Multimedia Đọc Báo in

Trả lời kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV (tiếp theo 1)

08:16, 14/02/2023

Lĩnh vực nội vụ

1. Cử tri kiến nghị, việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy gắn với tinh giản biên chế viên chức giai đoạn 2015 – 2021 các đơn vị cơ bản hoàn thành chỉ tiêu quy định và đang tổ chức triển khai kế hoạch tinh giản biên chế giai đoạn 2022 – 2026, đề nghị Bộ Nội vụ quan tâm và sớm thực hiện các chính sách cải cách tiền lương đối với viên chức, người lao động để đảm bảo cuộc sống và yên tâm công tác.

Bộ Nội vụ trả lời: Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 21/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7, khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp “triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII và các đề án đổi mới, cải cách trong các ngành, lĩnh vực có liên quan là công việc rất quan trọng để cải cách chính sách tiền lương một cách đồng bộ”.

Theo đó, căn cứ vào kết quả sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước; đồng thời căn cứ vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và các năm sau, giai đoạn sau khi triển khai thực hiện tăng mức lương cơ sở từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.800.000 đồng/tháng (thực hiện từ ngày 1/7/2023), Bộ Nội vụ sẽ chủ động phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu hoàn thiện các nội dung cụ thể của chính sách tiền lương và phụ cấp mới trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định thực hiện vào thời điểm thích hợp, bảo đảm theo yêu cầu của Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7, khóa XII về cải cách chính sách tiền lương, Kết luận số 42-KL/TW, ngày 20/20/2022 của Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII và Nghị quyết số 69/2022/QH15 của Quốc hội.

Các đại biểu và thí sinh tham dự khai mạc Kỳ thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Duy Tiến

2. Cử tri đề nghị Bộ Nội vụ hướng dẫn quy trình, thủ tục và điều kiện về xét nâng ngạch công chức và xét thăng hạng đặc cách đối với trường hợp được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo gắn với yêu cầu của vị trí việc làm.

Bộ Nội vụ trả lời: Về xét nâng ngạch công chức: Điều 38 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP quy định về xét nâng ngạch đối với hai trường hợp, cụ thể: (1) có thành tích xuất sắc trong hoạt động công vụ trong thời gian giữ ngạch công chức hiện giữ, được cấp có thẩm quyền công nhận và (2) được bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo, quản lý gắn với yêu cầu của vị trí việc làm. Đối với trường hợp thứ nhất, Khoản 2 Điều 38 đã quy định cụ thể yêu cầu về thành tích xuất sắc để được xét nâng từ ngạch đang giữ lên ngạch cao hơn liền kề. Đối với trường hợp thứ hai, hiện nay Bộ Nội vụ đang trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định về tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan hành chính để có đủ căn cứ xem xét việc nâng ngạch tương ứng với chức vụ, chức danh. Về trình tự, thủ tục, thẩm quyền xét nâng ngạch đối với cả hai trường hợp thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 38 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP.

Về xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức: Điều 41 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP quy định về xét thăng hạng đặc cách chức năng nghề nghiệp đối với viên chức, cụ thể: Viên chức đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 32 Nghị định này được xét thăng hạng đặc cách vào hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn khi được công nhận, bổ nhiệm chức danh có yêu cầu về hạng giữ chức danh nghề nghiệp cao hơn chức danh nghề nghiệp hiện giữ theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Hiện nay, việc xét thăng hạng đối với chức danh nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 141/2013/NĐ-CP; đối với chức danh nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 40/2014/NĐ-CP. Về trình tự, thủ tục và thẩm quyền xét thăng hạng đặc cách thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 41 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP.

3. Cử tri đề nghị Bộ Nội vụ hướng dẫn để các địa phương thực hiện thống nhất quy định về thời gian làm việc, cấp có thẩm quyền tiếp nhận vào làm việc, hình thức tiếp nhận vào làm việc và việc xử lý kỷ luật đối với người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở.

Bộ Nội vụ trả lời: Bộ Nội vụ đang tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của Bộ, ngành, địa phương và cử tri (trong đó có cử tri tỉnh Đắk Lắk) để trình cấp có thẩm quyền xem xét việc tiếp tục hoàn thiện thể chế về số lượng và chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố cho phù hợp. Vì vậy, Bộ Nội vụ ghi nhận kiến nghị của cử tri để tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền khi sửa đổi, bổ sung các quy định về người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.

(Còn nữa)

Lan Anh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc