Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV:
Xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới
Sáng 23/6, tiếp tục thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội xem xét, đánh giá, thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi); thảo luận tại hội trường về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua dự án Luật này. Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 460 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 93,12%). Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải bấm nút biểu quyết thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn |
Tiếp đó, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự với các lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ; cho rằng nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Các đại biểu cho rằng, hồ sơ dự thảo Luật cơ bản đầy đủ theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nhiều tài liệu nghiên cứu, được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu. Các đại biểu cũng giá cao cơ quan soạn thảo đã khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm trong việc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình một số vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm trong phiên thảo luận tại Tổ về dự án Luật này.
Đại biểu nhấn mạnh, việc ban hành Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự trên cơ sở nâng cấp Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự năm 1994 và Luật hóa các quy định, Nghị định, Thông tư đã được kiểm nghiệm trên thực tế về việc quản lý, bảo vệ công trình có hiệu quả sẽ góp phần xây dựng tiềm lực quốc phòng cùng thế trận quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: quochoi.vn |
Bày tỏ đồng tình với sự cần thiết của việc phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự của dự thảo Luật, đại biểu nêu rõ, việc phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự là rất cần thiết và quan trọng.
Mục đích của việc phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và công quân sự để làm cơ sở xác định phạm vi bảo vệ, yêu cầu nội dung quản lý, biện pháp tổ chức quản lý phù hợp với từng loại, từng nhóm công trình khu quân sự. Mặt khác, việc phân loại công trình quốc phòng và khu quân sự còn làm cơ sở để xây dựng chế độ, chính sách cho các đối tượng liên quan đến công tác quản lý.
Tuy nhiên, việc phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự thành nhiều nhóm, vừa phân loại theo chiều dọc, vừa phân loại theo chiều ngang có thể sẽ gây khó khăn trong việc áp dụng pháp luật. Do vậy, đại biểu đề xuất, dự thảo Luật nghiên cứu quy định phân loại công trình quốc phòng và khu quân sự theo căn cứ yêu cầu quản lý, bảo vệ để quy định các biện pháp quản lý, bảo vệ phù hợp.
Đại biểu cho rằng, dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự có nhiều nội dung quy định liên quan đến quản lý bồi thường, hỗ trợ di dời các công trình quân sự, chuyển đổi mục đích sử dụng công trình, việc tạm giữ người, đồ vật, sử dụng vũ khí hỗ trợ… Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát kỹ lưỡng các quy định để tránh xung đột với các Luật khác có liên quan.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang phát biểu giải trình tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn |
Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang khẳng định, Bộ Quốc phòng sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội, trên cơ sở đó tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh dự thảo Luật để đảm bảo thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh. Đối với các nội dung cụ thể, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết, Bộ Quốc phòng có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội để làm rõ một số nội dung chủ yếu.
Lan Anh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc