuộc sống.

Bộ Công an trả lời: Vấn đề dân di cư tự do tại khu vực Tây Nguyên nói chung và trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng là vấn đề đã được Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các địa phương tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để giải quyết trong những năm qua. Để giải quyết vấn đề trên, Bộ Công an đã và đang thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Nghiên cứu xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật để phát huy quyền tự do cư trú cũng như thực hiện có hiệu quả công tác đăng ký quản lý cư trú, theo đó đã trình Quốc hội ban hành Luật Cư trú năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 62/2001/NĐ-CP, ngày 29/6/2021 quy định chi tiết thi thành một số điều của Luật Cư trú.

Thực hiện Nghị quyết số 22/NQ-CP, ngày 1/3/2020 của Chính phủ về ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường, Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch 273/KH-BCA, ngày 2/7/2020 triển khai thực hiện theo chức năng của lực lượng Công an nhân dân, trong đó có việc rà soát, cấp các giấy tờ xác nhận nơi cư trú và căn cước cho công dân. Công an các địa phương căn cứ danh sách người dân di cư tự do, tiến hành phân loại và tiến hành thu thập thông tin, bổ sung vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trường hợp đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú tại nơi đăng ký cư trú (nơi ở hiện tại) thì thực hiện đăng ký thường trú, tạm trú theo quy định của pháp luật. Khi công dân có thông tin đầy đủ, chính xác trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định của Luật Căn cước công dân, lực lượng công an cơ sở tiến hành ngay việc thu thập hồ sơ, cấp và trả ngay thẻ căn cước công dân để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân trong sinh hoạt, thực hiện thủ tục hành chính và các giao dịch dân sự khác.

Chỉ đạo ban hành các quy định, hướng dẫn xác định rõ trách nhiệm và tăng cường sự phối hợp giữa công an các địa phương với nhau trong công tác xác minh, trả lời xác minh thông tin cư trú để xác định nguồn gốc của công dân. Việc xác minh, trả lời xác minh thông tin cư trú đã được thực hiện qua hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm nhanh chóng, thuận tiện.

Bộ Công an đã kiến nghị Bộ Tư pháp chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy khai sinh cho công dân, tạo điều kiện cho công dân đăng ký cư trú, khai báo thông tin về cư trú, khai báo thông tin về nơi ở hiện nay, từ đó được cấp các loại giấy tờ tùy thân; nghiên cứu có cơ chế mở đối với nhóm người không có giấy tờ tùy thân bằng đơn cam đoan thay cho các giấy tờ theo quy định, kết hợp với tra cứu, đối chiếu với các cơ sở dữ liệu có liên quan để giải quyết về hộ tịch, cư trú cho công dân, bảo đảm yêu cầu chính trị, pháp luật.

Trong thời gian tới, khi tiến hành sửa đổi Luật Căn cước công dân 2014, Bộ Công an sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tạo điều kiện đăng ký cư trú, cấp căn cước công dân cho số công dân di cư tự do đang gặp khó khăn, vướng mắc hiện nay.

Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh lấy dấu vân tay người dân làm thẻ căn cước công dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh minh họa: L. Anh

2.Cử tri đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh hoàn thiện hệ sinh thái, bổ sung, làm giàu dữ liệu dân cư và kết nối, khai thác, sử dụng hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong việc hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trung hạn, dài hạn và giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến của địa phương để xây dựng chính quyền điện tử, kinh tế số, xã hội số.

Bộ Công an trả lời: Thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chính thức với 12 đơn vị bộ, ngành, 1 doanh nghiệp nhà nước (EVN), 3 doanh nghiệp viễn thông và 24 địa phương; đã tra cứu, xác thực thông tin phục vụ làm sạch dữ liệu cho các đơn vị và làm giàu dữ liệu dân cư (đã đồng bộ thông tin bảo hiểm xã hội của hơn 27 triệu công dân; đồng bộ mũi tiêm của hơn 102 triệu công dân…). Giải quyết thủ tục hành chính, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tự động điền thông tin lên form kê khai của 24 địa phương khi thực hiện dịch vụ công. Hoàn thành việc làm sạch thông tin thuê bao di động của 3 nhà mạng viễn thông: Viettel, Mobifone, Vianaphone với 66,9 triệu yêu cầu đối sánh. Nhập thông tin quản lý hội viên trên toàn quốc: Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, trong thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tham mưu Chính phủ đẩy mạnh hoàn thiện hệ sinh thái, bổ sung, làm giàu dữ liệu dân cư và kết nối, khai thác, sử dụng hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong việc hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ đảm bảo an ninh quốc phòng và giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

(*Xem từ số báo ra ngày 13/2/2023)

Lan Anh (tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.