Multimedia Đọc Báo in

“Dân vận khéo” trong vùng dân tộc thiểu số ở Ea Kar: Phát huy vai trò những “cầu nối”

08:33, 26/07/2023

Thôn Thanh Bình (xã Ea Sar) có trên 97% dân số là người dân tộc thiểu số (DTTS) phía Bắc. Trước đây, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, thường xuyên thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô.

Với vai trò là người có uy tín của thôn, ông Hà Xuân Đẹt đã đến từng gia đình để tuyên truyền, vận động người dân tham gia học nghề, chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng mắc ca, cây ăn quả, sử dụng nước tiết kiệm...

Ông Đẹt cho hay, cán bộ cơ sở gần gũi dân, biết cách nói, phân tích cho người dân hiểu rõ từng vấn đề thì các chính sách sẽ đi vào cuộc sống. Bà con trong thôn đồng lòng, đoàn kết hiến đất, đóng góp tiền, ngày công làm đường, xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng, đào ao trữ nước giúp nhau qua mùa khô hạn, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, không tham gia mua bán hàng đa cấp, không vay tiền lãi suất cao của “tín dụng đen”.

Bà Amí Toàn (thứ ba từ phải sang) cùng các thành viên Tổ hợp tác dệt thổ cẩm buôn M'Oa (xã Cư Huê, huyện Ea Kar) nỗ lực giữ gìn, phát huy nghề dệt thổ cẩm.

Với 6 buôn đồng bào DTTS, xã Cư Huê cũng chú trọng thực hiện công tác “dân vận khéo” và phát huy hiệu quả vai trò “cầu nối” của các già làng, trưởng ban công tác Mặt trận, cấp ủy, ban tự quản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư.

Tiêu biểu có thể kể đến bà Amí Toàn, Trưởng Ban công tác Mặt trận buôn M’Oa (xã Cư Huê). Để “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, bà Amí Toàn đã cùng với các đơn vị kết nghĩa, các ban, ngành, địa phương, tổ dân vận buôn bám sát cơ sở.

Nhờ nắm rõ từng hộ, bà đã tuyên truyền, vận động bà con không tin, không nghe theo kẻ xấu, chí thú làm ăn, nuôi dạy con cái, giữ gìn vệ sinh môi trường và tham gia giữ gìn nghề dệt thổ cẩm, nấu rượu cần để phát triển du lịch cộng đồng.

Amí Toàn còn đứng ra vận động chị em, thanh thiếu niên tham gia các lớp dạy dệt thổ cẩm, cồng chiêng và thành lập Tổ hợp tác dệt thổ cẩm buôn M’Oa. Đồng thời, phối hợp vận động người dân tham gia xây dựng các công trình công cộng; thành lập đội cồng chiêng, đội văn nghệ... Buôn M’Oa vì vậy trở thành một trong những buôn đi đầu trong các phong trào hoạt động của xã.

Lãnh đạo UBND xã Ea Sar, huyện Ea Kar (bìa phải) khảo sát mô hình chuyển đổi cây trồng của người dân trên địa bàn xã.

Huyện Ea Kar có 28 dân tộc cùng sinh sống, đồng bào DTTS chiếm 31,8% dân số. Xác định công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS đóng vai trò quan trọng, thời gian qua, huyện Ea Kar đã tập trung kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở, đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, phân công cán bộ là người DTTS phụ trách những địa bàn có đông đồng bào DTTS nhằm hướng dẫn, hỗ trợ bà con giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật; phát hiện, ngăn chặn kịp thời các âm mưu, thủ đoạn chống phá của thế lực thù địch, hoạt động của các loại tội phạm, "tín dụng đen"...

Đồng thời, huyện cũng chú trọng công tác kết nghĩa với các buôn đồng bào DTTS, tổ chức thăm, tặng quà, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hộ khó khăn vùng DTTS, thực hiện tốt công tác phát động quần chúng; gặp gỡ, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân nhằm nắm bắt, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh tại cơ sở...

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đượm nghĩa tri ân
Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk luôn dành sự quan tâm đặc biệt, triển khai nhiều hoạt động chăm lo cho Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.