Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng:
Giữ rừng gắn với sinh kế đồng bào dân tộc thiểu số (kỳ 2)
Kỳ 2: Bảo vệ rừng từ quyết sách của Đảng
Tình trạng mất rừng đặt ra đòi hỏi cấp bách cần phải có những giải pháp đồng bộ, chặt chẽ để bảo vệ và phát triển rừng một cách hiệu quả, bền vững. Và Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng" (Chỉ thị 13) ban hành kịp thời được xem là “tấm khiên” bảo vệ, ngăn chặn tình trạng suy giảm rừng cả nước nói chung, Đắk Lắk nói riêng.
“Cú hích” từ Chỉ thị 13
Chỉ thị 13 đã đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần thực hiện, với giải pháp cấp bách và mang tính căn cơ cho công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng (QLBVPTR). Đồng thời chỉ rõ: “Gắn mục tiêu bảo vệ, phát triển rừng với hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống, việc làm, an sinh xã hội cho người dân địa phương, đồng bào dân tộc miền núi, biên giới, nhất là cho người dân làm nghề rừng”.
Người dân buôn Ja (xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông) cùng lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Chư Yang Sin tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Khánh Huyền |
Nhằm cụ thể hóa các nội dung Chỉ thị 13 và gắn với thực tiễn tại địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 13-CTr/TU, ngày 19/5/2017 về “Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác QLBVPTR” (gọi tắt Chương trình số 13), cùng nhiều văn bản liên quan. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng đã tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội tại địa phương cũng như lập các dự án bố trí đất ở và đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và người dân di cư tự do. Các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức, đoàn thể cũng thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không xâm canh, lấn chiếm đất rừng, chặt phá, hủy hoại rừng để lấy đất sản xuất.
Triển khai Chương trình số 13, HĐND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức hai cuộc giám sát chuyên đề về việc chấp hành pháp luật liên quan công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Qua đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, hạn chế sai phạm; phát huy được những kết quả tích cực, góp phần thực hiện tốt hơn công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh. |
Đơn cử như huyện M’Drắk, là một trong những địa phương có số lượng đông đảo các hộ đồng bào DTTS sinh sống gần rừng, gắn với rừng, Huyện ủy M’Drắk đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/UH về nhiệm vụ QLBVPTR trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Bên cạnh phát huy hiệu quả trong việc bảo vệ, phát triển rừng, việc tạo sinh kế ổn định cho đồng bào yên tâm giữ rừng là điều được địa phương nỗ lực thực hiện.
Hay ở cấp xã, hầu hết địa phương có rừng đều có những nghị quyết chuyên đề về QLBVPTR. Chẳng hạn tại xã Yang Mao (huyện Krông Bông) đã có Nghị quyết số 06-NQ/ĐU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ủy về công tác QLBVPTR và đất rừng trên địa bàn xã Yang Mao. Ông Trần Kim Phụng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Yang Mao cho biết, Nghị quyết số 06 đã cụ thể hóa Chỉ thị 13 và Chương trình số 13. Bên cạnh giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mình đối với công tác QLBVPTR, quản lý sử dụng đất rừng trên địa bàn, Nghị quyết số 06 cũng đã định hướng những giải pháp cụ thể để làm tốt công tác này. Đặc biệt, liên quan đến sinh kế cho người dân gắn với rừng, Nghị quyết số 06 đã yêu cầu soát xét, quy định thống nhất trách nhiệm của các bên liên quan trong quản lý, bảo vệ rừng để tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng; đảm bảo kinh phí cho các hộ nhận khoán để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng theo quy định.
Giữ rừng là giữ “mái nhà chung”
Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 13, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiều biện pháp quyết liệt trong công tác QLBVPTR; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng. Qua đó, đã tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức, hành động của cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành và nhân dân trên địa bàn tỉnh đối với công tác QLBVPTR.
Đặc biệt, từ “cú hích” của Chỉ thị 13, chính sách về chi trả dịch vụ môi trường rừng đã ngày càng phát huy hiệu quả rõ rệt trong cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng, nhất là vùng đồng bào DTTS. Đến nay, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh đã chi trả cho các hộ dân, chủ rừng trên địa bàn hơn 488 tỷ đồng (đạt 100% kế hoạch), góp phần tạo việc làm, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng, chủ yếu là đồng bào DTTS.
