Multimedia Đọc Báo in

Tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”: Những đúc kết quý giá về xây dựng, chỉnh đốn Đảng

04:52, 19/04/2023

Tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” là tập hợp 29 bài viết, diễn văn, phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trước, trong và sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Tác phẩm đã đề cập đến các vấn đề chung cũng như các vấn đề về kinh tế, xã hội, văn hóa, con người; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Đặc biệt, tác phẩm đã đề cập những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng, chỉnh đốn Đảng một cách sâu sắc, toàn diện, tâm huyết. Đây là tài liệu hết sức quý báu phục vụ việc nghiên cứu, học tập, giáo dục chính trị, tư tưởng và nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay.

Trong tác phẩm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, để xây dựng Đảng về chính trị, vấn đề quan trọng hàng đầu là phải tuyệt đối kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng. Đặc biệt, trong điều kiện Đảng ta là đảng cầm quyền, hoạt động trong môi trường phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế; cán bộ, đảng viên hằng ngày, hằng giờ đối mặt với mặt trái của cơ chế thị trường, do đó càng phải chăm lo giữ vững bản chất cách mạng và tính tiên phong của Đảng. Nếu cán bộ, đảng viên không kiên định mục tiêu lý tưởng của Đảng, không vững vàng về tư tưởng, bản lĩnh chính trị thì rất dễ bị thoái hóa, biến chất, cho nên “phải luôn luôn kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin - học thuyết khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân và quần chúng lao động”. Bên cạnh đó, “cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống”.

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc rất phức tạp vì nó liên quan đến công tác tổ chức, đến con người. Việc tu dưỡng đạo đức của đảng viên cũng rất khó khăn vì phải chống kẻ thù “nội xâm” - kẻ thù ở trong mình và ở các đồng chí của mình. Khó khăn là vậy nhưng nhất thiết phải làm, để thực hiện được nhiệm vụ đó thì phải có khâu đột phá. Do đó, yêu cầu về xây dựng Đảng về đạo đức được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát triển lên một tầm cao mới, đặt trong mối quan hệ với xây dựng văn hóa Đảng, văn hóa chính trị. Chú trọng mối quan hệ giữa văn hóa và chính trị, văn hóa và kinh tế; xây dựng văn hóa trong Đảng và trong hệ thống chính trị; xây dựng văn hóa công chức, văn hóa công vụ, đặc biệt là đạo đức công vụ, chú trọng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên; xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý; chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, đạo đức; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cần nghiêm túc thực hiện trách nhiệm nêu gương; người có chức vụ càng cao, cương vị càng lớn, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong Đảng và trong bộ máy chính quyền lại càng phải gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác để quần chúng, nhân dân noi theo.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: TTXVN

Trong tác phẩm, Tổng Bí thư chỉ rõ: “Tham nhũng thường diễn ra trong nội bộ, do người có chức, có quyền thực hiện. Phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người, trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình; liên quan đến lợi ích, chức vụ, danh vọng, uy tín của tổ chức, cá nhân. Vì vậy, phải có thái độ thật kiên quyết, không khoan nhượng và hành động thật quyết liệt, cụ thể, hiệu quả”. Bởi vậy, “chống tham nhũng là “chống giặc nội xâm”, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa khó khăn, phức tạp, lâu dài: phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, “không ngưng”, “không nghỉ” ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực”, thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự; với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm: phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”, một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để “không dám tham nhũng” và một cơ chế bảo đảm để “không cần tham nhũng”.

Bởi vậy, nhiệm vụ của Đảng ta là tăng cường xây dựng Đảng về công tác cán bộ, phải “tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, đội ngũ cán bộ “có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức cách mạng trong sáng, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Cán bộ dù ở vị trí nào cũng cần phải luôn luôn có ý thức đầy đủ về trách nhiệm của mình, làm “đúng vai, thuộc bài”, thật sự có chất lượng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao: gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tin yêu, quý trọng. Thực hiện tốt chủ trương khuyến khích, bảo vệ những cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, công tác kiểm tra, giám sát phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện, công khai, dân chủ, thận trọng và chặt chẽ, trong đó lấy cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn là chính. Phải giữ vững các nguyên tắc của Đảng, coi trọng chứng cứ, không suy diễn, không áp đặt, không thành kiến, thực hiện đúng phương châm: “Chủ động, chiến đấu, giáo dục, hiệu quả”. Kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống; xây là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược lâu dài; chống là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Các cấp ủy, nhất là người đứng đầu, phải tổ chức thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng theo chức năng, nhiệm vụ.

Cẩm Trang


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.