Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII: Để ba khâu đột phá thực sự tạo đột phá
Một trong những hạn chế đã được thẳng thắn chỉ ra trong nửa nhiệm kỳ 2020 - 2025 triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII là một số chỉ tiêu đạt thấp, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện ba khâu đột phá còn chậm, hiệu quả chưa cao.
Làm thế nào để các khâu đột phá thực sự tạo đột phá, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra là vấn đề đang được tỉnh rốt ráo tìm hướng tháo gỡ.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung cùng Đoàn công tác của tỉnh kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện công trình Hồ chứa nước Krông Pách Thượng tại huyện Ea Kar. |
Một số chỉ tiêu quan trọng đạt thấp
Theo đánh giá của Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, trong nửa nhiệm kỳ (2020 - 2025) triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, tỉnh đã cơ bản thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh COVID-19, vừa thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, giai đoạn 2021 - 2023, trong số 16 chỉ tiêu kinh tế - xã hội vẫn còn 4 chỉ tiêu cơ bản đạt nhưng có một phần đạt thấp gồm: phát triển cơ sở hạ tầng; phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã; lao động, việc làm; môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, có 2 chỉ tiêu nhiều khả năng không đạt kế hoạch gồm: tổng thu ngân sách thấp hơn kế hoạch 1.557 tỷ đồng, số xã đạt chuẩn nông thôn mới thấp hơn kế hoạch 4 xã và số đơn vị cấp huyện hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới thấp hơn kế hoạch một huyện.
“Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 7%/năm, thu ngân sách đến năm 2025 đạt trên 12.500 tỷ đồng (tăng bình quân 8%/năm), thực hiện đạt và vượt 21 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra thì nhiệm vụ còn lại trong nhiệm kỳ hết sức nặng nề. Cho nên cần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực hiện ba khâu đột phá. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị" - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung. |
Đặc biệt, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện ba khâu đột phá có lúc, có nơi còn chậm, chưa đạt hiệu quả cao. Cụ thể, đối với khâu đột phá 1 về đẩy mạnh cải cách hành chính, mặc dù đã được nhiều kết quả nổi bật nhưng theo Giám đốc Sở Nội vụ Bạch Văn Mạnh, vẫn còn tình trạng giải quyết thủ tục hành chính trễ hẹn, nhất là lĩnh vực đất đai, năm 2022, số hồ sơ đất đai trễ hạn của tỉnh là 46.861 hồ sơ (tăng 9 lần so với năm 2021), ảnh hưởng rất lớn đến kết quả cải cách hành chính của tỉnh.
Khâu đột phá 2 về tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến cuối năm 2022 đạt 62%, thấp hơn bình quân chung của cả nước (đạt 65%); tỷ lệ tuyển sinh mới trình độ cao đẳng, trung cấp còn thấp, chỉ mới chiếm 7,5% tổng chỉ tiêu tuyển sinh giai đoạn 2020 - 2023; nguồn nhân lực cho nghiên cứu, phát triển, ứng dụng các công nghệ 4.0 chiếm tỷ lệ nhỏ, chất lượng thấp; xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp còn chậm…
Khâu đột phá 3 về đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại bước đầu đạt nhiều kết quả quan trọng, từng bước đồng bộ với nhiều dự án trọng điểm, góp phần tạo động lực phát triển. Tuy nhiên, theo đánh giá của Giám đốc Sở Giao thông vận tải Đỗ Quang Trà, tỷ lệ các loại đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện, xã chưa bảo đảm theo mô hình hình chóp phù hợp (1 : 2 : 4 : 8), các tuyến đường tỉnh, huyện chưa được nhựa hóa, bê tông hóa hoàn toàn, chưa ngang tầm với nhu cầu phát triển thực tiễn…
Tập trung gỡ khó
Để đạt chỉ tiêu chỉ số cải cách hành chính tỉnh đến năm 2025 nằm trong nhóm 20 tỉnh dẫn đầu cả nước, Giám đốc Sở Nội vụ Bạch Văn Mạnh cho rằng, thời gian tới, cần phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện cải cách hành chính với mục tiêu “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”. Bên cạnh đó, tăng cường giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến để bảo đảm sử dụng tối đa các tiện ích của chính quyền số, nâng cao tỷ lệ thanh toán điện tử; tăng cường hướng dẫn cho người dân thực hiện chuyển đổi số, giải quyết thủ tục hành chính theo hình thức trực tuyến…
Giải quyết “bài toán” về nguồn nhân lực chất lượng cao, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về đào tạo, đào tạo lại và sử dụng nguồn nhân lực, phát triển nguồn nhân lực phải toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, tầm nhìn dài hạn, bảo đảm tính hài hòa về cơ cấu và cân đối nhân lực theo ngành, lĩnh vực, vùng trên cơ sở cơ cấu kinh tế và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã được đề ra trong Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh.
Sản xuất, chế biến các sản phẩm gang thép tại Công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ Đắk Hải (Cụm công nghiệp Tân An, TP. Buôn Ma Thuột). |
Đối với mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Đỗ Quang Trà, cần xem đây là nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm, khâu đột phá vừa cấp bách, vừa lâu dài và ưu tiên thực hiện nhằm “đi trước, mở đường”, tạo tiền đề, động lực cho sự phát triển. Trong đó, cần tạo môi trường đầu tư thuận lợi, hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư thực hiện dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; huy động nguồn lực xã hội thông qua phương thức đối tác công tư (PPP); sử dụng nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông theo hướng trọng tâm, trọng điểm, đồng thời, thực hiện tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, bảo đảm đời sống người dân trong vùng dự án...
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc