Multimedia Đọc Báo in

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Khi trên - dưới đồng lòng

07:18, 27/06/2023

Sau 1 năm thành lập và hoạt động, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương đã có những chuyển biến tích cực, từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.

Vi phạm đến đâu, xử lý đến đó

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Quy định số 67-QĐ/TW, ngày 2/6/2022 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, chỉ sau 2 tháng, 63/63 tỉnh ủy, thành ủy đã thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh. Các ban chỉ đạo cấp tỉnh đã có cách làm phù hợp, hiệu quả, sát thực với tình hình địa phương, chú trọng cơ chế phối hợp, lựa chọn khâu yếu, việc khó, dư luận xã hội bức xúc để tập trung chỉ đạo giải quyết, tăng cường phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc mới cũng như công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát.

Các đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến sơ kết một năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh tại điểm cầu Đắk Lắk.

Theo đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Thanh Hóa (là một trong ba tỉnh, thành phố sớm thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh), với quan điểm “rõ đến đâu, xử lý đến đó”, không để oan sai, bỏ lọt tội phạm, Ban Chỉ đạo tỉnh đã đưa 15 vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, có khó khăn, vướng mắc vào diện theo dõi, chỉ đạo. Định kỳ hoặc khi cần thiết, Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo họp, định hướng các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, xử lý, nhất là tăng cường công tác phối hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đối với vụ việc, vụ án liên quan đến cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã kịp thời báo cáo Ban Nội chính Trung ương theo quy định; đến nay đã giải quyết xong và đưa ra khỏi diện chỉ đạo đối với 4 vụ án, còn 3 vụ việc, 8 vụ án đang được tích cực xử lý theo quy định.

Tại tỉnh Đắk Lắk, ngay sau khi thành lập, Ban Chỉ đạo tỉnh đã xây dựng và thực hiện quy chế, chương trình làm việc, chương trình kiểm tra, giám sát, kế hoạch khắc phục hạn chế, nâng cao công tác phòng, chống tham nhũng, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Ban Chỉ đạo tỉnh tập trung chỉ đạo khắc phục tình trạng "tham nhũng vặt", tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như: quản lý, sử dụng tài chính công, công tác quy hoạch đất đai, đấu thầu, đấu giá mua sắm tài sản công, cổ phần hóa doanh nghiệp... Sau 1 năm thành lập và hoạt động, Ban Chỉ đạo tỉnh Đắk Lắk đã đưa 17 vụ án, vụ việc vào diện theo dõi, chỉ đạo; khởi tố 8 vụ án, 24 bị can, trong đó có 2 cán bộ, đảng viên.

Đại biểu điểm cầu Đắk Lắk nghe chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị trực tuyến sơ kết một năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.

Khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh"

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh cho biết, thực hiện nghiêm các cơ chế, chỉ đạo trong từng nội dung trọng điểm theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương, công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực tại Khánh Hòa có nhiều chuyển biến. Các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý 5 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, đã khởi tố mới 4 vụ án tham nhũng; qua công tác thanh tra, kiểm tra tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, đã phát hiện 3 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực, đến nay đã khởi tố 2 vụ án. Cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp của tỉnh Khánh Hòa đã tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 21 tổ chức đảng và 74 đảng viên, thi hành kỷ luật theo thẩm quyền và kiến nghị cấp thẩm quyền thi hành kỷ luật đối với 7 tổ chức đảng và 40 đảng viên có vi phạm về tham nhũng, tiêu cực. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh rất quyết liệt trong công tác giám định, định giá tài sản nên đã thực hiện xong các quyết định trưng cầu, yêu cầu định giá trong các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương và tỉnh theo dõi, chỉ đạo nên đã thu hồi được 128,2 tỷ đồng. Qua đó góp phần khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, sau 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Các vụ án, vụ việc liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, có dấu hiệu phạm tội được điều tra, xử lý tăng gấp gần 3 lần so với thời điểm 1 năm trước khi thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; có 15 tổ chức Đảng và gần 80 cán bộ, công chức các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sai phạm bị xử lý kỷ luật. Các địa phương đã học tập, vận dụng các cơ chế phối hợp của Ban Chỉ đạo Trung ương như cơ chế “5 cấp độ”, cơ chế “tài liệu, chứng cứ rõ đến đâu xử lý đến đó”, tạo bước đột phá trong xử lý vụ án, vụ việc ở các địa phương.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng đánh giá: Việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện kịp thời các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương, của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tạo sự nhất quán cao từ Trung ương đến địa phương nhằm đưa nghị quyết, chủ trương, quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đi vào cuộc sống. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện nghiêm theo chủ trương “xử lý không có vùng cấm, không có trường hợp ngoại lệ”.

Yến Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.