Multimedia Đọc Báo in

Bảo vệ “vùng lãnh thổ” đặc biệt (Kỳ cuối)

08:36, 31/07/2023

Kỳ cuối: Vững thành trì tư tưởng

Trong cuộc đấu tranh bảo vệ “vùng lãnh thổ” đặc biệt - không gian mạng, giữ vững "thành trì" tư tưởng có vai trò, ý nghĩa quan trọng, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng một cách toàn diện, đồng bộ, thường xuyên, hiệu quả.

Xây dựng văn hóa ứng xử gắn với bồi đắp lý tưởng cho thanh niên

Cùng với việc giáo dục văn hóa, những năm gần đây, ngành giáo dục trên địa bàn tỉnh cũng đặc biệt chú trọng giáo dục tư tưởng, chính trị trong môi trường học đường. Thông qua nhiều hoạt động như: sinh hoạt dưới cờ, ngoại khóa, về nguồn, gặp gỡ nhân chứng lịch sử… đã góp phần giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết, tăng “sức đề kháng” cho học sinh trong việc chọn lọc thông tin, nhận diện các thông tin xấu, độc, hình thành văn hóa ứng xử, tư duy phản biện khi tương tác trên không gian mạng.

Cấp ủy xã Cư Pui (huyện Krông Bông) và cán bộ Đoàn các cấp thăm Nhà tưởng niệm Anh hùng Liệt sĩ Y Ơn Niê (xã Cư Pui).

Để góp phần hình thành lối sống đẹp, văn hóa ứng xử trên môi trường mạng cho thế hệ trẻ, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao ý thức cảnh giác của đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Tỉnh Đoàn thường xuyên cung cấp thông tin cho thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 35 của Tỉnh Đoàn, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, thành viên Câu lạc bộ Lý luận trẻ các cấp về các nội dung: chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Đoàn; nhận diện những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng không gian mạng để chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam và trách nhiệm của ĐVTN… làm cơ sở cho các thành viên đấu tranh, phản bác, định hướng tư tưởng cho ĐVTN.

 

Để vững vàng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng cần nâng cao nhận thức và ý thức “tự phòng vệ” cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trước thông tin xấu, độc; “phủ xanh” thông tin tích cực trên không gian mạng; quan tâm giáo dục, bồi đắp lý tưởng cho thế hệ trẻ để việc sử dụng mạng xã hội của những chủ nhân tương lai của đất nước luôn gắn với lợi ích của quốc gia, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc”.

 
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn

Bên cạnh đó, Tỉnh Đoàn cũng tăng cường đưa cán bộ Đoàn về cơ sở, huy động ĐVTN tham gia trực bảo đảm an ninh trật tự trong các đợt cao điểm, sự kiện chính trị quan trọng; tổ chức giao lưu với các nhân chứng lịch sử, sinh hoạt dưới cờ, hội thi kể chuyện về Bác, đối thoại với cấp ủy, chính quyền, hành trình về địa chỉ đỏ, “đền ơn đáp nghĩa”, tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng bộ địa phương… Đồng thời, thường xuyên lựa chọn những câu chuyện hay, hình ảnh đẹp, tuyên truyền, thông tin nhân tố tích cực, gương người tốt, việc tốt, phản bác lại các thông tin xấu, độc trên trang fanpage Tỉnh Đoàn, mạng xã hội nhằm truyền cảm hứng cho các bạn trẻ. Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã thực hiện số hóa 4 di tích lịch sử và hơn 200 đầu sách viết về Bác Hồ, tạo mã QR, tuyên truyền trên các trang mạng xã hội để ĐVTN thuận lợi trong việc tìm hiểu di tích lịch sử, đọc sách.

Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Phan Thị Trinh khẳng định: Qua công tác giáo dục chính trị tư tưởng và các hoạt động xung kích tình nguyện vì cộng đồng, thế hệ trẻ đã được tôi rèn về bản lĩnh, bồi đắp hoài bão, lý tưởng, khát vọng và trách nhiệm, góp phần hình thành lối sống đẹp, văn hóa ứng xử, nhất là khi tương tác trên không gian mạng.

Làm chủ không gian mạng

Trước “ma trận” thông tin trên không gian mạng, để nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật cho người dân, thời gian qua, các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục chính trị tư tưởng bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Các nghị quyết của Đảng được quán triệt nghiêm túc từ tỉnh đến cơ sở bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến. Cùng với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII), cấp ủy các cấp đã tích cực triển khai việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo sức lan tỏa rộng rãi, sự đồng thuận trong nhân dân.

Trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm đến việc phát huy ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc sử dụng Internet và mạng xã hội, chấp hành Luật An ninh mạng và Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã ban hành Chỉ thị số 45-CT/TU, ngày 19/2/2020 về nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc sử dụng Internet và mạng xã hội, đấu tranh phản bác các quan điểm, thông tin sai trái, thù địch trong tình hình mới.

Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh gặp gỡ, tuyên truyền người dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Các cơ quan báo, đài, trang thông tin điện tử đã chủ động đổi mới phương thức truyền thông, ứng dụng công nghệ số trong việc truyền tải, đăng phát thông tin lên môi trường mạng với nhiều cách thức, loại hình phù hợp với từng chủ thể tiếp nhận thông tin ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hệ thống các fanpage, trang mạng xã hội của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh cũng đã góp phần quan trọng lan tỏa hình ảnh đẹp, gương người tốt, việc tốt, những việc làm nhân ái vì cộng đồng, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Công an huyện Ea H'leo triển khai nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng.

Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Chiến Thắng khẳng định, việc ứng dụng nền tảng công nghệ trong công tác truyền thông trên không gian mạng có tác dụng lan tỏa rộng rãi, xuyên suốt, nhanh chóng đưa thông tin chính thống, tích cực đến với từng người dân, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trên địa bàn tỉnh, góp phần dẫn dắt, định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong xã hội. “Sức đề kháng” của từng người tăng lên sẽ tạo thành “miễn dịch” cộng đồng, tạo sự vững vàng của “thế trận lòng dân” trên không gian mạng.

Nguyễn Xuân - Song Quỳnh - Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.