Kiên định độc lập, tự chủ trong chính sách đối ngoại, hội nhập quốc tế
Độc lập, tự chủ là khả năng của quốc gia trong việc bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia và thực hiện quyền tự quyết lựa chọn chế độ chính trị, con đường, mô hình phát triển, về các chính sách đối nội, đối ngoại của mình, không bị sự thống trị, áp đặt, lệ thuộc, chi phối, thao túng từ bên ngoài.
Độc lập, tự chủ được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội như chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... của đất nước. Độc lập, tự chủ là mục tiêu cao nhất của cách mạng Việt Nam, là căn cứ quan trọng nhất để hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại của nước ta.
Tuy nhiên, thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động chống phá đường lối đối ngoại của Việt Nam với nhiều những luận điệu xuyên tạc, cho rằng chính sách đối ngoại giữ vững độc lập, tự chủ trong hội nhập quốc tế chỉ là “lý thuyết viển vông, phi thực tế”; không thể có độc lập, tự chủ trong hội nhập quốc tế vì “đã độc lập, tự chủ thì không thể hội nhập quốc tế và ngược lại, đã hội nhập quốc tế thì không thể có độc lập, tự chủ”. Họ cho rằng, thể chế chính trị của Việt Nam là khác biệt, không phù hợp với chuẩn mực chung của quốc tế; với một Đảng duy nhất cầm quyền càng không thể hội nhập quốc tế!
Cần khẳng định rằng, độc lập, tự chủ trong hội nhập quốc tế là một nội dung quan trọng trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, được quán triệt, vận dụng vào đường lối, chủ trương đối ngoại của Đảng, vào thực tiễn hoạt động ngoại giao Việt Nam và đã đạt được những thành tựu to lớn cả trong sự nghiệp đấu tranh giành và bảo vệ nền độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và trong thời kỳ đổi mới.
Đại diện chính quyền hai tỉnh Đắk Lắk và Jeollabuk (Hàn Quốc) ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2023 - 2027. Ảnh minh họa: Hồng Thúy |
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, độc lập tự chủ, tự lực tự cường gắn liền với đoàn kết, hợp tác quốc tế: “Độc lập nghĩa là chúng tôi điều khiển lấy mọi công việc của chúng tôi, không có sự can thiệp ở ngoài vào”. Song, độc lập, tự chủ không có nghĩa là khép kín mà có mối liên hệ hữu cơ với đoàn kết và hợp tác quốc tế. Theo đó, Người chủ trương quan hệ tốt với tất cả các nước, trong đó, ưu tiên thúc đẩy quan hệ tốt với các nước láng giềng, các nước trong khu vực và các nước lớn. Trong quan hệ với các nước lớn, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện sự nhạy bén, giữ vững các nguyên tắc bất biến là độc lập, tự chủ, quan hệ hữu nghị, song mềm dẻo và linh hoạt về sách lược theo tinh thần “dĩ bất biến ứng vạn biến”, bởi “Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”; “mình phải có sức mạnh thì ngoại giao sẽ thắng”. Rõ ràng, độc lập, tự chủ tức là dựa vào sức mình là chính, có tham khảo, chọn lọc kinh nghiệm, bài học của quốc tế, nhưng tự mình phải suy nghĩ, tìm tòi, định ra những chủ trương, chính sách, biện pháp nhằm giải quyết công việc của đất nước. Khẳng định, độc lập, tự chủ là đặc trưng của bản lĩnh chính trị, đối ngoại của dân tộc Việt Nam.
Những thành tựu đạt được trong công tác ngoại giao thời gian qua là minh chứng không thể phủ nhận về đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong một thế giới đầy biến động, cạnh tranh chiến lược phức tạp và nhiều xu hướng tập hợp lực lượng đa chiều như hiện nay. |
Thấm nhuần quan điểm Hồ Chí Minh, Đảng khẳng định sức mạnh quyết định để thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới là ở dân tộc ta, nhân dân ta, sức mạnh ấy do trí tuệ, ý chí của con người Việt Nam và tiềm năng của đất nước mà có. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, không một quốc gia nào tự khép kín, tự cô lập mình với thế giới mà phát triển được. Đặc biệt là với Việt Nam, một nước đang phát triển, nền kinh tế còn lạc hậu thì càng cần phải tranh thủ nguồn lực bên ngoài, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của công cuộc đổi mới. Vì vậy, độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường phải gắn với đoàn kết và hợp tác quốc tế, đồng thời kết hợp với đấu tranh kiên quyết và khôn khéo để thực hiện mục tiêu của cách mạng và bảo vệ lợi ích quốc gia. Đó là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt toàn bộ hoạt động quốc tế và ngoại giao Việt Nam, được Đảng ta nâng lên thành đường lối độc lập, tự chủ và đoàn kết quốc tế.
Đổi mới đường lối đối ngoại của Đảng được đánh dấu từ Nghị quyết Đại hội VI của Đảng và Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 20/5/1988 của Bộ Chính trị khóa VI về nhiệm vụ và chính sách đối ngoại trong tình hình mới. Tiếp đó là Hội nghị Trung ương 3, khóa VII (tháng 6/1992) đã ra nghị quyết chuyên đề về công tác đối ngoại, xác định rõ nhiệm vụ công tác đối ngoại, tư tưởng chỉ đạo chính sách đối ngoại, các phương châm xử lý các vấn đề quan hệ quốc tế; đề ra chủ trương mở rộng, đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ đối ngoại của Việt Nam, cả về chính trị, kinh tế, văn hóa..., trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ và các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi, bảo vệ và phát triển kinh tế, giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp và bản sắc văn hóa dân tộc...
Trong các kỳ đại hội Đảng đều khẳng định Việt Nam luôn nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; vừa hợp tác vừa đấu tranh; kiên trì về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược, “dĩ bất biến ứng vạn biến”; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến phức tạp, khó lường; các nước lớn có sự điều chỉnh về chiến lược, vừa hợp tác, thỏa hiệp, vừa cạnh tranh, đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau. Trên cơ sở đó, Đại hội XIII của Đảng xác định: “Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam”. Đồng thời, nêu rõ nhiệm vụ “Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả, vì lợi ích quốc gia – dân tộc, bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền quốc gia”.
Cẩm Trang
Ý kiến bạn đọc