Multimedia Đọc Báo in

Công tác tuyên giáo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số:

Kiện toàn đội ngũ, đổi mới phương thức hoạt động

08:09, 15/09/2023

Xác định việc nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào vùng dân tộc thiểu số (DTTS) đóng vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động, định hướng dư luận xã hội, ban tuyên giáo các cấp trong tỉnh đã kiện toàn, tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công tác tuyên giáo cấp cơ sở, tạo sự thay đổi cả về “lượng” và “chất”.

Đa dạng phương thức tuyên truyền

Xã Ea Drơng (huyện Cư M’gar) có 3.360 hộ với 15.398 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Êđê chiếm 67,5% dân số. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên giáo trong vùng đồng bào DTTS, xã đã thành lập, kiện toàn Ban Tuyên giáo Đảng ủy xã (kiêm nhiệm), do Bí thư Đảng ủy xã làm Trưởng ban, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phụ trách theo mảng công việc, địa bàn. Ngoài 2 thành viên trong Ban Tuyên giáo Đảng ủy xã là cán bộ người DTTS, các thành viên còn lại đều có chứng chỉ tiếng Êđê để thực hiện công tác tuyên truyền miệng. Bên cạnh đội ngũ cán bộ tuyên giáo cấp xã, Đảng ủy xã Ea Drơng còn phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, ban tự quản, đoàn thể 13 thôn, buôn, nhất là già làng, người có uy tín của 7 buôn đồng bào DTTS trên địa bàn xã.

Cùng với kiện toàn đội ngũ, Đảng ủy xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đổi mới cách thức hoạt động công tác tuyên giáo. Từ năm 2019 đến nay, xã Ea Drơng đã đầu tư trang thiết bị để thực hiện học tập, quán triệt các nghị quyết, văn bản mới của Trung ương, của tỉnh bằng hình thức trực tuyến. Nhờ vậy, đội ngũ cán bộ chủ chốt của xã và ban tự quản, các đoàn thể thôn, buôn, 21 cấp ủy chi bộ và 281 đảng viên toàn đảng bộ xã đều được tham dự, tạo sự đồng bộ trong việc tiếp thu và triển khai thực hiện. Ông Y Sich Kbuôr, Trưởng buôn Gram B cho biết, các thông tin, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước được đội ngũ cán bộ cơ sở tiếp cận nhanh chóng, đồng bộ nên tạo sự thống nhất trong công tác tuyên truyền, vận động, triển khai thực hiện. Các vấn đề phát sinh tại từng thôn, buôn cũng được phản ánh kịp thời đến lãnh đạo xã nhằm sớm có hướng giải quyết, không để phát sinh vấn đề, vụ việc phức tạp.

Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch HĐND xã, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy xã Ea Drơng (huyện Cư M'gar) Y Đhuăn Mlô (bìa trái) tuyên truyền dân tìm hiểu các thông tin việc làm.
 
Công tác tuyên giáo trong vùng đồng bào DTTS đã được cấp ủy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, tạo “cầu nối” giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân vùng đồng bào DTTS. Đội ngũ cán bộ tuyên giáo cơ sở đã chủ động thu thập thông tin, nắm bắt tình hình dư luận xã hội, kịp thời phản ánh, tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác tư tưởng, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương”.
 
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy H’Lim Niê

Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy xã Ea Drơng Y Đhuăn Mlô, cùng với phương thức truyền thống là sử dụng hệ thống truyền thanh, xã Ea Drơng chú trọng ứng dụng mạng xã hội trong công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chính sách, quy định mới. Xã đã thành lập trang Zalo xã Ea Drơng. Đảng ủy và UBND xã đã thành lập nhóm Zalo bí thư chi bộ, nhóm Zalo trưởng thôn, buôn. Công an xã và các đoàn thể cũng thành lập trang, nhóm Zalo phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền. Nhờ vậy, nhiều năm qua, xã Ea Drơng luôn giữ vững ổn định về an ninh chính trị, người dân đoàn kết, đồng thuận triển khai xây dựng nông thôn mới theo các tiêu chí nâng cao.

Chuyển biến căn bản, tích cực

Đắk Lắk là địa bàn có 49 dân tộc cùng sinh sống, đồng bào DTTS chiếm gần 36% dân số toàn tỉnh, sinh sống tại 2.199 thôn, buôn, tổ dân phố, trong đó có 556 buôn. Tỷ lệ đồng bào DTTS theo tôn giáo chiếm 41,49% tổng số tín đồ tôn giáo của tỉnh. Để tạo sự chuyển biến cả về “lượng” và “chất” trong công tác tuyên giáo cơ sở, nhất là vùng đồng bào DTTS, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 04-ĐA/TU, ngày 8/11/2022 về “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 - 2025” và Đề án số 12-ĐA/TU, ngày 13/2/2023 về “Nâng cao chất lượng hoạt động công tác tuyên giáo cấp cơ sở trong vùng đồng bào DTTS tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Ban tuyên giáo các cấp trong tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện hai đề án trên, tạo sự chuyển biến về mọi mặt.

Đồng chí Nguyễn Huy Anh, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Cư M’gar cho biết: Trước khi có Đề án số 12, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo thành lập ban tuyên giáo đảng ủy tại 17 xã, thị trấn với 153 đồng chí. Ngay sau khi có Đề án số 12, Ban Tuyên giáo Huyện ủy tiếp tục hướng dẫn các xã, thị trấn củng cố, kiện toàn ban tuyên giáo cơ sở, trong đó có 4 xã gồm: Ea Tul, Ea Drơng, Cuôr Đăng, Cư M’gar đã bố trí cán bộ tuyên giáo là người DTTS. Đồng thời tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành kế hoạch triển khai Đề án số 04 và 12, chú trọng kiện toàn tổ chức, bộ máy, đổi mới công tác tuyên truyền, cơ sở vật chất, phương tiện nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên giáo vùng DTTS.

Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch HĐND xã, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy xã Ea Drơng (huyện Cư M'gar) Y Đhuăn Mlô (bên phải) kiểm tra hoạt động của trang Zalo xã Ea Drơng.

Cùng với huyện Cư M’gar, các huyện có đông đồng bào DTTS gồm: Lắk, M’Drắk, Buôn Đôn, Ea Súp cũng đã thành lập, kiện toàn ban tuyên giáo hoặc ban tuyên vận cấp xã, bố trí cán bộ phụ trách tuyên giáo là người DTTS. Công nghệ thông tin được ứng dụng hiệu quả, nhiều hội nghị quán triệt, triển khai nghị quyết của Đảng được tổ chức trực tuyến đến cấp xã. Ban tuyên giáo các cấp phối hợp biên tập, xuất bản tài liệu tuyên truyền dạng hỏi - đáp bằng song ngữ Việt - Êđê để cấp phát cho cơ sở. Công tác tuyên truyền, nắm bắt, định hướng dư luận xã hội, nhất là đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để lôi kéo đồng bào DTTS tiếp tục được quan tâm và có sự chủ động hơn, bằng nhiều phương thức như tuyên truyền miệng, tuyên truyền trực quan và các trang mạng xã hội.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.