Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội

12:23, 06/06/2023

Sáng 6/6, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội (LĐTB&XH).

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trực tiếp điều hành phiên chất vấn.

Tại phiên làm việc, các đại biểu tập trung chất vấn những nội dung: Giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực; công tác quy hoạch, sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên họp. Ảnh: quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Thực trạng việc làm cho người lao động và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tạo việc làm cho người lao động trong giai đoạn hiện nay. Giải pháp khắc phục bất cập, hạn chế trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền bảo hiểm xã hội, tình trạng cấu kết, lập khống, làm giả hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm, chi sai chế độ…); công tác quản lý Quỹ Bảo hiểm xã hội; giải pháp khắc phục tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng.

Chịu trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung. Tham gia trả lời chất vấn có: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Y tế, Tư pháp; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Trả lời chất vấn của các đại biểu Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua Chính phủ đã hoàn thiện cơ cấu, hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Quốc hội đã thông qua 3 luật liên quan đến lĩnh vực này: Luật Giáo dục Đại học, Luật Giáo dục và Luật dạy nghề. Quy mô tuyển sinh hiện nay khoảng 2 triệu sinh viên, học sinh học nghề, so với cách đây 5 năm bình quân mỗi năm chỉ khoảng 500 nghìn học sinh, sinh viên, cho thấy có sự tiến bộ rõ rệt.

Bộ trưởng cũng thẳng thắng nhìn nhận, giáo dục nghề nghiệp cả về quy mô và chất lượng còn nhiều điều cần quan tâm, đổi mới và cải thiện về chính sách pháp luật, chế độ chính sách ưu đãi cho học sinh vào trường nghề chưa nhiều. Bộ trưởng nhấn mạnh, muốn đổi mới giáo dục nghề nghiệp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm thay đổi nhận thức trong xã hội. 

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn của các đại biểu. Ảnh: quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn của các đại biểu. Ảnh: quochoi.vn

Về các giải pháp thu hút học sinh học nghề, trong đó điều quan trọng nhất là có sự ủng hộ của các bậc cha mẹ, bản thân người học; ra trường có việc làm, có thu nhập ổn định, có cuộc sống tương đối tốt; sau khi ra trường có nhu cầu học lên được học liên thông. Từ định hướng này, Bộ LĐTB&XH sẽ thiết kế chính sách cho sinh viên học nghề theo hướng này.

Về thị trường lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, quy mô lao động độ tuổi từ 15 trở lên khoảng 55 triệu người; đến quý I/2023, số người tham gia thị trường lao động từ 15 tuổi trở lên 51,4 triệu người.

Thị trường lao động Việt Nam thời gian qua đã có một bước hình thành và phát triển tương đối nhanh chóng cả về cơ cấu, cả về quy mô, cả sự phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, lao động kỹ năng còn thấp, số lao động qua đào tạo bằng các hình thức khác nhau là trên 70% nhưng số có bằng cấp, chứng chỉ hiện nay là 26,4% (tính đến quý I/2023), thấp so với các nước phát triển. 

Thời gian qua sau khi có Nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết 19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 06 về phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, hiện đại, đồng bộ, hiệu quả và bền vững. Nghị quyết đã nêu 9 nhóm giải pháp căn bản từ việc tuyên truyền, nhận thức, xây dựng chính sách, việc triển khai tổ chức thực hiện…

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng khẳng định, trên thực tiễn việc đào tạo có chứng chỉ mới là một nội dung, quan trọng nhất là nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, khả năng tinh thông nghề nghiệp và hiệu quả công việc của người lao động. Bộ trưởng cũng tán thành với quan điểm của đại biểu và cần có một cách nhìn toàn diện hơn, đầy đủ hơn về vấn đề này, cần có công cụ, tiêu chí đánh giá để xác định về chất lượng lao động cũng như tiêu chuẩn công nhận chứng chỉ, bằng cấp trong gian tới.

Đối với chất vấn của đại biểu về tình trạng thiếu việc làm, Bộ trưởng cho biết, bình quân tỷ lệ thất nghiệp quý I/2023 là 2,25%. Nguyên nhân của tình trạng này do cắt giảm đơn hàng, tái cơ cấu sản xuất, thay đổi về lực lượng lao động và thực hiện giải quyết chính sách cho lao động.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về hưởng bảo hiểm xã hội một lần và Quỹ hỗ trợ người lao động, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, tình hình rút bảo hiểm xã hội một lần có gia tăng, đặc biệt tăng nhiều sau đại dịch COVID-19. 

Toàn cảnh phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn
Toàn cảnh phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Bộ trưởng cho rằng, cần tìm ra nguyên nhân và giải pháp cụ thể cho tình trạng này. Về việc thành lập Quỹ hỗ trợ người lao động, Bộ trưởng cho rằng đó là một trong các giải pháp, bên cạnh nhiều giải pháp khác trong tháo gỡ vướng mắc cho thị trường lao động. Bộ trưởng cho biết, có nhiều phương pháp khác cần được thực hiện, triển khai đồng bộ, phương án lập Quỹ cần được rà soát, nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng. Bộ LĐTB&XH sẽ ghi nhận và nghiên cứu kỹ phương án này.

Về vấn đề chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng cho biết, đến hết năm 2022, khối lượng chậm đóng, trốn đóng tăng 2,69% so với mức của năm 2021, có 26.670 doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng, trốn đóng. Bộ đã điều chỉnh, thực hiện các giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng, cho đến nay, các đối tượng tham gia bảo hiểm bị ảnh hưởng về chế độ, chính sách đã được giải quyết một cách căn bản. 

Phân tích nguyên nhân của tình trạng này, Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, các doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu đơn hàng, cơ quan quản lý bảo hiểm chưa quản lý hết đối tượng, quản lý, sử dụng thiếu hiệu quả, ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối cơ sở dữ liệu chưa tốt. Bộ đã triển khai các biện pháp cụ thể, thực hiện nguyên tắc người lao động thu đến đâu thì thực hiện chính sách tới đó. 

Về lâu dài, Bộ trưởng cho rằng, cần sửa Luật Bảo hiểm xã hội, các nội dung này cũng được trình bày trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp tháng 10, trong đó sẽ quy định rõ khái niệm, phạm vi hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, áp dụng một số chế tài mạnh mẽ, kiên quyết, hiệu quả hơn đối với hành vi này như thông lệ quốc tế.

Về vấn đề liên quan đến chủ hộ kinh doanh, Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, cơ quan bảo hiểm xã hội có thu sai với một tỷ lệ không nhỏ các chủ hộ kinh doanh cá thể. Đây không phải là đối tượng được quy định đóng bảo hiểm bắt buộc. Việc thu sai này đã diễn ra từ năm 2003 đến năm 2016. Bộ trưởng nêu rõ, Bộ đã chấn chỉnh Bảo hiểm xã hội, về cơ bản, vấn đề này đã được giải quyết. 

Bộ trưởng cho biết, đây là nội dung chưa được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội, do đó, cần đánh giá rất cụ thể, tuy nhiên, về quan điểm cá nhân, Bộ trưởng cho rằng cần đặt lợi ích của người lao động, của chủ hộ kinh doanh lên hàng đầu. Cơ quan công quyền làm sai thì phải xin lỗi và xử lý theo quy định. 

Về hướng giải quyết, Bộ trưởng cho biết Bộ đang đề xuất chuyển toàn bộ số hộ kinh doanh này sang bảo hiểm bắt buộc, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Với trường hợp không có nhu cầu có thể chuyển sang bảo hiểm tự nguyện. Trường hợp cả người lao động lẫn cơ quan đều không đồng ý thì cần thoái thu, tính lãi bằng tăng trưởng của Quỹ bảo hiểm.

Đại biểu Phúc Bình Niê Kdăm (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Phúc Bình Niê Kdăm (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: quochoi.vn

Đặt câu hỏi tại phiên chất vấn, đại biểu Phúc Bình Niê Kdăm (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) cho biết, theo dự báo, nước ta đang thiếu nguồn nhân lực lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Đào Ngọc Dung làm rõ giải pháp cho vấn đề này? 

Trả lời chất vấn của đại biểu Phúc Bình Niê Kdăm, Bộ trưởng cho biết, nước ta có nhiều lợi thế phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số là một con đường đi đến cách mạng công nghệ nhưng nước ta lại thiếu nhất lực lượng, cụ thể thiếu khoảng 1 triệu lao động. Chính phủ đã đưa ra 5 nhóm giải pháp như mở chương trình đào tạo tại các trường đại học, có kế hoạch bài bản để đào tạo bổ sung lực lượng trong lĩnh vực này…

* Chiều nay, Quốc hội tiếp tục chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực LĐTB&XH và nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực dân tộc.

Lan Anh (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.