Multimedia Đọc Báo in

Bên suối Lênin ấm tiếng Bác Hồ

06:29, 21/05/2023

Nơi suối nguồn cách mạng Pác Bó, dòng suối Lênin trong xanh soi bóng ngọn núi Các Mác gợi lên hình ảnh Bác Hồ và tiếng nói Người ấm áp vẫn vang vọng đâu đây…

Theo những ca từ trong ca khúc “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, chúng tôi đến Pác Bó (Cao Bằng) trong hành trình trở về Việt Bắc, tìm về những “địa chỉ đỏ” cách mạng trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Khung cảnh núi rừng Pác Bó thơ mộng, hữu tình hòa vào tiếng ve trên rừng đại ngàn, những bản làng bình yên nép mình bên ven suối gợi lên một bức tranh Việt Bắc bình yên và thấm đượm tình người.

Suối Lênin, núi Các Mác là nơi gắn với hình ảnh Bác Hồ ở Pác Bó.

Hơn 80 năm trước, vào mùa xuân năm 1941, sau bao nhiêu năm bôn ba tìm đường cứu nước, Bác Hồ về nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Núi rừng, bản làng và đồng bào các dân tộc Pác Bó in đậm hình ảnh ấm áp, thiêng liêng của Bác. Cột mốc 108 trên biên giới Việt - Trung thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng đã trở thành địa điểm ghi dấu thời khắc Bác chạm bước chân vào đất mẹ, trở về Tổ quốc sau bao năm xa cách.

Những tên núi, tên suối, tên hang, tên bản làng ở Pác Pó đã trở thành những địa danh cách mạng gắn với hình ảnh Bác Hồ trong những ngày tháng Người ở lại nơi đây để hoạt động cách mạng. Đó là lán Khuổi Nặm, hang Ngườm Vài, hang Lũng Lạn, suối Lênin, núi Các Mác, hang Slí Điếng, hang Diêm Tiêu… Tất cả làm nên một Pác Bó, nơi suối nguồn cách mạng, nơi khởi đầu và chuẩn bị những điều kiện quan trọng cho cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Theo tư liệu lịch sử và lời kể của các bậc cao niên trong bản làng Pác Bó, trong những ngày tháng ở nơi đây, Bác Hồ đã đặt tên cho con suối gần lán Khuổi Nặm, nơi ở và làm việc của Người là suối Lênin. Ngọn núi cao sừng sững soi bóng xuống dòng suối trong xanh là núi Các Mác. Không chỉ sống hòa mình với thiên nhiên, luôn coi thiên nhiên, núi rừng là bầu bạn mà trong tâm hồn của Người luôn có những “dòng suối, ngọn núi tư tưởng” với kim chỉ nam là Chủ nghĩa Mác - Lênin, về con đường cứu nước luôn chảy mãi, cao mãi.

Pác Bó, nơi suối nguồn cách mạng của dân tộc Việt Nam.

Trong những tháng ngày ở Pác Bó, mặc dù trăm công nghìn việc nhưng Bác vẫn luôn hòa mình với thiên nhiên đất trời. Người luôn coi thiên nhiên là điểm tựa để nói lên ý chí, nghị lực của mình. Trong bài thơ tứ tuyệt “Pác Bó hùng vĩ”, Người viết: “Non xa xa, nước xa xa/ Nào phải thênh thang mới gọi là/Đây suối Lênin, kia núi Mác/Hai tay xây dựng một sơn hà”. Tâm hồn thi sĩ hòa điệu trong tâm hồn người chiến sĩ cách mạng giữa trập trùng núi rừng Pác Bó, chúng ta cảm nhận được một tâm thế ung dung của một bậc “đại trí”, cảm nhận được sự lạc quan cách mạng và ý chí quyết tâm tìm ra con đường đi cho cách mạng, cho dân tộc của một bậc “đại dũng”.

Tại Pác Bó, Người còn sáng tác bài thơ “Tức cảnh Pác Bó” với bốn câu thơ lắng đọng: “Sáng ra bờ suối, tối vào hang/ Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng/ Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng/ Cuộc đời cách mạng thật là sang”. Bác Hồ ở Pác Bó trong điều kiện hết sức thiếu thốn, gian khổ. Bữa cơm hằng ngày của Người chỉ là cháo bẹ, rau măng, điều kiện làm việc là bàn đá chông chênh, mộc mạc nhưng không làm vơi đi ý chí và quyết tâm của người chiến sĩ cách mạng. Bài thơ tưởng như tạc nên hình ảnh một ẩn sĩ với cuộc sống ẩn dật nơi núi rừng, nhưng đó lại là một người chiến sĩ mang trong mình lòng lạc quan cách mạng, sự kiên trung với tấm lòng yêu nước sâu sắc của một tâm hồn vĩ đại mà giản dị.

Bước chân vào không gian Khu Di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó thuộc địa phận xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, chúng tôi như khắc sâu hơn hình ảnh, tư tưởng và những lời dạy của Bác Hồ từ những hình ảnh, tư liệu được lưu giữ, trưng bày trong nhà trưng bày của khu di tích. Từ không gian khu di tích, xa xa là những rừng cây xanh ngút ngàn, những dòng suối chảy từ đại ngàn như vọng về thanh âm hào hùng của những ngày tháng cách mạng. Nơi đây, Pác Bó giữa những triền núi trập trùng, giữa những bản làng bình yên, mỗi dòng suối, mỗi ngọn núi, mỗi rừng cây, hang đá và mỗi ngôi nhà như đều in đậm bước chân Người, như lắng sâu hình ảnh Bác Hồ muôn vàn kính yêu.

Nguyễn Thế Lượng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.