Cán bộ Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lắk tuyên truyền đến đồng bào nhận khoán rừng của đơn vị về công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ảnh: Minh Thông |
Trong số đó, nhiều buôn đồng bào DTTS giáp ranh Vườn Quốc gia Chư Yang Sin cũng đang sát cánh cùng lực lượng kiểm lâm của Vườn bảo vệ rừng nhờ được hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đơn vị hiện đã giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho 1.700 hộ dân cùng với những giải pháp đồng bộ, nhất là bảo đảm sinh kế cho đồng bào DTTS sống gần rừng.
“Thành quả của Chỉ thị 13 rất to lớn trên nhiều lĩnh vực, chỉ tính riêng Tây Nguyên, nếu không có Chỉ thị 13 thì sẽ có thêm rất nhiều diện tích rừng bị chuyển đổi sang trồng cây công nghiệp, làm thủy điện, nhờ sự rà soát kỹ từ chỉ đạo của Chỉ thị này đã giúp vùng Tây Nguyên ngăn chặn được hàng trăm dự án kinh tế - xã hội xâm hại đến rừng” - ông Hà Công Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT. |
Ông Y Ban Niê, Trưởng buôn Ja (xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông) cho hay, trước đây cứ đến mùa đốt nương làm rẫy, người dân trong buôn thường vào rừng “lấy” đất để sản xuất; bà con còn thường xuyên vào rừng để lấy mủ thông, mật ong… Thế nhưng từ năm 2011 đến nay, khi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được thực hiện, bà con buôn Ja đã chuyển sang nhận khoán bảo vệ rừng. Bình quân mỗi hộ nhận khoảng 15 ha rừng với Vườn Quốc gia Chư Yang Sin và mỗi năm sẽ nhận được từ 12 – 20 triệu đồng (tùy theo lưu vực được phân công phụ trách). Số tiền nói trên đã góp phần quan trọng vào việc ổn định cuộc sống của đồng bào nơi đây. Với tính cộng đồng cao, đồng bào buôn Ja cũng là “tai mắt” của lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Chư Yang Sin để ngăn chặn kịp thời, hiệu quả khi có người lạ vào rừng, có dấu hiệu xâm phạm tài nguyên rừng trái phép.
Tương tự, tại Vườn Quốc gia Yok Đôn có buôn Đrăng Phốk (thuộc xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) nằm trong vùng lõi của Vườn, với khoảng 135 hộ dân, trên 500 nhân khẩu, trong đó chủ yếu là đồng bào Êđê, M'nông, Lào, Nùng... Trước đây, bà con chủ yếu sinh sống bằng nghề nông, đi rừng lấy lâm sản cũng như săn voi, thuần dưỡng voi. Tuy nhiên, kể từ khi Vườn Quốc gia Yok Đôn được thành lập cùng với chính sách bảo vệ voi được triển khai, người dân buôn Đrăng Phốk đã thay đổi sinh kế. Hiện có 100/135 hộ dân của buôn Đrăng Phốk đã tham gia vào công tác bảo vệ, quản lý rừng với Vườn Quốc gia Yok Đôn.
Theo Hạt phó Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Đôn Phan Thành Hòa, hiện nay việc hợp tác bảo vệ rừng giữa Vườn và buôn Đrăng Phốk được triển khai theo phương thức khoán cả cộng đồng, với kinh phí 400.000 đồng/ha/năm. Theo đó, người dân trong buôn ngoài công việc đồng áng còn phối hợp với Trạm Kiểm lâm Đrăng Phốk tuần tra, bảo vệ, tuyên truyền và xử lý vật liệu cháy có kiểm soát trong mùa khô. Ngoài chính sách bảo vệ rừng, buôn còn được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ phát triển cộng đồng thôn, buôn vùng đệm rừng đặc dụng, với số tiền 40 triệu đồng/năm. Từ việc chung tay giữ rừng, vào các ngày lễ, Tết, Vườn đã phối hợp với cơ quan có liên quan tại địa phương tổ chức và hỗ trợ nhiều hoạt động thiết thực nhằm thắt chặt tình đoàn kết giữa các cơ quan với buôn đồng bào DTTS ở buôn kết nghĩa Đrăng Phốk.
(Còn nữa)
Kỳ cuối: Giữ rừng để thêm sinh kế cho dân
Cao Minh Giang
Ý kiến bạn đọc