Multimedia Đọc Báo in

Sửa đổi, bổ sung Quy định 132-QĐ/TW:

Bảo đảm hiệu quả trong đánh giá chất lượng tổ chức đảng, đảng viên

08:29, 15/06/2023

Sau 5 năm thực hiện Quy định số 132-QĐ/TW, ngày 8/3/2018 của Bộ Chính trị, công tác kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị ngày càng đi vào nền nếp, thực chất.

Tuy nhiên, những vướng mắc, bất cập trong Quy định 132 đặt ra yêu cầu cần sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các văn bản của Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XII, XIII, tạo bước đột phá thực sự trong công tác đánh giá, sử dụng cán bộ.

Tăng định lượng, giảm định tính

Theo đánh giá của Ban Tổ chức Trung ương, sau 5 năm thực hiện Quy định 132, công tác kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể, cá nhân hằng năm ngày càng đi vào nền nếp, có chất lượng. Công tác chuẩn bị, tổ chức kiểm điểm tự phê bình và phê bình hằng năm được các cấp quan tâm chỉ đạo và cơ bản thực hiện nghiêm túc gắn với chức năng, nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị và việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện Nghị quyết, Kết luận Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn cùng các đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến, góp ý về sửa đổi, bổ sung Quy định 132 của Bộ Chính trị. Ảnh: Duy Tiến

Việc tổ chức kiểm điểm cơ bản đúng trình tự, thủ tục theo quy định. Cấp ủy các cấp đã phân công các đồng chí cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ cấp ủy theo dõi địa bàn và cán bộ, chuyên viên các cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc cấp ủy dự, theo dõi, chỉ đạo và giám sát việc kiểm điểm. Trong đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm, nhiều nơi đã cụ thể hóa các tiêu chí đánh giá, tiêu chuẩn xếp loại theo hướng tăng định lượng, giảm định tính, lấy sản phẩm cụ thể làm thước đo chủ yếu trong việc đánh giá, xếp loại tập thể, cá nhân, từng bước khắc phục bệnh thành tích, ngày càng thiết thực hơn, phản ánh được chất lượng của tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, cá nhân. Công tác kiểm tra, giám sát việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm được nhiều cấp ủy quan tâm chỉ đạo, nhất là đối với việc khắc phục những khuyết điểm, hạn chế của năm trước và những vấn đề được gợi ý kiểm điểm.

 

“Việc sửa đổi, bổ sung Quy định 132 nhằm bảo đảm công tác kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị thống nhất, đồng bộ với các văn bản của Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XII, XIII, bảo đảm thực chất và nâng cao chất lượng, hiệu quả, tạo bước đột phá thực sự trong công tác đánh giá, sử dụng cán bộ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới” - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Hoàng Đăng Quang.

Từ năm 2018 đến năm 2022, bình quân mỗi năm cả nước có 199.344 tập thể với gần 4,8 triệu đảng viên tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình; có 28.229 tập thể và 46.138 cá nhân được gợi ý kiểm điểm. Kết quả, tỷ lệ đảng bộ cấp trên cơ sở, tổ chức cơ sở đảng, chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiếm 19 - 19,5%, hoàn thành tốt nhiệm vụ chiếm 72,5 - 73,6%, hoàn thành nhiệm vụ chiếm 6,6 - 7,8%, không hoàn thành nhiệm vụ chiếm 0,3 - 0,5%. Tỷ lệ đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiếm 14,2%, hoàn thành tốt nhiệm vụ chiếm 77,3%, hoàn thành nhiệm vụ chiếm 7,9% và không hoàn thành nhiệm vụ chiếm 0,5%.

Để thống nhất, hiệu quả

Sau 5 năm triển khai thực hiện Quy định 132, Ban Tổ chức Trung ương và các địa phương, cơ quan, đơn vị nhận thấy vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập. Cụ thể, đối tượng kiểm điểm tự phê bình và phê bình còn chưa bao quát đầy đủ; căn cứ kiểm điểm, đánh giá, xếp loại, nội dung kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân chưa được cập nhật những vấn đề mới, đồng bộ, thống nhất với các văn bản khác của Đảng; tiêu chí đánh giá, tỷ lệ xếp loại chất lượng trong Quy định 132 và các văn bản của Đảng, Nhà nước có liên quan chưa thống nhất, đồng bộ một số nội dung; phương pháp đánh giá, xếp loại có nội dung chưa thống nhất, đồng bộ với các tiêu chí đánh giá trong quy định khác của Đảng; quy trình đánh giá, xếp loại chưa rõ trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan làm công tác tổ chức, cán bộ (thẩm định) và cấp có thẩm quyền (khi xem xét, quyết định mức xếp loại); chưa có quy định về việc công khai kết quả và gắn trách nhiệm đối với cấp trên trực tiếp, nhất là người đứng đầu nhằm bảo đảm chặt chẽ, thực chất…

Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh tham dự Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII. 

Chính vì vậy, Bộ Chính trị đã giao Ban Tổ chức Trung ương tập trung xây dựng Đề án sửa đổi, bổ sung Quy định 132. Dự thảo quy định mới đề xuất sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh một số nội dung, tập trung vào các nhóm vấn đề gồm: về nguyên tắc kiểm điểm phải thực sự cầu thị, đánh giá đa chiều, xếp loại chất lượng phải thực sự dân chủ, toàn diện, công khai; về căn cứ, bổ sung thêm tinh thần đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung, yêu cầu khung năng lực của từng vị trí việc làm và đối chiếu với các tiêu chuẩn của đảng viên được quy định trong Điều lệ Đảng; về đối tượng bổ sung thêm đảng viên bị đình chỉ sinh hoạt đảng, đảng viên mới kết nạp chưa đủ 6 tháng... Bên cạnh đó, dự thảo quy định mới cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung về nội dung kiểm điểm; trách nhiệm, thẩm quyền của cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, quản lý; đối tượng, tiêu chí, phương pháp, quy trình đánh giá, xếp loại; tỷ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; tiêu chí xếp loại chất lượng...

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.