Multimedia Đọc Báo in

Báo chí - vũ khí đấu tranh sắc bén của đồng chí Nguyễn Phong Sắc

15:05, 25/09/2023

Phong trào cách mạng 1930 - 1931, với đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh, là mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng Việt Nam, thể hiện rõ vai trò, bản lĩnh, uy tín, sức chiến đấu và khả năng to lớn của Ðảng ta trong lãnh đạo, tổ chức nhân dân đấu tranh làm nên lịch sử; là thành quả chung của biết bao cán bộ, đảng viên ưu tú và quần chúng trung kiên đã anh dũng hy sinh, trong đó có vai trò và dấu ấn hết sức quan trọng của đồng chí Nguyễn Phong Sắc (1902 – 1931).

Với cương vị là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, sau đó là Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương chính thức và Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ, đồng chí Nguyễn Phong Sắc là một trong những người lãnh đạo trực tiếp cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh.

Báo chí đối với đồng chí Nguyễn Phong Sắc là thứ vũ khí sắc bén trong đấu tranh cách mạng. Theo đó, khi có mặt tại Nghệ Tĩnh, đồng chí Nguyễn Phong Sắc tích cực tổ chức, thành lập, cho ra mắt nhiều tờ báo, đã tác động tích cực, thúc đẩy tinh thần đấu tranh cách mạng của dân chúng lên cao.

Đồng chí Nguyễn Phong Sắc - người trực tiếp phụ trách Xứ ủy Trung Kỳ, lãnh đạo phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh; những bài báo của Xứ ủy Trung Kỳ cổ vũ tinh thần đấu tranh cách mạng trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Ảnh tư liệu

Tháng 7/1929, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, tờ báo Bônsêvích ra đời. Tờ báo in Tuyên ngôn của Đông Dương Cộng sản Đảng và những chủ trương, sách lược tập hợp các tổ chức chính trị; tuyên truyền đường lối đấu tranh chống đế quốc, phong kiến và bọn tay sai, đoàn kết toàn dân để giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc. In ấn phát hành trong hoàn cảnh bí mật nhưng Bônsêvích vẫn đến được với quần chúng công, nông. Mỗi đảng viên là một người phát hành tích cực dũng cảm của báo. Nhiều cơ sở Hội Thanh niên ở Nghệ An đã chuyển thành chi bộ cộng sản đầu tiên.

Tháng 8/1929, đồng chí Nguyễn Phong Sắc cho ra mắt tờ báo Công hội nhằm tuyên truyền cho việc thành lập “Công hội đỏ” ở Nghệ An và định hướng cho những hoạt động của tầng lớp công nhân, từ đấu tranh tự phát lên đấu tranh tự giác.

Tháng 10/1929, đồng chí Nguyễn Phong Sắc lại cho ra tờ báo Công Nông Binh. Tờ báo đã vạch lối, đưa đường cho sự đoàn kết giữa các tầng lớp bị đàn áp, bóc lột trong xã hội cùng đứng lên chống lại kẻ thù chung của dân tộc. Tờ báo Công Nông Binh là sự chuẩn bị, là đêm trước cho sự liên minh của các lực lượng cách mạng công - nông - binh trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh và các giai đoạn cách mạng sau này.

Để giúp cho Chi bộ Sinh hội Đỏ nhanh chóng phát triển lực lượng và hoạt động có hiệu quả, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã cho ra đời tờ báo Xích Sinh vào cuối tháng 11/1929. Tờ báo tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản, phê phán tư tưởng cải lương, luận điệu bài xích cộng sản, đồng thời tuyên truyền chủ trương hợp nhất các tổ chức đảng thành một đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ sau ngày 1/5/1930, công tác tuyên truyền của Đảng bộ, nhất là lĩnh vực báo chí xuất hiện ngày càng nhiều. Các bộ phận ấn loát (in ấn) của Xứ ủy, Tỉnh ủy ra sức in báo chí, truyền đơn để phân phát nội bộ và rải, dán khắp mọi nơi. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc vừa lãnh đạo phong trào toàn xứ, vừa viết bài, vừa chỉ đạo việc in ấn. Đồng thời, đồng chí đã kịp thời cho ra mắt tờ báo Người lao khổ, số đầu tiên ra vào tháng 4/1930 nhằm tuyên truyền đường lối đấu tranh cách mạng, sách lược cách mạng của Đảng vận dụng vào hoàn cảnh chính trị, kinh tế, xã hội tại miền Trung và từng địa phương.

Ngày 13/9/1930, tờ Lao khổ – kế tục tôn chỉ, mục đích của báo Người lao khổ, trong đó đồng chí Nguyễn Phong Sắc viết nhiều bài kêu gọi thợ thuyền và dân cày đứng lên đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đồng chí còn viết một cuốn sách nhỏ nhan đề: “Tại sao dân Nghệ An đói?” (in li-tô, dày khoảng 24 trang). Cuốn sách phân tích sâu sắc sự áp bức bóc lột của đế quốc Pháp và bọn phong kiến tay sai; hạn hán làm mất mùa, bọn thống trị không cho dân làm thủy lợi. Vì thế, dân đói khổ phải vùng lên đấu tranh.

Khi phong trào cách mạng ở Nghệ Tĩnh càng phát triển mạnh, ban ngày đồng chí Nguyễn Phong Sắc đi đến các cơ sở để chỉ đạo và nắm tình hình các cuộc đấu tranh; đêm đến, đồng chí viết báo để kịp đăng trên các tờ báo cách mạng ở Trung kỳ như báo Người lao khổ, báo Tiến lên và báo Bước tới để động viên, khích lệ tinh thần đấu tranh của quần chúng nhân dân. Qua báo chí, đồng chí đã vạch mặt kẻ thù, kêu gọi đồng bào vùng lên đấu tranh giành tự do cơm áo và các quyền lợi thiết thực khác. Bằng văn phong sắc sảo, dễ hiểu, các bài viết của đồng chí trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh như ngọn đuốc soi đường, định hướng cho nhân dân Nghệ Tĩnh đấu tranh, đó cũng là yếu tố làm cho phong trào cách mạng phát triển nhanh, mạnh, chính quyền Xô viết được thành lập ở nhiều địa phương.

Nguyễn Cẩm


Ý kiến bạn đọc