Những chỉ đạo sát sao của Chủ tịch Hồ Chí Minh với cuộc kháng chiến ở Nam bộ
Bất chấp nguyện vọng độc lập của nhân dân Việt Nam, sau nhiều ngày khiêu khích, đêm 22 sáng 23/9/1945, quân Pháp đã nổ súng tấn công vào trụ sở UBND Nam bộ, trụ sở Quốc gia tự vệ Cuộc, bưu điện, nhà đèn, kho bạc, đài phát thanh nhằm thực hiện âm mưu quay lại tái chiếm Đông Dương, trước hết là Nam bộ, biến vùng đất trù phú này trở lại thành thuộc địa của Pháp, để “từ đó ảnh hưởng của Pháp sẽ lan ra toàn cõi Đông Dương”.
Rạng sáng 23/9/1945, Xứ ủy và UBND Nam bộ triệu tập cuộc họp liên tịch tại nhà số nhà 629 đường Cây Mai (đường Nguyễn Trãi, quận 5, TP. Hồ Chí Minh ngày nay) để lấy ý kiến về “phát động kháng chiến”. Hội nghị đã quyết định thành lập Ủy ban kháng chiến Nam bộ; đồng thời, phát động toàn dân tổng đình công, bãi công, bãi chợ, không hợp tác với giặc Pháp, phát động cuộc chiến tranh du kích rộng khắp…
Dân quân Nam bộ trong những ngày đầu Nam bộ kháng chiến 1945. |
Theo sát tình hình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên có những chỉ đạo kịp thời, sát sao đối với cuộc kháng chiến ở Nam bộ. Ngay trong ngày 23/9/1945, sau khi nhận được điện của Ủy ban kháng chiến Nam bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập khẩn cấp Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng, ra ngay huấn lệnh kêu gọi: “Hỡi đồng bào Nam bộ! Lòng cương quyết dũng cảm của nhân dân Nam bộ chống lại quân đội xâm lăng của Pháp... làm cho đồng bào toàn quốc cảm phục... Đồng bào phải cương quyết, phải giữ vững sự tin tưởng ở tương lai và lập tức thi hành triệt để những lời thề quả quyết trong Ngày Độc lập”.
Ngày 26/9/1945, trên sóng Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi bức thông điệp thể hiện niềm tin vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam bộ, khẳng định quyết tâm kháng chiến của Trung ương Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước ta: “Hỡi đồng bào Nam bộ! Nước ta vừa tranh quyền độc lập thì đã gặp nạn ngoại xâm... Tôi chắc đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam bộ... Chúng ta chỉ đòi quyền độc lập, tự do chứ chúng ta không vì tư thù tư oán, làm cho thế giới biết rằng chúng ta là một dân tộc văn minh, văn minh hơn bọn đi giết người cướp nước. Nước Nam độc lập muôn năm. Đồng bào Nam bộ muôn năm!”.
Ngày 29/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư Lời kêu gọi đồng bào Nam bộ, trong thư khẳng định: “Đồng bào trong Nam, trong một tháng nay, đã tỏ rõ tinh thần vững chắc, hùng dũng đáng làm gương cho lịch sử thế giới. Ngày nay, trước tình trạng khó khăn, toàn thể quốc dân Việt Nam hồi hộp theo cuộc chiến đấu ở Nam bộ. Nhưng thời cuộc càng khó khăn chừng nào, tôi chắc rằng tinh thần anh chị em càng cương quyết hơn chừng ấy. Trước nạn ngoại xâm, toàn thể quốc dân đã đoàn kết chặt chẽ thành một khối kiên cố, thành một lực lượng thống nhất mà không đội xâm lăng nào đánh tan được”.
Một đơn vị Nam tiến tại ga Hàng Cỏ, Hà Nội trước khi lên đường vào Nam chi viện cho mặt trận Nam bộ năm 1945. Ảnh: baotanglichsu.vn |
Ngày 25/11/1945, Trung ương Đảng ra chỉ thị về kháng chiến, kiến quốc, trong đó xác định rõ những “nhiệm vụ chiến thuật của ta ở Nam bộ”. Theo đó, Trung ương Đảng cử chi đội do Nam Long chỉ huy vào chi viện cho Nam bộ; đồng thời cử chi đội Hà Vi Tùng vào Nam Trung bộ để yểm trợ. Quỹ “Nam bộ kháng chiến” được thành lập, cùng với sự xuất hiện các “Phòng Nam bộ” tại nhiều địa phương để ghi tên những người tình nguyện vào Nam chiến đấu. Hướng về Nam bộ, thanh niên miền Nam, miền Bắc nô nức tòng quân và xin được vào Nam chiến đấu. Bên cạnh đó, nhiều cuộc quyên góp vật chất ủng hộ Nam bộ kháng chiến, nhiều cuộc mít tinh, biểu tình nổ ra thể hiện tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc. Các căn cứ địa, chiến khu xung quanh Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định xuất hiện ở Nam bộ đầu kháng chiến chống thực dân Pháp thực sự là các bàn đạp quân sự - chính trị, phát huy hiệu quả trong tổ chức chiến đấu đánh địch và nơi cung cấp nhân lực, hậu cần cho kháng chiến.
Có thể khẳng định, với ý chí “Độc lập hay là chết”, đồng bào Nam bộ đã quyết tâm chiến đấu chống quân xâm lược, tạo nên một vòng vây quân sự kết hợp với vòng vây kinh tế, làm cho kẻ địch bị động, bất ngờ và chùn bước, tạo điều kiện cho quân và dân ta bước vào giai đoạn thực hiện toàn quốc kháng chiến. Ghi nhận và biểu dương tinh thần chiến đấu kiên cường bất khuất của quân và dân Nam bộ, tháng 2/1946, thay mặt Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng đồng bào Nam bộ danh hiệu vẻ vang “Thành đồng Tổ quốc”.
Nguyễn Trang
Ý kiến bạn đọc