Tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào Tây Nguyên
Ngày 19/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam được tổ chức tại Pleiku (Gia Lai).
Bức thư đã gửi gắm tình cảm của Bác Hồ với đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, đồng thời, mang nội dung và ý nghĩa sâu sắc về vấn đề đại đoàn kết dân tộc của tất cả các dân tộc Việt Nam. Bức thư với trên 300 chữ, lời thư mộc mạc, gần gũi, dễ hiểu, song chứa đựng vô vàn tình yêu thương, tình đoàn kết dân tộc.
Mở đầu bức thư, Bác viết “Hôm nay, đồng bào khai hội, sum họp một nhà, thật là vui vẻ. Tiếc vì đường sá xa xôi, tôi không đến dự hội được. Tôi tuy xa, nhưng lòng tôi và Chính phủ vẫn gần gũi đồng bào”. Bác nhấn mạnh: “Đồng bào Kinh hay Tày, Mường hay Mán, Gia Rai hay Êđê, Ba Na, Xê Đăng hay M’nông và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng, khổ, no, đói bên nhau… Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt…”. Có thể thấy, từng câu, từng chữ trong bức thư đã có sức mạnh to lớn hội tụ, làm nhân lên sức mạnh đoàn kết trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đối với các dân tộc thiểu số ở miền Nam và Tây Nguyên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh ân cần hỏi chuyện cháu Hay Đơn, thiếu nhi dân tộc ở Tây Nguyên ra thăm miền Bắc. Ảnh: Tư liệu TTXVN |
Thư xác định yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc: “Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta”; cho nên, “phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta”.
Nội dung cuối cùng kết thúc bức thư là sự xác lập một quyết tâm sắt đá: “Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta”. Trong thư, năm lần Bác nhắc đến từ “đồng bào”. Mỗi lần nhắc lại từ “đồng bào” chính là Bác thêm một lần nhắc đến nguồn gốc các dân tộc Việt Nam, qua đó kêu gọi quyết tâm giữ vững tình đoàn kết.
Có thể khẳng định, bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với Đại hội đã trở thành nguồn sức mạnh tinh thần to lớn, là kim chỉ nam, ngọn đuốc soi đường dẫn lối cho đồng bào. Ngay sau Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đại biểu nhanh chóng trở về buôn làng vận động quần chúng, bày tỏ niềm tin tuyệt đối, thủy chung, son sắt của đồng bào vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ; quyết tâm thực hiện đoàn kết các dân tộc, đoàn kết giữa người Kinh và người Thượng, sát cánh cùng nhau chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược. Ban vận động quốc dân thiểu số và Phòng Quốc dân thiểu số các tỉnh Tây Nguyên tập trung đẩy mạnh tuyên truyền và tổ chức thực hiện công tác dân tộc, mở các lớp ngắn ngày đào tạo cán bộ dân tộc, tổ chức các lễ hội đoàn kết dân tộc ở cấp tỉnh, cấp huyện và xây dựng các đội công tác bám buôn làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số để giáo dục, vận động đồng bào đấu tranh, bảo vệ nền độc lập, tự do.
Tranh “Bác Hồ với đồng bào các dân tộc” của tác giả Đặng Nam. Nguồn: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam |
Thực tế trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cứu nước, Tây Nguyên đã trở thành một trong những căn cứ địa của cách mạng miền Nam. Nhiều cán bộ người Kinh theo lời dạy của Bác Hồ đã lên Tây Nguyên cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào dân tộc thiểu số, được đồng bào yêu thương, đùm bọc, nhường cơm sẻ áo, cùng chung lưng đấu cật để chống giặc, bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc. Trong hơn 30 năm kháng chiến, Tây Nguyên đã cống hiến cho đất nước những người con ưu tú, xả thân vì nước và vun đắp cho mối tình đoàn kết keo sơn giữa các dân tộc, tiêu biểu là các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các vị lão thành cách mạng, các Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, như các cụ Đinh Núp (dân tộc Ba na); Nay De, nhà giáo có uy tín lớn, Kpah Klơng, Anh hùng Wừu (dân tộc J’rai); Y Bih Alêô, Y Ngông Niê Kdăm (dân tộc Êđê); Ure, Y Buông (dân tộc Xê Đăng); Bi Năng Tắc (dân tộc Raglai); Điểu Ong (dân tộc X’tiêng) và rất nhiều cán bộ lão thành khác nữa đã hy sinh trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất Tổ quốc.
Tổng Bí thư Lê Duẩn tại cuộc mít tinh lớn ở Tây Nguyên ngày 11/4/1978 đã khẳng định: “Khi còn sống, Bác Hồ vô cùng nhớ Tây Nguyên. Trung ương Đảng, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc và nhân dân cả nước đánh giá cao sự hy sinh vô bờ bến và lòng dũng cảm tuyệt vời của đồng bào Tây Nguyên. Tổ quốc ta, nhân dân ta và các thế hệ mai sau đời đời nhớ ơn các liệt sĩ từ mọi miền đất nước đã ngã xuống trên chiến trường Tây Nguyên, mãi mãi ghi nhớ công lao của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã cùng cả nước viết nên những trang sử chói ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam”.
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội và xác định đây là yếu tố có tính nền tảng để bảo đảm đại đoàn kết toàn dân tộc. Và trên thực tế, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã đem lại những thành tựu to lớn, toàn diện và có ý nghĩa rất quan trọng cho vùng Tây Nguyên nói riêng và các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên cả nước nói chung. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc đã từng bước được cải thiện; các quyền của đồng bào về chính trị được bảo đảm; đào tạo, sử dụng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số được quan tâm; chính sách giao đất, giao rừng, bảo đảm đất ở, đất sản xuất, nhà ở và nước sinh hoạt cho đồng bào đã được thực hiện; không ngừng phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cao dân trí và bảo đảm các quyền của đồng bào dân tộc thiểu số về văn hóa thông tin, bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống, tiếng nói và chữ viết các dân tộc.
Cẩm Trang
Ý kiến bạn đọc