Tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 22, nâng cao uy tín, vị thế đất nước trên trường quốc tế
Sáng 2/8, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế” đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc Phiên họp lần thứ nhất dưới sự chủ trì của đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo.
Tham dự tại điểm cầu Hà Nội còn có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trần Hồng Hà; Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trần Lưu Quang; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương. Tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn cùng lãnh đạo một số sở, ngành.
Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu khai mạc phiên họp. |
Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng một số tỉnh thành đã trình bày báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 22 liên quan đến lĩnh vực bộ, ngành, địa phương mình phụ trách. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương xác định ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.
Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 22, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao chính thức với toàn bộ 35 quốc gia châu Mỹ và 192 quốc gia trên thế giới; nâng cấp quan hệ từ đối tác chiến lược lên đối tác chiến lược toàn diện với nhiều nước; tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình cũng như nhiều hiệp định thương mại tự do và liên kết thương mại...
Kết quả thực hiện Nghị quyết 22 đã góp phần quan trọng, củng cố môi trường hòa bình, giúp đất nước tranh thủ tối đa các điều kiện quốc tế thuận lợi, phát triển đất nước nhanh và bền vững, nâng cao đời sống nhân dân, quảng bá hình ảnh Việt Nam, bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc cũng như tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín Việt Nam trên trường thế giới.
Tại hội nghị các đại biểu cũng đã thảo luận, phân tích những tồn tại hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị quyết 22 như: nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, các bộ ngành, địa phương đối với công tác này vẫn chưa đầy đủ; hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế và mở rộng quan hệ ở các lĩnh vực khác chưa được triển khai đồng bộ, nhịp nhàng trong một chiến lược tổng thế; vai trò của các doanh nghiệp trong việc tham gia hội nhập quốc tế vẫn chưa rõ nét...
Phát biểu kết luận phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Phạm Minh Chính nhấn mạnh hội nhập quốc tế là một chủ trương xuyên suốt của Đảng, có ý nghĩa chiến lược, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển, vì vậy các bộ ngành, địa phương cần chủ động tích cực, tham gia hội nhập quốc tế sâu rộng hơn nữa, chuyển từ nhận thức sang hành động quyết liệt, tiếp tục thực hiện đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế nhằm phát huy tối đa tiềm lực, thế mạnh phát triển đất nước, song vẫn đảm bảo nguyên tắc, đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vì lợi ích quốc gia dân tộc.
Đại biểu dự họp tại điểm cầu Đắk Lắk. |
Bên cạnh đó cũng cần tiếp tục phân tích, làm rõ những nguyên nhân tồn tại để có giải pháp khắc phục trong quá trình triển khai Nghị quyết thời gian tới như: học hỏi, tích lũy kinh nghiệm trong giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quá trình hội nhập quốc tế; chú trọng đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cho các hoạt động hội nhập quốc tế; khuyến khích phát huy vai trò tiên phong của doanh nghiệp trong hội nhập quốc tế; xây dựng chủ trương, định hướng để các lĩnh vực hội nhập quốc tế gắn kết với nhau, đi vào thực chất, lĩnh vực này hỗ trợ, làm bệ đỡ cho lĩnh vực khác...
Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc