Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh: Nâng tầm trí tuệ

08:19, 15/08/2023

Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 6/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” khẳng định: “Trong mọi thời đại, tri thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội, đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức. Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững”.

Trên tinh thần đó, việc xây dựng đội ngũ trí thức ở Đắk Lắk được đặc biệt chú trọng với những giải pháp phù hợp để tạo động lực thúc đẩy sự sáng tạo, cống hiến, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Kỳ 1: Nguồn lực đặc biệt cho sự phát triển

Có mặt trên tất cả các lĩnh vực đời sống, kinh tế - xã hội, chính trị, khoa học công nghệ… đội ngũ trí thức đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh Đắk Lắk; góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

Phát huy năng lực sáng tạo

Đội ngũ trí thức là lực lượng trực tiếp nghiên cứu, sáng tạo và chuyển giao khoa học công nghệ; tăng năng suất lao động, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Đội ngũ trí thức có mặt ở các ngành, các cấp, nhiều người trong số những nhà khoa học tài năng, có tâm, có tầm, những cán bộ lãnh đạo chuyên môn, quản lý giỏi đã tham mưu tốt cho các cấp ủy đảng, các tổ chức chính trị xã hội, các cấp chính quyền địa phương…

Người tiêu dùng tìm hiểu các sản phẩm được sản xuất từ các chương trình nghiên cứu khoa học.

Nổi bật là sự tích cực trong việc cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của tỉnh; tham gia nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội, góp phần phát huy dân chủ cơ sở, giúp cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền xem xét, giải quyết những vấn đề quan trọng của địa phương; tiên phong trong việc thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và sáng kiến có giá trị và ứng dụng vào thực tiễn một cách hiệu quả...

Đơn cử như trong lĩnh vực trồng trọt đã chuyển giao thành công công nghệ ghép chồi cà phê; ứng dụng công nghệ sinh học trong nhân giống cà phê phục vụ chương trình tái canh; phát triển sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Trong chăn nuôi, đã chuyển giao quy trình vỗ béo bò; chương trình cải tạo đàn bò địa phương tại huyện Ea Kar và Ea Súp. Sự phát triển các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục, khoa học xã hội... đều mang đậm dấu ấn của đội ngũ trí thức.

 

Tính đến cuối năm 2022, đội ngũ trí thức của tỉnh Đắk Lắk có hơn 46.000 người, trong đó đội ngũ có trình độ cao gần 15.000 người (124 tiến sĩ, 1.607 thạc sĩ, 3 người có chức danh giáo sư và 34 phó giáo sư…).

Trong các doanh nghiệp, đội ngũ trí thức cũng đã từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm, góp phần khẳng định thương hiệu và sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường trong nước và thế giới; nhất là trên lĩnh vực sản xuất, chế biến cà phê, nông lâm sản. Có thể kể đến việc chuyển giao quy trình chế biến ca cao theo quy mô công nghiệp tại Công ty Ca cao Nam Trường Sơn; hệ thống nhà màng, lò sấy, lò đốt rác… của Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Đăng Phong; quy trình, thiết bị máy chế biến cà phê quy mô nông hộ tại Công ty Cơ khí Viết Hiền…

Những “đầu tàu” ở cơ sở

Kỹ sư Nguyễn Đăng Phong, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Đăng Phong (Cụm công nghiệp Tân An) là một trong những trí thức tiêu biểu có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là trong ngành chế tạo. Không chỉ là người đầu tiên sản xuất bơm điện thả chìm ở Việt Nam với nhiều dòng sản phẩm phục vụ đời sống, sản xuất, cá nhân ông Phong và Công ty còn được biết đến là doanh nghiệp khoa học công nghệ ứng dụng sản xuất và phát triển sản phẩm năng lượng sạch; là người nghiên cứu và sản xuất thiết bị nhà màng, nhà sấy để hỗ trợ bà con nông dân trong việc chế biến, sản xuất nông nghiệp. Gần đây, ông đã nghiên cứu sản xuất lò đốt rác thải sinh hoạt sử dụng các loại phế phẩm trong nông nghiệp như vỏ cà phê, cùi ngô, bã sắn…

Kỹ sư Nguyễn Đăng Phong (bên phải) hướng dẫn công nhân thao tác vận hành máy móc tại Công ty.

Thực tế cho thấy, những sản phẩm mà ông Phong và doanh nghiệp sản xuất và đưa ra thị trường từng bước đáp ứng nhu cầu của đời sống nhân dân và nền kinh tế xã hội; hơn thế nữa, còn góp phần khẳng định, tạo vị thế cho nền công nghiệp chế tạo của tỉnh Đắk Lắk.

Với kiến thức chuyên môn về ngành Luật được đào tạo bài bản, ông Nguyễn Thanh Hưng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Đắk Nuê (huyện Lắk) đã vận dụng sáng tạo, hiệu quả trong công việc. Đảm nhận vai trò chủ chốt ở một địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp; đặc biệt thời điểm đó, Đắk Nuê nằm trong danh sách địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự (ANTT) của huyện Lắk nên để thực hiện các nhiệm vụ, nhất là việc thay đổi phong tục, tập quán của bà con vùng di dân tự do là điều không dễ. Xác định điều đó, ông Hưng luôn sâu sát địa bàn, lắng nghe những chia sẻ của người dân để nhìn nhận, đánh giá đúng thực trạng và đưa ra giải pháp phù hợp trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân từ sản xuất lúa gạo hữu cơ; hỗ trợ nông dân trên địa bàn đăng ký hồ sơ cấp mã vùng trồng cho khoảng 130 ha khoai lang Nhật. Đây là loại cây trồng có nhiều tiềm năng và được kỳ vọng sẽ thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển nếu được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc trong thời gian tới.

Bí thư Đảng ủy xã Đắk Nuê Nguyễn Thanh Hưng (bìa trái) cùng cán bộ địa phương kiểm tra mô hình trồng nhãn hương chi của hộ dân.

Đặc biệt, với quyết tâm đưa xã Đắk Nuê ra khỏi vùng trọng điểm về ANTT, lãnh đạo xã luôn đồng hành cùng với cán bộ thôn, buôn, hệ thống chính trị cơ sở tích cực tuyên truyền người dân, nhất là vùng di dân tự do ở buôn Đắk Sar và buôn Dlei không phá rừng làm nương rẫy; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con để kịp thời tham mưu Đảng ủy, UBND xã các giải pháp giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, khó khăn, vướng mắc phát sinh ở địa bàn; vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm… Với những nỗ lực đó, tháng 8/2021, xã Đắk Nuê chính thức thoát khỏi danh sách địa bàn trọng điểm phức tạp về ANTT.

(Còn nữa)

Kỳ 2: Phát triển nguồn nhân lực: Còn những “điểm nghẽn”

Thúy Hồng - Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc