Multimedia Đọc Báo in

Kỳ tích xe đạp thồ

06:30, 21/05/2023

Nhỏ bé, thô sơ nhưng mang sức mạnh phi thường, xe đạp thồ đã làm nên những kỳ tích trong Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

69 năm về trước, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, việc tiếp tế hậu cần được coi là nhiệm vụ quan trọng, nặng nề và đặc biệt khó khăn bởi điều kiện tiền tuyến cách hậu cứ 400 - 500 km, cùng nhiều rừng rậm, núi cao. Quyết tâm khắc phục, ta khai thác, sử dụng phương tiện vận chuyển thô sơ, trong đó xe đạp thồ được xem như “vua vận tải”, bởi bảo đảm tới 80% khối lượng hậu cần của chiến dịch. Lực lượng xe đạp thồ được biên chế thành từng đoàn theo địa phương, trong đó luôn có một xe chuyên chở phụ tùng thay thế, sửa chữa khi cần thiết.

Xe đạp thồ được bộ đội Hậu cần (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) sử dụng trong thực hiện các nhiệm vụ.

Xuất hiện kỳ diệu chưa từng có trong lịch sử, dẫu là dốc cao, núi sâu, rừng thẳm, từng đoàn xe đạp thồ từ Thanh Hóa và nhiều vùng miền khác đã vượt mưa bom bão đạn để chở từng kilogam lương thực, hàng hóa lên Điện Biên Phủ. Mới đầu, xe đạp thồ chỉ chở được khoảng 50 - 100 kg, nhưng nhờ được cải tiến, gia cố thêm, mỗi chiếc xe đã có thể tăng trọng lượng chở lên đến 300 kg, gấp rất nhiều lần sức mang vác của một người. Trong số đó, tiêu biểu phải kể đến ông Ma Văn Thắng (ở Thanh Lâu, Thanh Ba, Phú Thọ, hiện đã mất), trong nhiều lần thồ hàng lên Điện Biên Phủ, đã có khi ông thồ khối lượng đạt kỷ lục 325 kg. Khi Chiến dịch kết thúc, ông Thắng đã vận chuyển được 3.700 kg hàng hóa trên tổng chiều dài 2.100 km đường rừng.

Trong một lần trả lời phỏng vấn, Thiếu tướng Lê Mã Lương, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam từng chia sẻ rằng, ông đã có dịp gặp ông Ma Văn Thắng nhiều lần. Đúng với bản chất của một nông dân chất phác, ông Thắng chân thật cho biết, chiếc xe ông sử dụng là đi mượn. Cải tiến để xe đạp phát huy tối đa công năng, nhưng ông Thắng không biết mình là người đầu tiên thực hiện sáng kiến này. Chỉ khi báo chí tuyên truyền, rồi Bảo tàng Lịch sử Quân sự đưa chiếc xe về để trưng bày thì ông mới biết…

Vô hiệu hóa sự hiện đại của hỏa lực địch, “vua vận tải” xe đạp thồ tỏ ra rất hiệu quả. Nhẹ nhàng, tiện lợi, dễ thay thế khi hư hỏng, lại không tốn nhiên liệu, “vũ khí đặc biệt” ấy dũng cảm thực hiện sứ mệnh của mình. Khoảng 21.000 chiếc xe đạp thồ đã chở một khối lượng lớn vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm, vật tư, thuốc men. Mà đâu chỉ thồ hàng, khi cần, những chiếc xe ấy còn có thể chở thương bệnh binh, trở thành trợ thủ đắc lực cho các quân y trong khám, chữa bệnh.

Kỳ tích xe đạp thồ khiến cả thế giới kinh ngạc. Tác giả Arnold Blumberg, từng là quân nhân trong lực lượng Lục quân Mỹ tham gia Chiến tranh Việt Nam, có bài viết đăng chuyên trang lịch sử HistoryNet nói về sức mạnh vô địch của những chiếc xe đạp thồ mà Việt Nam sử dụng, rằng: Trong cuộc kháng chiến trường kỳ của Việt Nam nhằm giành lại độc lập (đầu tiên là từ thực dân Pháp rồi sau đó là Mỹ và các nước đồng minh), có nhiều nhân tố góp phần vào chiến thắng cuối cùng của những người cộng sản Việt Nam. Nguyên nhân cốt lõi của chiến thắng này là ý chí sắt đá và sự kiên cường của nhân dân Việt Nam – những người đã dựa vào cả những phương tiện tương đối thô sơ để đối đầu với kẻ địch sử dụng các phương tiện chiến tranh tối tân. Trong các phương tiện “công nghệ thấp” thường bị đối phương của họ chế giễu này, có một thứ đóng vai trò then chốt đối với kết quả cuộc chiến chống Pháp, và ở một mức độ thấp hơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ - đó là chiếc xe đạp…

Ông Nguyễn Xuân Toản kể về những kỷ niệm gắn liền Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Còn với ông Nguyễn Xuân Toản (hiện đang sinh sống ở TP. Buôn Ma Thuột), nguyên là Đại đội trưởng Đại đội Pháo binh, Trung đoàn 367, ở tuổi 98 dẫu khi nhớ khi quên, nhưng nhắc đến Chiến dịch Điện Biên phủ vẫn luôn đầy tự hào: Cùng với quân chủ lực, lực lượng dân công, thanh niên xung phong và các lực lượng khác đã một lòng tham gia với tinh thần tất cả tập trung cho chiến dịch. 56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, với phương châm tác chiến phù hợp, cùng sự sáng tạo trong sử dụng các phương tiện thô sơ, xe đạp thồ, Việt Nam đã làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lẫy lừng.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.